Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mạnh tay với các khoản nợ

Thứ ba, 03/07/2012 - 06:31

(Thanh tra)- Bộ Tài chính đang hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm tăng cường quản lý tất cả các khoản nợ theo hướng buộc doanh nghiệp (DN) phải phân loại nợ phải thu, phải trả, đồng thời gắn trách nhiệm các tập thể, cá nhân đối với từng khoản nợ.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là DNNN có mức lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Dự thảo Đề án Tái cơ cấu DN Nhà nước (DNNN) nhận định: “Tình hình tài chính tại nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa bảo đảm các yêu cầu về an toàn tài chính, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả”.

Dự thảo quy định rõ: DN có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản công nợ. Cùng với đó, DN phải mở sổ theo dõi các khoản nợ theo từng đối tượng nợ; thường xuyên phân loại các khoản nợ (nợ luân chuyển, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi), đôn đốc thu hồi nợ.

Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ, không thu hồi được thì hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc hoặc giám đốc sẽ bị miễn nhiệm. Nếu vì không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại DN, lãnh đạo DN phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nêu rõ, khi xác định là nợ phải thu khó đòi, DN phải trích lập dự phòng đối với khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định. Nợ phải thu không có khả năng thu hồi, DN có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan. Số còn lại được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, quỹ dự phòng tài chính. Nếu các khoản này còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của DN. Nợ không có khả năng thu hồi sau khi xử lý như trên, DN vẫn phải theo dõi trên tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán và tổ chức thu hồi. Số tiền thu hồi được hạch toán vào thu nhập của DN.

Ngoài ra, để xử lý nợ, cho phép DN được quyền bán các khoản nợ phải thu theo quy định của pháp luật, gồm cả nợ phải thu trong hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn. DN chỉ được bán nợ cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ. Giá bán các khoản nợ do các bên tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm về quyết định bán khoản nợ phải thu. Trường hợp bán nợ mà dẫn tới DN bị thua lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán, gây ra tình trạng DN phải giải thể, phá sản thì hội đồng thành viên, chủ tịch công ty và người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh khoản nợ khó đòi phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật và điều lệ của DN.

Để quản lý các khoản nợ phải trả, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết: Nghị định buộc DN phải mở sổ theo dõi đầy đủ các khoản nợ phải trả gồm cả các khoản lãi phải trả; thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng thời hạn đã cam kết. Ngoài ra, DN phải thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán nợ của DN, phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn. Các khoản nợ phải trả mà không phải trả không có đối tượng để trả thì hạch toán vào thu nhập của DN.

Với những biện pháp mạnh tay này, hy vọng trong thời gian tới, nợ của các DN sẽ được quản lý một cách chặt chẽ, rõ ràng, gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân với từng khoản nợ, không còn tình trạng “nợ chung không ai khóc” như trước đây.

Trước thông tin về việc dư nợ vay ngân hàng của DNNN lên đến 415.347 tỷ đồng, tương đương 16,9% tổng dư nợ tín dụng; mức lỗ bình quân của các tập đoàn, tổng công ty còn lớn, cao gấp 12 lần so với DN ngoài Nhà nước; một số ý kiến đánh giá đây là mức độ khá nghiêm trọng, cần phải hành động mạnh tay.

T. Quý - H. Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm