Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 03/05/2022 - 19:10
(Thanh tra) - Qua thực tiễn áp dụng pháp luật về tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị nhiều nội dung thiết thực.
Sáng ngày 20/4/2022, tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4 năm 2022. Ảnh: https://quangnam.gov.vn
Khoản 2, Điều 18 Luật Tiếp công dân quy định người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình. Khoản 5, Điều 12 cũng quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 ngày trong 01 tháng. Ngoài ra, khoản 5, Điều 13 quy định chủ tịch UBND cấp huyện phải tiếp công dân định kỳ ít nhất 02 ngày trong 01 tháng.
Luật Tiếp công dân không quy định người đứng đầu được ủy quyền cho cấp phó hoặc người khác thực hiện tiếp công dân mà Khoản 4, Điều 24 luật quy định: “Trường hợp không thể thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã công bố có lý do chính đáng thì có thể lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác”. Vì vậy, gây khó khăn cho công tác tiếp công dân của người đứng đầu, nhất là đối với chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Thực tiễn, để đảm bảo thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện đã phân công các phó chủ tịch UBND thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân định kỳ theo lịch tiếp công dân của UBND tỉnh, UBND cấp huyện. Do đó, cần quy định cho phép chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân định kỳ (có thể quy định tỷ lệ ủy quyền không quá 50% hoặc 30% số ngày tiếp công dân định kỳ theo quy định trong năm).
+ Điểm c, Khoản 1, Điều 26 Luật Tiếp công dân quy định: “Trường hợp khiếu nại, tố cáo đó được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, người tiếp công dân giải thích, hướng dẫn để người đến khiếu nại, tố cáo chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và yêu cầu công dân chấm dứt việc khiếu nại, tố cáo”. Tuy nhiên, thực tế quy định này rất khó thực hiện vì người tiếp công dân không đủ cơ sở, điều kiện để xác định khiếu nại, tố cáo đó có được giải quyết đúng chính sách, pháp luật hay chưa? Do đó, cần hướng dẫn cụ thể hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tiếp công dân làm nhiệm vụ.
+ Điều 29 Luật Tiếp công dân quy định khi nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì người tiếp công dân yêu cầu những người này phải cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với người tiếp công dân. Tuy nhiên, thực tế một số công dân không muốn cử đại diện hoặc đã cử đại diện nhưng vẫn đòi tiếp hoặc một số trường hợp người đại diện sợ trách nhiệm trước pháp luật về vai trò đại diện của mình cũng là khó khăn cho cán bộ tiếp công dân.
Bên cạnh đó, quy định pháp luật chỉ điều chỉnh về nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung, chưa điều chỉnh vấn đề khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người với nhiều nội dung khác nhau. Các quy định về tiếp và xử lý trường hợp nhiều người chưa phù hợp với nội dung, tính chất, đặc điểm, yêu cầu của tình trạng này, chưa xử lý được tận gốc nguyên nhân làm phát sinh. Quy định hiện hành mới xử lý về hình thức, cách thức xử lý để giải tán các đoàn đông người. Vì vậy, về lâu dài cần có những quy định pháp luật cụ thể để thực hiện.
+ Về chế độ cho công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân ở địa điểm tiếp công dân cấp xã và các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập: Ngoài công chức chuyên trách tại trụ sở tiếp công dân, các đối tượng được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, khi làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày/người; trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 80.000 đồng/ngày/người. Tuy nhiên, việc thực hiện việc chi chế độ này công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân ở địa điểm tiếp công dân cấp xã và các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập rất hạn chế, nhiều cơ quan, đơn vị không thực hiện được với lý do không có hướng dẫn cụ thể việc chi này vì công chức thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm; ngân sách cấp xã không bố trí nguồn chi cho nhiệm vụ này. Do đó, cơ quan tài chính cần có hướng dẫn thực hiện cụ thể để thực hiện thống nhất quy định trên.
Đối với Luật Khiếu nại
Về hình thức khiếu nại bằng đơn khiếu nại: Theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, người khiếu nại có thể khiếu nại bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp. Đối với trường hợp trình bày trực tiếp thì công chức tiếp công dân đã hướng dẫn người khiếu nại xác định cụ thể đối tượng, nội dung, yêu cầu khiếu nại, người bị khiếu nại. Tuy nhiên, đối với khiếu nại bằng đơn khiếu nại: hiện nay hầu hết các đơn khiếu nại không được thực hiện theo mẫu quy định nên việc đối tượng, nội dung, yêu cầu khiếu nại, người bị khiếu nại không đúng; nhất là các vụ việc khiếu nại phát sinh trong các vụ việc về đất đai (bồi thường, thu hồi đất; cấp giấy…) nhiều thủ tục hành chính, do nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện nên việc xác định hành vi hành chính, đối tượng hành chính bị khiếu nại không chính xác, dẫn đến việc thụ lý giải quyết khiếu nại không đúng thẩm quyền; không đúng đối tượng bị khiếu nại. Do đó, cần hướng dẫn áp dụng thống nhất việc khiếu nại bằng đơn theo mẫu đơn khiếu nại đã được ban hành kèm theo Nghị định 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
+ Điều 28 Luật Khiếu nại quy định: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý”. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành phải mất nhiều thời gian xác minh, do vậy việc giải quyết phải kéo dài thời gian hơn so với quy định.
+ Đối với giải quyết khiếu nại lần đầu: Khoản 2, Điều 30 Luật Khiếu nại quy định: “Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, nội dung và địa điểm đối thoại”. Trường hợp khiếu nại lần đầu thì người giải quyết khiếu nại lần đầu đồng thời là người bị khiếu nại, nên việc thông báo này là không phù hợp (người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản cho chính bản thân mình là người bị khiếu nại). Quy định này chỉ phù hợp khi cán bộ, công chức có hành vi hành chính bị khiếu nại thuộc quyền quản lý trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
+ Luật Khiếu nại không quy định cách xử lý trong trường hợp người có thẩm quyền tổ chức đối thoại mà người khiếu nại hoặc người bị khiếu nại, người có liên quan không tham gia đối thoại. Do đó, khi phát sinh trường hợp này chưa có cơ sở pháp lý để xử lý.
+ Luật Khiếu nại chỉ quy định duy nhất trường hợp đình chỉ việc giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại có đơn rút khiếu nại (Điều 10). Nhưng trong thực tế còn phát sinh nhiều trường hợp khách quan khác phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết, chẳng hạn như: cơ quan hành chính Nhà nước đã chủ động thu hồi, hủy bỏ quyết định, hành vi hành chính là đối tượng bị khiếu nại; người khiếu nại là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được hoặc chưa được thừa kế; cơ quan, tổ chức đã giải thể mà không có hoặc chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ tham gia khiếu nại; người khiếu nại đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng... Do chưa có quy định xử lý các tình huống này, nên mỗi cơ quan, địa phương có cách giải quyết khác nhau.
+ Khoản 1, Điều 33 Luật Khiếu nại quy định: “Trường hợp người khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai”. Như vậy, trong trường hợp khiếu nại lần hai khi quá thời hạn giải quyết thì người khiếu nại sẽ không thể có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu để gửi kèm theo đơn khiếu nại lần hai theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Khiếu nại.
Theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân: Việc tổ chức công tác tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh; việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân do ban tiếp công dân tỉnh chủ trì thực hiện (có sự phối hợp với thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Tuy nhiên hiện nay, theo quy định tại khoản 16, 17 Điều 8 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020) thì nhiệm vụ tiếp công dân đã được quy định cho Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về nguyên tắc khi Luật Tiếp công dân 2013 chưa được sửa đổi, bổ sung thì vẫn thực hiện các quy định của luật này.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chủ động nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phát hiện những vụ việc KNTC ảnh hưởng lớn tới an ninh, trật tự để giải quyết dứt điểm, không để phát sinh thành “điểm nóng”, được huyện Kim Sơn xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Trung Hà
19:47 22/11/2024(Thanh tra) - Chiều 21/11, Chánh Thanh tra thành phố Hải Phòng Bùi Thị Hồng Vân chủ trì buổi đối thoại với bà Bùi Thị Nức có đơn khiếu nại (lần 2) gửi Chủ tịch UBND thành phố khiếu nại Quyết định số 8112/QĐ-UBND ngày 18/7/2024 của Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu).
Kim Thành
19:39 21/11/2024Hoàng Hiệp
19:17 21/11/2024Lâm Ánh
21:19 19/11/2024Trần Kiên
20:18 19/11/2024Nhóm phóng viên
16:17 19/11/2024Cảnh Nhật
Hương Giang
Văn Thanh
Hương Trà
Lê Hữu Chính
Chu Tuấn - Quang Danh
Văn Thanh
Bùi Bình
Trung Hà
Bùi Bình
Lợi Châu