Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Có nên dùng chung hạ tầng truyền dẫn?

Thứ sáu, 20/07/2012 - 06:15

(Thanh tra)- Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên để xảy ra tình trạng nhà mạng nào cũng xây hạ tầng truyền dẫn riêng, mà nên dùng chung. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) giao cho một số doanh nghiệp (DN) xây dựng hạ tầng truyền dẫn để cho thuê.

Theo các mạng nhỏ, như Vietnamobile, việc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tăng giá kênh truyền dẫn (KTD) đã làm chi phí vận hành mạng của đơn vị tăng lên hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Trong khi đó, mức cước thuê bao di động ngày càng giảm khiến “đường sống” của các mạng nhỏ ngày càng hẹp.

Ông Nguyễn Văn Dư, Tổng Giám đốc Gtel Mobile thắc mắc: “Không hiểu khung giá mới được VNPT và Viettel tăng trên cơ sở nào vì về nguyên tắc, kênh thuê phải ngày càng rẻ vì thiết bị đã được khấu hao, hạ tầng được khấu hao”.

Tuy nhiên, VNPT và Viettel lại cho rằng, việc tăng cước KTD do giá cả leo thang và bản thân DN cũng phải thuê nhà trạm của điện lực, phía điện lực cũng tăng giá, nên việc họ tăng giá thuê KTD hoàn toàn xuất phát từ các chi phí tăng cao.

Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã yêu cầu VNPT và Viettel phải đàm phán về giá cước thuê kênh mới đối với các DN viễn thông đến hết tháng 7/2012. Trong quá trình đàm phán, yêu cầu VNPT và Viettel giữ nguyên mức giá cước cho thuê kênh cũ đã áp dụng trước đó. Nếu hết thời hạn trên, các DN không thống nhất với nhau về giá cước thuê kênh mới, Cục sẽ trực tiếp xem xét giá thành thuê kênh của VNPT và Viettel để áp mức giá mới cho phù hợp.

Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc điều chỉnh giá thuê kênh nhằm lập lại trật tự của thị trường viễn thông. Về nguyên tắc, DN nắm thị phần lớn của thị trường như VNPT và Viettel, khi muốn tăng giá thuê kênh phải thông báo với Bộ.

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông cho biết: “Luật Viễn thông quy định, DN tăng giá không hợp lý, ảnh hưởng đến kinh doanh của các DN khác và người sử dụng dịch vụ, gây mất ổn định thị trường sẽ bị xử lý. Bởi, theo phản ánh của các mạng di động nhỏ như Vietnamobile và Gtel Mobile, thì VNPT và Viettel đã điều chỉnh giá thuê hạ tầng truyền dẫn, cụ thể tăng gần 300% giá thuê KTD, thậm chí có những kênh tăng mức cước thuê 4 - 5 lần”.

Đến thời điểm này, liên Bộ TT&TT và Tài chính chưa có con số cụ thể bằng văn bản về giá thành chi phí đầu vào của hạ tầng mạng để làm cơ sở điều hành. Cụ thể, để xây dựng một tuyến truyền dẫn, đơn cử như của Viettel, giá thành có tuyến là 1,7 triệu đồng, nhưng Viettel đã cho thuê ra ngoài là 5,2 triệu đồng. Tức là mức giá thuê tăng 3 lần so với giá thành, cho thấy các mạng nhỏ rất khó cạnh tranh được với các DN lớn.

Theo đó, tương lai gần, các mạng nhỏ muốn phát triển và có khả năng cạnh tranh cao, cần phải tự huy động vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng cho riêng mình. Điều này không dễ thực hiện, do mức vốn đầu tư hạ tầng viễn thông là rất lớn. Với số vốn phải bỏ ra không dưới vài trăm triệu USD, trong khi mức cước viễn thông lại rẻ, vì thế các mạng nhỏ không dễ kêu gọi đầu tư.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên để xảy ra tình trạng nhà mạng nào cũng xây hạ tầng truyền dẫn riêng, mà nên dùng chung. Hiện, Bộ TT&TT giao cho một số DN xây dựng hạ tầng truyền dẫn để cho thuê. Tuy nhiên, giá thuê phải trên nguyên tắc có sự kiểm soát, điều phối của Nhà nước, dựa trên giá thành và tính đúng, tính đủ. Nếu DN Nhà nước nào cũng đầu tư xây dựng hạ tầng mạng lưới đầy đủ, sẽ tạo ra sự lãng phí nguồn lực rất lớn.

Tuy nhiên, trong trường hợp các mạng nhỏ không đạt được thỏa thuận mong muốn về cước KTD, thì họ sẽ phải tự tìm cách, đầu tư, xây dựng mạng lưới hạ tầng cho mình.

Mai Châu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

(Thanh tra) - Oxy rất cần thiết cho mọi hoạt động sống của con người. Khi cơ thể không được nhận oxy đầy đủ, có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng. Sự khan hiếm oxy đang diễn ra trên thế giới bởi những tác động của biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố liên quan đến con người.

Liên Hương

21:27 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm