Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Làm công tác tiếp dân phải bản lĩnh và giỏi... chịu đựng”

Hương Giang - Thái Hải (Thực hiện)

Thứ bảy, 10/02/2024 - 06:00

(Thanh tra) - “Cán bộ tiếp dân cần được chia sẻ về tình cảm và trách nhiệm. Bởi lúc khó khăn, căng thẳng vì người dân khiếu kiện la hét, một lời động viên kịp thời, khó khăn mấy cũng vượt qua”, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương. Ảnh: H.G

Tôi biết ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương nhiều năm. Với cách nói chuyện thân thiện, phong cách bình dị cũng tạo nên cái duyên với nghề tiếp công dân, mà hằng ngày ông phải nghe những bức xúc của người dân khiếu nại (KN), tố cáo (TC).

Ông chia sẻ, làm công tác tiếp dân đã khó, tiếp dân gắn với giải quyết KN, TC lại càng khó. Trong khi thu nhập thấp nên nhiều người ngại.

“Cán bộ tiếp dân không phải là người ra quyết định, không phải là người trực tiếp gây bức xúc cho người dân, nhưng những gì giận hờn, uất ức, dồn nén, người dân trút lên cán bộ tiếp dân trước. Do đó, làm công tác tiếp dân phải đam mê, bản lĩnh và giỏi chịu đựng”.

“Lấy niềm tin của người dân quý hơn phần thưởng, cán bộ tiếp dân sẽ tốt”

+ Với kinh nghiệm làm công tác tiếp dân gần 14 năm, ông thấy cán bộ tiếp dân mong mỏi điều gì?

Cán bộ tiếp dân cần được chia sẻ về tình cảm và trách nhiệm. Bởi lúc khó khăn, căng thẳng vì người dân khiếu kiện chửi bới, la hét, một lời động viên kịp thời, khó khăn mấy cũng vượt qua.

Như tại Ban Tiếp công dân Trung ương, chúng tôi luôn được Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Tổng Thanh tra, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhiều thời kỳ, cũng như lãnh đạo các cơ quan Trung ương quan tâm. Chúng tôi cảm nhận được tình cảm đó, nên làm việc ngày càng tốt hơn.

Ban luôn chọn những vụ việc khó nhất, đông người nhất, phức tạp nhất để kiến nghị, đề xuất, nhưng không một đề xuất nào của ban mà lãnh đạo Thanh tra Chính phủ từ chối.

Tất nhiên, để lãnh đạo tin tưởng, cán bộ tiếp dân phải có trình độ chuyên môn, năng lực dân vận và dám nói, dám đối đầu.

+ Để cán bộ tiếp dân đạt trình độ như ông nói không thể “một sớm, một chiều”?

Kinh nghiệm cần được tích lũy thời gian dài. Nhưng khi có đam mê, lấy niềm tin, sự vui vẻ của người dân quý hơn phần thưởng, cán bộ tiếp dân sẽ tốt.

Cán bộ tiếp dân mất uy tín, cũng làm mất uy tín của cấp ủy, chính quyền mà đầu tiên là bí thư, chủ tịch, bộ trưởng, chứ không phải chỉ riêng với cán bộ đó. Cho nên, chọn cán bộ làm công tác tiếp dân cần đúng người, giỏi chuyên môn và phải bản lĩnh.

Qua kiểm tra, theo dõi đôn đốc và làm việc với một số địa phương, tôi thấy cấp ủy, chính quyền, bí thư, chủ tịch quan tâm cán bộ tiếp dân đã tăng lên rất rõ nét.

+ Ông đề cập đến việc Ban Tiếp công dân Trung ương thường chọn những vụ việc khó, phức tạp để kiến nghị, đề xuất. Cụ thể, như thế nào, thưa ông?

Người dân bức xúc, thấy uất ức lắm mới lặn lội ra Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để KN, TC, kiến nghị, phản ánh.

Tiếp dân thấy chính quyền làm không đúng, thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, cán bộ phải mạnh dạn đề xuất với thủ trưởng của mình xem xét lại. Việc này có nhiều cách, có thể thanh tra, kiểm tra, rà soát lại.

Nếu cán bộ tiếp dân ngại không đề xuất, kiến nghị gì là không làm hết trách nhiệm. Thứ nữa, có thể xảy ra oan sai, nếu không oan sai có thể người dân bị thiệt thòi.

Thực tế, có địa phương sợ trách nhiệm nên không rà soát lại vụ việc KN, TC. Cho nên, nhiều vụ việc được Ban Tiếp công dân Trung ương đề xuất với Tổng Thanh tra để có hướng rà soát, giải quyết.

Thanh tra Chính phủ không phải cấp giải quyết, nhưng có chức năng quản lý Nhà nước, có quyền thanh tra thực hiện pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC.

Thêm nữa, các vụ KN, TC, nhất là các vụ đông người, phức tạp cần sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với các địa phương để thống nhất cách giải quyết.

“Với kết quả năm 2023, sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng Thanh tra, sự phối hợp của địa phương, năm nay nhiều người dân KN, TC sẽ về quê ăn Tết. An ninh trật tự sẽ được đảm bảo.

Quan trọng, những gì hứa với người dân phải cố gắng làm đúng. Đừng chỉ ra Trung ương đón người dân về quê ăn Tết cho xong, ra Tết không tập trung giải quyết thì người dân càng bức xúc. Như vậy, uy tín của chính quyền sẽ không có”, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương nói. 

“Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đi vào nề nếp, bài bản”

+ Năm 2023, người dân đến cơ quan Nhà nước KN, TC, kiến nghị phản ánh vẫn tăng. Ông nghĩ gì về điều này?

Số lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước KN, TC, kiến nghị, phản ánh trong năm 2023 tăng so với năm 2022, nhưng chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình, nhất là với khiếu kiện đông người, an ninh trật tự được bảo đảm.

Nói ngắn gọn, công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC đi vào nề nếp, bài bản và thành công.

Tôi ấn tượng khi thấy rất nhiều địa phương, không chỉ chủ tịch mà bí thư cũng tiếp dân định kỳ. Những vụ việc phức tạp, bí thư, chủ tịch cùng tiếp dân để chỉ đạo giải quyết. Điều này tạo niềm tin ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng người dân kéo lên Trung ương.

Đặc biệt, trên cơ sở báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết các vụ KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Tổ Công tác 1849 của Thủ tướng không những chỉ đạo từng vụ việc, mà còn chỉ đạo các địa phương có biện pháp tăng cường tiếp dân ở cơ sở, tập trung giải quyết dứt điểm.

Tới nay, trên 85% trong 1.003 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã được các địa phương rà soát, giải quyết. Thanh tra Chính phủ cũng hoàn thành việc nhập dữ liệu 1.003 vụ việc này vào Cơ sở Dữ liệu quốc gia về KN, TC để các bộ, ngành, địa phương cập nhật, khai thác, sử dụng. Đây là những kết quả chưa bao giờ có.

"Làm công tác tiếp dân phải đam mê, bản lĩnh và giỏi chịu đựng", ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương chia sẻ. Ảnh: H.G

+ Như vậy, có thể hiểu, bệnh “lười” tiếp dân của bộ trưởng, bí thư, chủ tịch đã giảm rất nhiều?

Đúng vậy! Hầu hết các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch UBND các cấp đều tiếp dân định kỳ hàng tháng. Điển hình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Ninh Bình… bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh chọn các vụ việc khó, bức xúc để tiếp dân, chỉ đạo giải quyết và nhiều vụ việc rất thành công.

Các đoàn đông người, khi Tổng Thanh tra yêu cầu, chủ tịch tỉnh cùng Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương tiếp dân và giải quyết được ngay, điển hình có Hải Phòng, Nam Định…

Ngay vụ việc liên quan đến đất nông lâm trường, Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk mời lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành cùng tham gia tiếp dân. Tuy vụ việc chưa kết thúc, nhưng tỉnh có chỉ đạo, người dân yên tâm và phối hợp với chính quyền để giải quyết.

Quan trọng hơn, khi bí thư, chủ tịch tỉnh tiếp dân định kỳ, gắn với chỉ đạo giải quyết KN, TC thì lãnh đạo cấp sở, huyện, xã không thể đứng ngoài vòng. Họ phải lắng nghe người dân, đọc hồ sơ, đi thực tế, tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp với thực tiễn, đúng pháp luật.

Khi tất cả các cấp đều chuyển động, công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC sẽ tiếp tục có chuyển biến rất tích cực.

+ Ông từng kiến nghị giải quyết KN, TC phải “4 đến cùng”, tức là, “giải quyết đến cùng; tuyên truyền, giải thích, vận động đến cùng; hỗ trợ đến cùng; xử lý vi phạm đến cùng”. Kiến nghị này có được các địa phương hưởng ứng?

Tôi thấy các địa phương đang thực hiện và thực hiện có hiệu quả. Ví dụ ở Đồng Nai, Bộ Tài nguyên Môi trường cùng Thanh tra Chính phủ và tỉnh đã giải quyết vụ việc đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý, nhưng người dân không có chỗ ở. Tỉnh đã chỉ đạo áp dụng chính sách khác để hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ an sinh. Đấy chính là hỗ trợ đến cùng.

Hay xử lý vi phạm đến cùng, rất nhiều địa phương đã xử lý nghiêm cả cán bộ và người dân vi phạm pháp luật. Rồi giải quyết đến cùng; tuyên truyền, giải thích, vận động đến cùng đang được các địa phương thực hiện.

Để làm tốt căn cơ, ngoài hoàn thiện pháp luật thì công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan Nhà nước rất quan trọng. Khi thực hiện những dự án phát triển kinh tế - xã hội, người dân bị ảnh hưởng quyền lợi mà chưa đồng tình cao thì phải lắng nghe, chờ đợi, vận động người dân.

Vấn đề này, thời gian qua, chính quyền địa phương thực hiện tốt hơn rất nhiều. Điển hình là Thái Bình, khi làm nhà máy xử lý nước thải, bí thư chỉ đạo, chủ tịch tỉnh tiếp dân, thấy bà con chưa sẵn sàng hợp tác, bức xúc, không ủng hộ, nên tạm dừng dự án để xem xét tỉ mỉ. Ở đây không phải bí thư, chủ tịch sợ bị kiểm điểm, mà thể hiện ý thức, trách nhiệm của họ với nhân dân, cũng như thể hiện tính minh bạch, dân chủ rất cao.

Tôi tin rằng, trước sau gì cũng đến lúc ý thức trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC từ Trung ương đến địa phương thông suốt, thống nhất cao. Bởi, Đảng, chính quyền không có mục đích nào khác, ngoài mục đích phục vụ nhân dân.

+ Xin cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hải Phòng: Qua đối thoại, bà Bùi Thị Nức đồng ý rút toàn bộ nội dung đơn khiếu nại (lần 2)

Hải Phòng: Qua đối thoại, bà Bùi Thị Nức đồng ý rút toàn bộ nội dung đơn khiếu nại (lần 2)

(Thanh tra) - Chiều 21/11, Chánh Thanh tra thành phố Hải Phòng Bùi Thị Hồng Vân chủ trì buổi đối thoại với bà Bùi Thị Nức có đơn khiếu nại (lần 2) gửi Chủ tịch UBND thành phố khiếu nại Quyết định số 8112/QĐ-UBND ngày 18/7/2024 của Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu).

Kim Thành

19:39 21/11/2024
Bình Định: Giữ nguyên bồi thường trong vụ khiếu nại thuộc dự án đường vành đai

Bình Định: Giữ nguyên bồi thường trong vụ khiếu nại thuộc dự án đường vành đai

(Thanh tra) - Quyết định số 4001/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định khẳng định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với ông Nguyễn Văn Sang là đúng quy định pháp luật. Quyết định giữ nguyên các nội dung trước đó, đồng thời bác bỏ các khiếu nại của ông Sang về việc yêu cầu bồi thường theo loại đất ở, bồi thường 100% giá trị ngôi nhà và giao đất tái định cư diện tích 100m².

Hoàng Hiệp

19:17 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm