UBND tỉnh Nghệ An nhận thấy, thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tốt trong công tác TCD, phân loại, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC theo Luật TCD năm 2013, Luật KN 2011, Luật TC 2018 và các quy định của pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, qua theo dõi công tác TCD, công tác giải quyết KN lần 2 thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, kết quả giải quyết các vụ án hành chính đã được xét xử và kết quả giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cho thấy việc TCD tại nhiều địa phương chưa được thực hiện đúng quy định.

Việc ủy quyền cho cấp phó chủ trì giải quyết KN, đối thoại, TCD còn diễn ra phổ biến, nhất là cấp huyện và xã; nhiều trường hợp phân loại đơn thư chưa chính xác, chưa đúng bản chất của sự việc, tiến độ giải quyết chậm. Chất lượng thẩm tra, xác minh, ban hành quyết định giải quyết KN lần đầu còn thấp, nhiều trường hợp chưa đảm bảo trình tự, thủ tục, sai sót, giải quyết KN bằng công văn; có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới hoặc giải quyết cho xong thẩm quyền để đẩy vụ việc đến người có thẩm quyền giải quyết lần 2; chưa kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu, phân công, bố trí người có thẩm quyền để phối hợp làm việc với các tổ chức, cá nhân được giao tham mưu giải quyết vụ việc. 

Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, nâng cao trách nhiệm TCD và chất lượng giải quyết KNTC, phản ánh, kiến nghị của công dân, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về TCD, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân, trong đó cần lưu ý: Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chủ trì TCD; chỉ đạo chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chủ trì TCD theo quy định tại Luật TCD năm 2013. Việc ủy quyền cho cấp phó chủ trì chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt không còn giải pháp khác.

Việc xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 05/2011/TT-CP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, việc phân loại đơn phải căn cứ vào nội dung trình bày trong đơn, mục đích, yêu cầu của người có đơn, không phụ thuộc vào tiêu đề của đơn để đảm bảo việc xử lý, giải quyết đúng bản chất vụ việc, đúng trình tự, thủ tục đối với từng nội dung đơn của công dân theo quy định pháp luật. Việc thụ lý, giải quyết phải đảm bảo đầy đủ nội dung trình bày trong đơn của công dân, không để bỏ sót nội dung. Trường hợp đơn không phân định được các nội dung yêu cầu giải quyết thì phải làm việc cụ thể với người có đơn để làm rõ từng nội dung. Cần tránh các trường hợp công dân KN quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện nhưng lại chỉ đạo giải quyết KN các thủ tục hành chính do cấp dưới thực hiện phục vụ việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính của UBND cấp huyện.

Đối với các vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh có văn bản chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết và báo cáo UBND tỉnh đúng thời hạn yêu cầu (không ủy quyền cho cấp phó làm thay trong trường hợp này). 

Đối với các vụ việc có dấu hiệu quá thời hiệu, thời hạn KN theo quy định tại Điều 9 Luật KN năm 2011, trước khi ban hành thông báo không thụ lý KN, chủ tịch UBND cấp huyện cần chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ thời điểm người KN nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính; thời điểm cơ quan có thẩm quyền nhận được đơn KN (đầu tiên) của công dân; xem xét khoảng thời gian không tính vào thời hiệu KN; xem xét tính đúng đắn của các quyết định hành chính được ban hành, các hành vi hành chính đã thực hiện. Trên cơ sở đó, có thông báo, trả lời công dân theo quy định. 

Đối với các vụ việc KN lần đầu đủ điều kiện thụ lý thì giải quyết đúng thời hạn theo quy định tại Điều 28 Luật KN năm 2011. Người giải quyết KN không được lấy lý do xin ý kiến của cấp trên hoặc các sở, ngành chuyên môn để kéo dài thời gian giải quyết. 

Trong quá trình giải quyết KN lần đầu, nếu yêu cầu của người KN và kết quả xác minh nội dung KN còn khác nhau và vụ việc KN phức tạp, đông người, kéo dài thì chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chủ trì tổ chức đối thoại với người KN theo đúng quy định tại Điều 30 Luật KN năm 2011. Việc đối thoại phải được lập biên bản, có chữ ký của người chủ trì để làm cơ sở giải quyết vụ việc và phục vụ công tác thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện trong việc thực hiện pháp luật KN sau này. 

Đối với các vụ việc có quyết định giải quyết KN lần đầu và các quyết định hành chính của UBND cấp huyện bị hủy theo quyết định hoặc tuyên hủy theo bản án của tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật hoặc bị kết luận là không đúng quy định theo quyết định giải quyết KN lần 2 và các vụ việc KN của công dân qua giải quyết KN lần đầu được kết luận là KN đúng thì chủ tịch UBND cấp huyện kịp thời thi hành, tiến hành chỉ đạo, xác định rõ nguyên nhân đối với việc ban hành các quyết định hành chính, quyết định giải quyết KN không đúng pháp luật nêu trên; xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể và cá nhân đã tham mưu, ký duyệt để xử lý kỷ luật nghiêm minh theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. 

Kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu, phân công người có thẩm quyền để làm việc với sở, ngành, đơn vị, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh giao tham mưu giải quyết các vụ việc khi có yêu cầu. 

UBND tỉnh giao giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh cử lãnh đạo và cán bộ tham gia đầy đủ các phiên TCD của Chủ tịch UBND tỉnh đúng thành phần theo giấy mời. Trường hợp giấy mời ghi rõ thành phần mời tham dự là giám đốc sở, thủ trưởng ngành, đơn vị thì giám đốc sở, thủ trưởng ngành, đơn vị được mời phải trực tiếp tham gia TCD. Trường hợp đặc biệt không thể tham dự được thì phải báo cáo trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý việc cử cấp phó đi thay. 

Đối với các vụ việc KN được Chủ tịch UBND tỉnh giao sở, ngành, cơ quan, đơn vị chủ trì xác minh, tham mưu giải quyết KN lần 2 thì giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị nêu trên căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc, chủ động xác định mức độ phức tạp của vụ việc KN để thực hiện theo hướng: Đối với các vụ việc không phức tạp thì giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì phải chủ động trực tiếp tổ chức đối thoại với người KN theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật KN (không được ủy quyền hay phân công cấp phó hoặc cán bộ, công chức khác thuộc quyền quản lý của mình để chủ trì tổ chức đối thoại). Việc đối thoại phải được lập biên bản, có chữ ký của người chủ trì để làm cơ sở giải quyết vụ việc và phục vụ công tác thanh tra trách nhiệm trong công tác thực hiện pháp luật KN sau này. Đối với các vụ việc phức tạp thì giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì có văn bản báo cáo và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đối thoại. 

Đối với các vụ việc KNTC, tranh chấp đất đai mà kết quả kiểm tra, xác minh đã phát hiện việc giải quyết lần đầu không đúng quy định pháp luật; không giải quyết đầy đủ nội dung đơn của công dân; có các vi phạm trong quá trình giải quyết lần đầu; vi phạm trong việc thực hiện các yêu cầu theo quy định của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình giải quyết lần 2 thì giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì phải chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan và đề xuất mức độ xử lý kỷ luật theo quy định. 

UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, các sở, ngành, đơn vị có liên quan thống kê đầy đủ các quyết định giải quyết KN lần đầu được xác định giải quyết không đúng quy định (qua giải quyết KN lần 2); các quyết định, hành vi hành chính của UBND cấp huyện bị hủy theo quyết định hoặc theo bản án của tòa án nhân dân. Định kỳ vào tháng 10 hằng năm báo cáo và đề xuất UBND tỉnh chấn chỉnh, chỉ đạo xử lý trách nhiệm, chấm điểm thi đua của các tập thể, cá nhân đã để xảy ra sai phạm. 

Đồng thời tăng cường thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, KNTC và PCTN theo quy định tại Thông tư số 07/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ. Trong đó chú trọng việc thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện trong việc thực hiện các quy định pháp luật nêu trên. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong việc giải quyết KNTC, phản ánh, kiến nghị, tranh chấp đất đai.

Xuân Thống