Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tháng đầu năm 2022 nổi lên 3 nhóm khiếu kiện đông người, có dấu hiệu phức tạp

Hương Giang

Thứ ba, 15/02/2022 - 14:22

(Thanh tra) - Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước nổi lên 3 nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 15/2, tại Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội.

Rà soát xong 891 vụ việc tồn đọng, phức tạp

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng, công dân tập trung đông người, mang theo băng rôn, khẩu hiệu, có biểu hiện kích động, vi phạm pháp luật, gây phức tạp về an ninh trật tự vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; một số cá nhân, đoàn đông người kéo về Trung ương khiếu nại, tố cáo.

Với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, căn cứ tiêu chí, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đã lập danh sách 1.003 vụ việc để rà soát.

“Đến nay đã thực hiện rà soát xong 891 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,83%; trong đó, có 716 vụ việc thuộc trách nhiệm của các địa phương đã được các địa phương rà soát xong 686 vụ việc, đạt tỷ lệ 95,81%”, ông Bình thông tin.

Về 501 vụ việc khiếu kiện phức tạp về an ninh, trật tự, theo báo cáo của Bộ Công an, qua rà soát có 227 vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết; 272 vụ việc đang được tiếp tục giải quyết hoặc rà soát; 2 vụ việc chưa được giải quyết.

3 nhóm vụ việc khiếu kiện có dấu hiệu phức tạp

Đáng lưu ý, qua theo dõi trong phạm vi cả nước, Ban Dân nguyện thấy nổi lên 3 nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Theo ông Bình, đầu tiên là khiếu kiện liên quan đến đất đai, cưỡng chế thu hồi đất xảy ra và tập trung chủ yếu tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao.

Nội dung chủ yếu là tố cáo liên quan đến việc triển khai, thực hiện dự án, một số đối tượng tự ý chuyển đổi, lập dự án bất động sản khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp để ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng, gây bức xúc cho người dân như ở huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi của TP HCM.

Một số số vụ việc công dân không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ đã có những hành vi chống đối lực lượng cưỡng chế, giải phóng mặt bằng

Khiếu kiện liên quan đến ô nhiễm môi trường cũng diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, có nơi tạo thành điểm nóng về khiếu kiện. Nội dung chủ yếu liên quan đến hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp xả chất khí thải, gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, công nhân, người lao động tại một số khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn, do nhiều công ty chậm chi trả tiền lương, giảm thưởng tết cho người lao động, dẫn đến công nhân tổ chức đình công, nghỉ việc phản đối, đòi quyền lợi.

Đề nghị không để phát sinh "điểm nóng"

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương chủ động nắm tình hình khiếu nại, tố cáo nhất là đối với các vụ việc đông người, phức tạp để kịp thời giải quyết dứt điểm không để phát sinh điểm nóng; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, nghiên cứu, xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến trong tình hình dịch bệnh COVID -19 vẫn đang diễn ra phức tạp.

Cơ quan này cũng đề nghị tăng cường công tác thanh kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm đối với số đơn thư do các cơ quan của Quốc hội chuyển đến hoặc đã có kiến nghị giám sát và báo cáo kết quả giải quyết theo quy định.

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội đã nhận được 1.519  đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (giảm 6,86%) so với tháng trước; trong đó có 345 đơn thư đủ điều kiện xử lý (tăng 1,17%), 1.170 đơn không đủ điều kiện xử lý (giảm 1,18%).

Với 345 đơn thư đủ điều kiện xử lý, các cơ quan đã chuyển 30 đơn của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đã nhận được 20 văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về tiến độ giải quyết, kết quả giải quyết đối với các vụ việc đã chuyển đơn trước đó.

Các đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận tổng số 510 đơn thư, qua phân loại có 275 đơn đủ điều kiện xử lý, 32 đơn trùng lặp, 203 đơn không đủ điều kiện xử lý (đơn nặc danh, không ký tên, đơn không rõ nội dung).

Trong số 275 đơn đủ điều kiện xử lý, các đoàn đã chuyển, đôn đốc 202 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 43 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân; đã nhận được 76 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc giải quyết.  

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm