Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bắc Ninh và câu chuyện đối thoại với người dân

Hải Hà

Thứ tư, 22/11/2023 - 10:35

(Thanh tra)- Sau 10 năm thực hiện quy định “lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh (Quyết định 819-QĐ/TU-ngày 8/7/2013), nhiều vấn đề nảy sinh ở cơ sở cũng như những phản ánh, kiến nghị của người dân đã được giải quyết kịp thời. Một số chủ trương, chính sách được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống...

Sau đối thoại, dự án mở rộng cầu Như Nguyệt, đoạn qua địa phận phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, được triển khai và đưa vào sử dụng, tháo “nút thắt” điểm nghẽn giao thông trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: VOV

Lựa chọn vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc

Thực hiện Quyết định 819-QĐ/TU, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đưa việc thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân vào chương trình công tác hàng năm. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch đối thoại.

Các buổi đối thoại đều được thực hiện bằng hình thức trực tiếp và được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, tham dự…

Nội dung đối thoại được lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế và những vấn đề đặt ra ở cơ sở mà dư luận xã hội và nhân dân quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, trước mỗi buổi đối thoại, các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp đều được thu thập đầy đủ; qua đó, lựa chọn các vấn đề nổi cộm, bức xúc để phân công lãnh đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị giải đáp và đề xuất phương án giải quyết.

Trong 10 năm qua, cấp tỉnh đã tổ chức 36 hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân theo chuyên đề về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; công tác xây dựng Đảng, chính quyền...

Điển hình trong số đó là các hội nghị đối thoại của lãnh đạo tỉnh với cán bộ và nhân dân thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành về xây dựng nông thôn mới, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; đối thoại với nhân dân phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh giải quyết ô nhiễm môi trường mà người dân đang bức xúc; đối thoại với nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, TP Từ Sơn về giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy xử lý nước thải; đối thoại với người dân thôn Vọng Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Phong về công tác quản lý đất đai…

Song hành cùng tỉnh, 10 năm qua, ở cấp huyện, xã đã tổ chức 2.772 hội nghị đối thoại trực tiếp. Nội dung tập trung vào công tác quản lý đất đai, thu hồi đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường và giải quyết chế độ, chính sách, việc làm...

Tại các hội nghị đối thoại, về cơ bản các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân đã được lãnh đạo các cấp tiếp thu, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát để giải quyết, hoặc gửi cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định, không để kéo dài, trở thành điểm “nóng”…

Hạn chế đơn thư, khiếu kiện vượt cấp

Thực tiễn triển khai tại cơ sở trong 10 năm qua cho thấy, qua đối thoại với nhân dân, nhiều “nút thắt” được tháo gỡ, góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện vượt cấp.

Câu chuyện đối thoại với nhân dân khi thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn qua địa phận TP Bắc Ninh là ví dụ điển hình. Dự án có tổng chiều dài hơn 11km, riêng đoạn qua phường Nam Sơn là 5,9km, diện tích đất phải thu hồi là hơn 45ha, trong đó, hơn 43ha đất nông nghiệp của 1.249 hộ dân, còn lại đất do UBND phường quản lý.

Quá trình thực hiện, UBND TP Bắc Ninh đã niêm yết công khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, TP đến với người dân. Tuy nhiên, một số hộ dân ở khu Sơn Trung chưa hoàn toàn chấp thuận, đề nghị xem xét hỗ trợ thêm đơn giá bồi thường...

Trước thực tế đó, trong tháng 4/2023, UBND TP Bắc Ninh đã tổ chức đối thoại với các hộ ở khu Sơn Trung có diện tích đất phải thu hồi. Tại buổi đối thoại, lãnh đạo TP đã giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền; tổng hợp các kiến nghị của người dân, cùng với các cơ quan chức năng xem xét, nhanh chóng tháo gỡ. Sau đó, người dân đều chấp hành di dời và đồng thuận với việc triển khai dự án.

Hay như tại dự án mở rộng cầu Như Nguyệt (tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn) đoạn qua địa phận phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh. Để thực hiện dự án, TP Bắc Ninh thực hiện thu hồi hơn 10.600m2 đất, trong đó, đất giao thông hơn 1.500m2, đất ở đô thị hơn 1.100m2 của 16 hộ và đất nông nghiệp hơn 7.999m2 của 132 hộ.

Quá trình giải phóng mặt bằng dự án này cũng gặp rất nhiều khó khăn khi 16 hộ dân có đất thổ cư trong diện phải di dời không đồng thuận về chính sách bồi thường. Tuy nhiên, sau gần 1 năm tuyên truyền, 2 lần lãnh đạo TP trực tiếp đối thoại, giải đáp những vấn đề người dân băn khoăn, cùng nhiều biện pháp vận động, thuyết phục khác, giữa tháng 2/2023, người dân đã bàn giao đất để thực hiện dự án.

Không chỉ ở TP, công tác đối thoại với nhân dân cũng được các huyện thực hiện nghiêm túc. Tại thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, lãnh đạo Đảng ủy thị trấn duy trì việc tiếp công dân vào ngày 15 và 25 hàng tháng, Chủ tịch UBND thị trấn tiếp công dân vào thứ năm hàng tuần. Qua tiếp xúc, đối thoại, nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân được giải quyết.

Điển hình, cuối năm 2022, nhiều hộ dân thôn Đông Hương có đơn thư phản ánh về tình trạng một số hộ dân lấn chiếm ao Đình. Trước tình hình đó, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân trong thôn.

Tại các cuộc đối thoại, cùng với việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị và giải đáp những băn khoăn trong nhân dân, lãnh đạo thị trấn đã tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai. Nhờ đó, các hộ dân tự nguyện nạo vét, tháo dỡ, trả lại phần đất lấn chiếm cho địa phương.

Thực tế đã chứng minh, đối thoại với nhân dân là việc làm cần thiết, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng đơn thư, khiếu kiện vượt cấp.

Sau 7-10 ngày đối thoại, phải trả lời công dân

Thực hiện Quyết định 819-QĐ/TU, tại các hội nghị đối thoại, những vụ việc, vấn đề mà người dân, doanh nghiệp phản ánh đều được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trả lời hoặc chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương giải trình ngay.

Đối với những vụ việc cần làm rõ, chậm nhất trong vòng 7-10 ngày làm việc (sau ngày tổ chức hội nghị đối thoại), cơ quan có thẩm quyền được yêu cầu phải trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân có kiến nghị.

Đặc biệt, sau đối thoại, trước những vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý Nhà nước.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp với pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; rà soát, sắp xếp, bố trí lại cán bộ ở một số ban, ngành của tỉnh; điều chuyển công tác hoặc xem xét, xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, đảng viên vi phạm quy định, tham nhũng, tiêu cực, tạo lòng tin trong nhân dân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm