Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bỏ ân hạn thuế, khó càng thêm… khó

Thứ bảy, 10/11/2012 - 07:32

(Thanh tra) - Cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức quan tâm đến đề xuất “Người nộp thuế phải nộp trước thời điểm thông quan và áp dụng ân hạn nộp thuế khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng” được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đang được Bộ Tài chính trình tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá XIII.

Bỏ ân hạn thuế chi phí tài chính tăng thêm 1,5 tỷ USD…

Lo của doanh nghiệp…

Việc siết chặt về thời hạn nộp thuế khiến các DN XK ngành Dệt may, da giày, thủy sản... như ngồi trên đống lửa. Nếu đề xuất này được thông qua, DN XK sẽ phải lo chạy hàng tỷ đồng để nộp ngay tiền thuế nhập khẩu nguyên vật liệu.

Theo Hiệp hội Dệt may, bỏ ân hạn thuế sẽ làm giá thành sản phẩm XK của ngành tăng từ 8% đối với trường hợp bảo lãnh ngân hàng và đến 16% trường hợp vay tiền nộp thuế NK.

Một DN XK dệt may có quy mô trung bình, nhỏ đã có doanh số 10 triệu USD/năm, nộp thuế vào khoàng 1,2 triệu USD/năm. Như vậy, giá trị tài sản bảo lãnh sẽ lên tới 2 triệu USD. Con số này khó lòng gồng gánh.

Doanh số dự kiến XK của ngành là 16 tỷ USD/năm, số thuế phải nộp lên tới 700-800 triệu USD/năm. Sẽ lãng phí nếu số thuế này phải nộp ngay rồi lại chờ hoàn thuế, trong khi số tiền đó có thể được sử dụng giá trị hiệu quả hơn. Chưa kể thủ tục để hoàn thuế rất phức tạp.

Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng nói, căn nguyên của việc siết chặt thời gian ân hạn thuế là do một số DN kinh doanh không đàng hoàng nhưng đó là số ít. Vì thiểu số làm sai mà áp dụng biện pháp quản lý phòng ngừa, kiểm soát cho mọi DN theo kiểu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” là chưa thật sự chia sẻ khó khăn của DN.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, chưa cần thiết phải thay đổi quy định bỏ ân hạn 275 ngày đối với các DN sản xuất bình thường hiện nay. Dĩ nhiên có một thiểu số lợi dụng ân hạn này để kéo dài, chây lười nộp thuế. Nhưng nguyên tắc của quản lý thuế và thu thuế là hướng vào thuận lợi cho số đông, chứ không bao giờ đi quy định vì thiểu số, thậm chí ở nhiều nước người ta chấp nhận thất thu thuế thiểu số để làm thuận lợi cho đa số.

Tiến sĩ Trần Du Lịch lấy dẫn chứng từ kiến nghị của Hiệp hội ngành hàng Việt Nam, đại diện cho 5 Hiệp hội da giày, dệt may, bông vải sợi, mỹ nghệ chế biến gỗ, thủy sản (đóng góp 35% tổng kim ngạch XK). Khi thay đổi quy định thời gian ân hạn, nếu tính lãi vay bình quân ngoại tệ ở mức 12% thì chi phí tài chính tăng thêm 1,5 tỷ USD và chi phí giá thành XK tăng 1,5%.

Bộ trưởng Bộ Công thương, Vũ Huy Hoàng cho biết, qua làm việc với DN, Hiệp hội ngành nghề, Bộ Công thương đều được phản ánh sự lo ngại với việc thay đổi quy định này. Riêng Hiệp hội da giày cho rằng, nếu như áp dụng quy định này sẽ tăng chi phí lên 600 triệu USD/năm, trong khi kim ngạch thì khoảng 6 tỷ USD. Trong lúc năm 2012 XNK dù có tăng, nhưng bước sang 2013 trước vấn đề này, Bộ Công thương rất lo với dự kiến tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK. Trong bối cảnh với tình hình thực tế, và với những khó khăn hiện nay của DN, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề xuất chưa có thay đổi quy định này.

Và lý của cơ quan hành thu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, Luật hiện hành cho ân hạn thuế 275 ngày, nhưng phải thỏa mãn một trong hai điều kiện, là phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, và chấp hành tốt pháp luật hải quan và không nợ tiền thuế.

Tuy nhiên, hiện nay quy định cho ân hạn với đối tượng chấp hành tốt pháp luật và không nợ tiền thuế có vấn đề. Bộ trưởng Huệ dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho hay, 9 tháng đầu năm cả nước có 311.943 lô hàng NK nguyên liệu để sản xuất hàng XK, và 5.752 hợp đồng gia công hàng xuất XK, song 5.784 lô hàng và 961 hợp đồng gia công thuộc diện DN chấp hành tốt vẫn chưa thanh toán số tiền nợ thuế quá hạn 1.497 tỷ đồng. Trong đó, số của DN bỏ trốn đã và đang bị điều tra khởi tố mà không có khả năng thu hồi là 500 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ trưởng Huệ: Nếu như trường hợp phải có bảo lãnh, thì năm 2011 tổng giá trị kim ngạch nguyên vật liệu NK để sản xuất hàng XK khoảng 6,2 tỷ USD. Trong số này chỉ có 2,1 tỷ USD phải chịu thuế NK, còn lại là miễn thuế.

Do đó, với mức thuế suất của khu vực ASEAN là 5%, ngoài ASEAN là từ 6% đến 10% - 11%, thì tổng số thuế phải nộp của số này chỉ có 126 triệu USD. Với mức bảo lãnh là 0,05%/1 tháng tính trên 126 triệu USD, thì không thể có con số chi phí tăng lên 1,5 tỷ USD như Hiệp hội ngành hàng báo cáo.

Chưa thỏa mãn…

Nếu so cái lo của DN với cái lý của cơ quan hành thu, vẫn còn đó một vấn đề chưa thỏa mãn.

Theo Cục phó Cục Thuế xuất nhập khẩu, Nguyễn Hoàng Tuấn, Điều 42 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định, việc ân hạn thuế kéo dài, nhưng không kèm điều kiện để đảm bảo thu thuế có hiệu quả đã dẫn đến sơ hở, bị DN lợi dụng chây ỳ nộp thuế, và nhiều trường hợp bỏ trốn, không nộp thuế. Một số DN có khả năng vẫn dựa vào chính sách để chưa phải nộp thuế… Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nợ xấu do ngành Hải quan quản lý không ngừng gia tăng.

Theo đánh giá, những tháng đầu năm 2012, nợ thuế Hải quan quá hạn đã tăng vọt so với cuối năm 2011. Hiện có khoảng 5.823 tỷ đồng nợ thuế, đó có 2.534,2 tỷ đồng là nợ khó đòi. Số nợ thuế tạm thu của nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất quá hạn đến hết tháng 5/2012 khoảng 1.635 tỷ đồng, riêng nợ loại hình tạm nhập tái xuất là 449,3 tỷ đồng.

Trong lúc, từ nay tới cuối năm 2012, Tổng cục Hải quan cho biết, toàn ngành đang tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao là 223.900 tỷ đồng. Chỉ tiêu phấn đấu đưa ra là từ nay tới cuối năm, ngành hải quan sẽ đạt chỉ tiêu thu hồi nợ đọng gấp 2 lần năm 2011.

Thế nhưng, nói như Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng, vì một thiểu số làm sai, mà áp dụng biện pháp quản lý phòng ngừa, kiểm soát cho mọi DN là chưa thật chia sẻ khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay.

Hay như tiến sĩ Trần Du Lịch đã nói… Nhưng nguyên tắc của quản lý thuế và thu thuế là hướng vào thuận lợi cho số đông, chứ không bao giờ đi quy định vì thiểu số, thậm chí ở nhiều nước người ta chấp nhận thất thu thuế thiểu số để làm thuận lợi cho đa số.

Đó là lý do mà DN chưa thỏa mãn với việc tăng cường biện pháp hành thu qua đề nghị sửa đổi tai dự thảo Luật Quản lý thuế.

Mặt khác, theo cách tính chi phí của các tổ chức tín dụng trong bảo lãnh ân hạn  thuế của Bộ Tài chính cũng thấy đó là cách lập luận trong hoàn cảnh bình thường. Song tại dự thảo cũng nói: … Đồng thời, quy định chế độ trách nhiệm đối với tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh có nghĩa vụ nộp thuế thay khi doanh nghiệp không nộp đủ thuế. Điều này đồng nghĩa Luật sẽ chế tài trách nhiệm của đơn vị bảo lãnh.

Một khi bị chế tài trách nhiệm, liệu mức phí bảo lãnh của các tổ chức tín dụng có giữ ở mức 0,05%/1 tháng như khi chưa có chế tài? Đó là chưa nói đến hoàn cảnh nhiều DN nay đã không còn tài sản thế chấp để tìm đến đồng vốn rẻ phục vụ sản xuất, lấy đâu thêm tài sản thế chấp cho nghiệp vụ bảo lãnh ân hạn thuế…

Hương Xuân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

(Thanh tra) - Oxy rất cần thiết cho mọi hoạt động sống của con người. Khi cơ thể không được nhận oxy đầy đủ, có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng. Sự khan hiếm oxy đang diễn ra trên thế giới bởi những tác động của biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố liên quan đến con người.

Liên Hương

21:27 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm