Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 11/04/2012 - 22:37
(Thanh tra)- Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký phá sản, ngừng hoạt động, ngừng thực hiện nghĩa vụ thuế tăng lên khá lớn. Nếu không có biện pháp tích cực và hữu hiệu để hỗ trợ DN qua cơn khó khăn, vấn đề này sẽ tiếp tục gia tăng và gây trì trệ sản xuất, thất thu thuế, thất nghiệp…
Áp lực quá lớn với doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2011 đến hết quý I/2012, cả nước có gần 90 nghìn DN phá sản, ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong đó, riêng trong quý I/2012, trên 2.200 DN phá sản và trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động, dừng thực hiện nghĩa vụ thuế, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số DN đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57% so với cùng kỳ.
Giải thích nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, do lạm phát cao kéo dài, mọi chi phí đầu vào như: Lãi suất ngân hàng, xăng dầu, điện, khí đốt, nguyên vật liệu, chi phí nhân công tăng, trong khi hàng sản xuất ra khó tiêu thụ, tồn kho tăng cao khiến các DN không quay vòng được vốn, dẫn đến thua lỗ. Chỉ riêng lãi suất vay ngân hàng (nợ cũ) từ năm 2011 đến nay, các DN vẫn phải chịu lãi 21 - 23%/năm. Nếu tiêu thụ được sản phẩm đều đặn như các năm trước, lợi nhuận làm ra của DN cũng không đủ trả nợ ngân hàng vì vốn vay là chủ yếu, thậm chí gấp 2 - 5 lần vốn điều lệ.
Trong khi đó, sức mua trên thị trường suy giảm mạnh từ nhiều tháng nay tác động tiêu cực đến hệ thống sản xuất và phân phối sản phẩm. Tính đến 1/3/2012, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm 2011, trong khi chỉ số tiêu thụ chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng khá cao là: Chế biến và bảo quản rau quả, thực phẩm tăng 87,2%; sản xuất phân bón và hợp chất ni-tơ tăng 62,7%; sản xuất sắt, thép tăng 59,1%; sản xuất các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng 58%; sản xuất xi măng vôi, vữa tăng 55%; sản xuất xe có động cơ tăng 38,7%... Đây cũng là những ngành có chỉ số tồn kho liên tục tăng cao trong những tháng gần đây.
Với một nền sản xuất bình thường, chỉ số tồn kho tăng khoảng 12 - 15% so với cùng kỳ là hợp lý, nhưng trong thời điểm hiện tại, chỉ số tồn kho tăng cao tới 34,9% là điều bất thường. Điều này không chỉ lý giải cho việc gia tăng các DN khó khăn phải phá sản, ngừng hoạt động mà nhiều chỉ tiêu về thuế, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đang có xu hướng giảm sút; tăng trưởng GDP quý I/2012 ước đạt 4% (quý I/2010 tăng 5,84%, quý I/2011 tăng 5,57%).
Đặc biệt, với tình hình khó khăn hiện nay, khi xuất khẩu nông sản, như gạo, điều, cà phê… không những giảm về giá, mà còn giảm cả về lượng, khả năng đạt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay (13%) vẫn còn bỏ ngỏ.
Dùng đúng “thuốc” và đủ liều
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dù các ngân hàng công bố giảm lãi suất đã vài tháng nay nhưng hiện cho vay đối với VND vẫn tiếp tục đứng ở mức cao. Cụ thể, cho vay sản xuất - kinh doanh dao động bình quân từ 16,5 - 20%/năm; cho vay lĩnh vực phi sản xuất từ 20 - 25%/năm, cao gấp 3 - 4 lần các nước trong khu vực (Trung Quốc khoảng 5%/năm, Indonesia cũng mức này, còn Singapore thấp hơn).
Vì vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu nói đây là thời điểm thích hợp để tái cơ cấu DN vừa và nhỏ (VVN), sàng lọc những DN yếu kém và sản sinh những DN khỏe mạnh hay để DN tự đào thải là chưa thuyết phục. Bởi hiện nay, trong điều kiện kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lãi suất còn cao, DNVVN vốn lâu nay ít nhận được những ưu đãi lớn như DN Nhà nước thì càng khó cho DNVVN và thiếu công bằng.
Dù các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gỡ khó cho DN về thuế, cải cách thủ tục hành chính… nhưng nếu không giải tỏa được ách tắc về vốn, giảm lãi suất, khuyến khích cho vay cả tiêu dùng hợp lý để tăng sức mua trên thị trường thì “sức khỏe” DN cũng khó có thể hồi phục.
Mặt khác, “đầu ra” của các DN đang “tắc”, nếu tới đây những mặt hàng quan trọng “đầu vào” sản xuất như: Điện, than, xăng dầu cùng các loại phí khác tác động trực tiếp đến chi phí của DN tiếp tục tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, đồng nghĩa với gia tăng tồn đọng hàng hóa vì sức mua càng giảm. Do vậy, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ, hạn chế việc tăng giá “chống lỗ” hoặc bù đắp kinh phí cho các mặt hàng, các loại phí này bằng việc đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả đồng vốn, giảm giá thành… vì dư địa chống lỗ từ nội tại của các ngành này thực sự còn nhiều. Có như vậy, lợi ích chung của cộng đồng DN, của cả nền kinh tế và người dân mới không bị hụt hẫng như hiện nay.
Anh Thái
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.
Nhật Minh
19:40 14/12/2024(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sáng ngày 14/13.
Lê Phương
16:31 14/12/2024Uyên Uyên
16:28 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Liên Hương
10:25 14/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền