Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Quý
Thứ sáu, 18/02/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Báo cáo số 06 về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Xây dựng gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế do nguyên nhân chủ quan dẫn đến phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Tranh chấp quỹ bảo trì chung cư cũng đang là điểm nóng. Ảnh: TQ
Báo cáo cho thấy, trong kỳ báo cáo có 3.066 đơn gửi đến Bộ Xây dựng, trong đó 712 đơn khiếu nại, 309 đơn tố cáo và 2.045 đơn kiến nghị, phản ánh.
Theo Bộ Xây dựng, các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: Đòi lại nhà đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trước ngày 1/7/1991; tranh chấp hợp đồng mua bán nhà chung cư, bầu ban quản trị; quản lý, sử dụng nhà chung cư; tranh chấp quỹ bảo trì; vi phạm trật tự xây dựng; công tác quy hoạch xây dựng; mua bán nhà theo Nghị định 61/CP…
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, đơn thư khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu vào các vấn đề công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý tài chính và các hoạt động trong nội bộ đơn vị.
Theo Bộ Xây dựng, việc phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân khách quan là do một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn bất cập, chưa đồng bộ, cá biệt có quy định còn chưa phù hợp thực tiễn đời sống xã hội, trong đó chủ yếu là các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở… Một số bộ phận công dân hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, có những đòi hỏi vượt quá mức quy định của pháp luật, cá biệt có trường hợp bị xúi giục, kích động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để nhằm mục đích gây rối an ninh, trật tự.
Một số địa phương chú trọng công tác thu hút đầu tư để giao đất cho doanh nghiệp nhưng chưa quan tâm, thậm chí xem nhẹ lợi ích của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ bố trí tái định cư, quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu công khai, chưa minh bạch…
Về nguyên nhân chủ quan là do một số địa phương cấp ủy chính quyền và các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội chưa thực sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt; một số người đứng đầu còn lơ là, chủ quan đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân.
Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu, kỷ luật hành chính thực thi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, né tránh hoặc đùn đẩy; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế, cá biệt còn có hiện tượng công chức gây sách nhiễu, phiền hà, có hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện công vụ còn chưa nghiêm túc; thái độ ứng xử đối với người dân chưa phù hợp.
Lãnh đạo một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân. Nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, kéo dài, để người dân phải chờ đợi lâu, quyền lợi bị ảnh hưởng đã gây nên bức xúc dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp đến Bộ Xây dựng.
Ý thức chấp hành pháp luật; tuân thủ quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng của một số chủ đầu tư dự án khu đô thị mới hoặc dự án phát triển nhà ở chưa tốt; một số dự án vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng sai quy hoạch hoặc có vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở… nhưng việc xử lý của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thiếu kiến quyết, không dứt điểm đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân nhận chuyển nhượng, mua bán sản phẩm bất động sản của dự án.
Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo của cơ quan chức năng có thẩm quyền còn tồn tại, hạn chế như: Việc thẩm tra, xác minh chưa đầy đủ, cơ sở pháp lý để giải quyết chưa chính xác, không công tâm, thiếu khách quan; còn “cứng nhắc” chưa vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách để giải quyết nên không nhận được sự đồng thuận của công dân.
Có cơ quan thiếu kiên quyết, chậm trễ trong việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền.
Để từng bước hạn chế phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, theo Bộ Xây dựng, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn luật; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ trướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quyết định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao nhận thức trong nhân dân. Tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Xây dựng với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan thường xuyên phổ biến, quán triệt văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phối hợp giữa lực lượng công an, chính quyền địa phương với cơ quan trực tiếp giải quyết để xây dựng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm. Có cơ chế kiểm soát, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong tham mưu ban hành văn bản pháp luật.
Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành cơ chế chính sách thu hút những người thực sự có đức, có tài, có tầm nhìn và năng lực tham mưu, hoạch định chính sách pháp luật để thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 21/11, Chánh Thanh tra thành phố Hải Phòng Bùi Thị Hồng Vân chủ trì buổi đối thoại với bà Bùi Thị Nức có đơn khiếu nại (lần 2) gửi Chủ tịch UBND thành phố khiếu nại Quyết định số 8112/QĐ-UBND ngày 18/7/2024 của Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu).
Kim Thành
19:39 21/11/2024(Thanh tra) - Quyết định số 4001/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định khẳng định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với ông Nguyễn Văn Sang là đúng quy định pháp luật. Quyết định giữ nguyên các nội dung trước đó, đồng thời bác bỏ các khiếu nại của ông Sang về việc yêu cầu bồi thường theo loại đất ở, bồi thường 100% giá trị ngôi nhà và giao đất tái định cư diện tích 100m².
Hoàng Hiệp
19:17 21/11/2024Lâm Ánh
21:19 19/11/2024Trần Kiên
20:18 19/11/2024Nhóm phóng viên
16:17 19/11/2024Vũ Linh
00:00 19/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân