Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chính phủ: Hầu hết chủ tịch tỉnh, thành đã trực tiếp tiếp dân định kỳ hằng tháng

Hương Giang

Thứ sáu, 26/08/2022 - 22:04

(Thanh tra) - Theo báo cáo của Chính phủ, việc tiếp dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp có “chuyển biến tích cực”. Hầu hết Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc việc công khai lịch tiếp và trực tiếp tiếp dân định kỳ hằng tháng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Phạm Thắng

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 (số liệu tính từ 1/8/2021 đến 31/7/2022).

Tỷ lệ người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân tăng

Theo báo cáo này, Chính phủ đánh giá, công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm TP, trụ sở các cơ quan Nhà nước Trung ương, địa phương không nhiều và không phát sinh “điểm nóng” khiếu nại, tố cáo.

Đặc biệt, việc tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp có “chuyển biến tích cực”, đa số đều nhận thức rõ về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

“Tỷ lệ người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân tăng so với năm 2021, trong đó hầu hết Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc việc công khai lịch tiếp và trực tiếp tiếp công dân định kỳ hằng tháng; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới”, báo cáo cho hay.

Số liệu cho thấy, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 82.071 lượt người với 87.572 vụ việc (có 1.011 đoàn đông người). Trong đó, thủ trưởng trực tiếp tiếp 65.055 lượt (chiếm 78,3% tổng số lượt tiếp), ủy quyền tiếp 17.016 lượt.

Riêng chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp 506 ngày (77%), ủy quyền tiếp 151 ngày (23%) trong tổng số 657 ngày tiếp với 3.674 lượt công dân được tiếp. Một số trường hợp không đủ ngày tiếp do thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID -19, không có vụ việc mới phát sinh…

Báo cáo “điểm danh” các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ thủ trưởng trực tiếp tiếp công dân cao là: Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Ninh Thuận, Trà Vinh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng…

Các cơ quan hành chính Nhà nước cũng đã giải quyết được gần 20.000 trong tổng số hơn 23.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,9% (tăng 8,6% so với năm trước).

Từ đó, đã kiến nghị thu hồi về cho nhà nước 25,2 tỷ đồng; 1,9ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 319 tỷ đồng; 8ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 61 tổ chức, 702 cá nhân.

Đáng chú ý, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý 466 người (trong đó, có 408 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra xử lý 32 vụ, 35 đối tượng (có 13 cán bộ, công chức).

Về các vụ khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài, Chính phủ cho biết, đang trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, phối hợp rà soát, thống nhất phương án để các địa phương giải quyết dứt điểm. Đồng thời, đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp phù hợp với từng vụ việc cụ thể có nguyên nhân vướng mắc do chính sách, pháp luật.

Đến nay các địa phương đã rà soát, giải quyết 23/35 vụ việc theo quyết định của tổ công tác của Thủ tướng và 908/995 vụ việc theo các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ.

Nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, xử lý, giải quyết nghiêm minh, khách quan, đúng quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương.

Số liệu thống kê của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, số lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cũng như số lượt đoàn đông người và tổng đơn các loại đều giảm so với năm trước, lần lượt là 14,1%; 32,7% và 4%. Tuy nhiên, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước tăng 3,9%.

Trong kỳ báo cáo, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.268 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 1.873 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã ban hành 1.051 kết luận thanh tra. Qua thanh tra kiến nghị xử lý hành chính với 155 tổ chức, 365 cá nhân; đã xử lý 114 tổ chức, 293 cá nhân. 

Các kết luận, kiến nghị về thanh tra cơ bản được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. 

Tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo khó, thiếu hấp dẫn với cán bộ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chính phủ cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế.

Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, nhất là ở cấp huyện, xã; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở một số nơi chưa cao.

Việc giải quyết một số vụ việc còn chậm và sai sót, nhất là giải quyết lần đầu. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền của một số địa phương đạt chậm.

Cạnh đó, việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các kết luận, quyết định xử lý về tố cáo ở một số địa phương còn chậm, thiếu kiên quyết.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trên, theo nhận định của Chính phủ, có cả khách quan và chủ quan.

Báo cáo nêu, công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc khó khăn, thiếu hấp dẫn với đội ngũ cán bộ, công chức. Không những thế, còn có tính chất phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức để theo dõi, đôn đốc, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra để giải quyết.

Chính yếu tố này cũng đã tác động vào tâm lý so bì của cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ khác, đòi hỏi phải có sự quan tâm đặc biệt cả về cơ chế, chính sách và điều kiện làm việc thuận lợi.

Trong khi, một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sâu sát, sáng tạo để có biện pháp hữu hiệu thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hệ thống chính sách, pháp luật chuyên ngành, nhất là pháp luật về đất đai, môi trường, đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện, có nhiều thay đổi qua các giai đoạn, nhưng có nội dung thiếu quy định chuyển tiếp hoặc chưa rõ ràng nên còn những bất cập.

Tập trung thanh tra trách nhiệm, phấn đấu giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt trên 85%

Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian từ nay đến hết năm 2023.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật. Đồng thời, quan tâm phối hợp, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là với vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chủ động trong nắm tình hình trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp với đại phương giải quyết, xử lý.

Thanh tra Chính phủ cũng được yêu cầu phải có hướng dẫn triển khai có hiệu quả định hướng chương trình thanh tra năm 2023 bảo đảm có trọng tâm, trong điểm, tập trung thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và phát sinh khiếu nại, tố cáo như quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản… để chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, yếu kém, vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Với thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước, Chính phủ yêu cầu chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%...

“Kiên quyết xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để người tố cáo bị trả thù, trù dập; cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, thực hiện không nghiêm các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật”, báo cáo Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát công tác này, nhất là ở những ngành, lĩnh vực, địa phương có khiếu nại, tố cáo phức tạp hoặc có nhiều vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Thông qua giám sát, làm rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, nhất là trách nhiệm người đứng đầu để xử lý có sai phạm; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh quản lý Nhà nước và có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo. Mặt khác phát hiện những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật để có giải pháp hoàn thiện.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Còn người dân phản ánh tạo dư luận không tốt trong lĩnh vực cấp GCNQSDĐ

Thanh Hóa: Còn người dân phản ánh tạo dư luận không tốt trong lĩnh vực cấp GCNQSDĐ

(Thanh tra) - Giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đoàn công tác của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa được báo cáo, việc cấp GCNQSDĐ có lúc chưa kịp thời, còn để người dân phản ánh, kiến nghị, tạo dư luận không tốt, có một số trường hợp bị truy tố...

Văn Thanh

17:02 29/10/2024
Để người tố cáo bị trả thù, trù dập, phải xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có liên quan

Để người tố cáo bị trả thù, trù dập, phải xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có liên quan

(Thanh tra) - Theo Thanh tra Chính phủ, để làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Thực hiện và trả lời đầy đủ chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri cả nước.

Hoàng Nam

16:37 29/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm