Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý sai phạm trong công tác quản lý di tích

Bảo Anh

Thứ hai, 03/06/2024 - 19:00

(Thanh tra) - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về di sản văn hóa trong quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại tỉnh Nam Định.

Quang cảnh Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo Hành Thiện. Ảnh: Internet

Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại: Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Hạ Kỳ; Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo Hành Thiện; Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa chùa cổ Lễ; Ban Quản lý khu di tích phủ Quảng Cung; Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa đền, phủ và chùa Lựu Phố; Ban Quản lý di tích quốc gia đền Cây Quế.

Qua thanh tra, Thanh tra Bộ chỉ ra, công tác bảo vệ và phát huy giá trị 6 di tích tại tỉnh Nam Định nêu trên đã được UBND tỉnh, Sở VHTTDL, các cấp chính quyền quan tâm. Bên cạnh đó, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh trong vài năm qua đã được đầu tư, tu bổ và tôn tạo, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tạo tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là phát triển du lịch của địa phương.

Sở VHTTDL đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Bảo tàng tỉnh Nam Định đã thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quản lý Nhà nước về lễ hội, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích.

Công tác quản lý khu vực bảo vệ di tích, không gian di tích đã được quan tâm nhiều hơn. Công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, hiện vật thuộc di tích được tăng cường.

Công tác phát huy giá trị di tích ngày càng tốt hơn, là kênh quan trọng trong việc tuyên truyền lịch sử, văn hóa và danh thắng của địa phương đến người dân và du khách; từng bước quảng bá văn hóa truyền thống, là nhân tố tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn và tu bổ, tôn tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý về di sản còn hạn chế, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý di tích; mối quan hệ công tác giữa ban quản lý với chính quyền địa phương chưa đồng bộ nên còn một số tồn tại để cho các cá nhân, tổ chức đưa hiện vật không trong danh mục vào thờ tự tại di tích đình, chùa. Công tác quản lý hồ sơ còn chưa được chính quyền địa phương và ban quản lý di tích quan tâm, dẫn đến hiện tượng thất lạc hồ sơ di tích.

Thời điểm kiểm tra, Di tích chùa Keo Hành Thiện, Di tích đền Cây Quế còn trưng bày một số hiện vật như: đèn thờ, lọ lục bình ngoài danh mục hồ sơ xếp hạng.

Di tích chùa cổ Lễ từ năm 2018-2023, di tích không thực hiện tu bổ, tôn tạo, các công trình kiến trúc trong danh mục xếp hạng di tích được bảo tồn nguyên vẹn.

Di tích phủ Quảng Cung (phủ Nấp), công tác quản lý hồ sơ lưu tại Ban Quản lý di tích chưa đảm bảo khoa học.

Di tích đền Lựu Phố, công tác quản lý hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích của Ban Quản lý di tích và chính quyền địa phương còn chưa khoa học, dẫn đến một số tài liệu chưa cung cấp được cho Đoàn thanh tra.

Thanh tra Bộ kiến nghị, Cục Di sản văn hóa thường xuyên hướng dẫn các địa phương nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn.

Hướng dẫn mở lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý di tích ở các địa phương nhằm từng bước nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn về công tác quản lý di tích. Đồng thời, nâng cao nhận thức của chính quyền và Nhân dân địa phương trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật về di sản văn hóa.

Sở VHTTDL tỉnh Nam Định cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát và xử lý sai phạm đúng quy định pháp luật trong công tác quản lý di tích; tham mưu cho UBND tỉnh Nam Định có biện pháp đầu tư chống xuống cấp di tích, nhất là các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng, đồng thời đề xuất phương án lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Nam Định hướng dẫn ban quản lý, ban trị sự, ban quý tế quản lý, bảo vệ hồ sơ di tích đảm bảo khoa học.

Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý di tích khẩn trương thực hiện các nội dung trong kết luận thanh tra.

Bảo tàng tỉnh Nam Định, tăng cường hướng dẫn thực hiện công tác quản lý chuyên môn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá tại địa phương đúng quy định của Luật Di sản văn hoá năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản quản lý Nhà nước về di sản văn hóa theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đối với ban quản lý các di tích tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá tại địa phương đúng quy định của Luật Di sản văn hoá năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản quản lý Nhà nước về di sản văn hóa; đảm bảo công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về giá trị của di tích; bổ sung nội quy, quy định thực hiện nếp sống văn minh; gắn với phát huy giá trị di tích và phát triến du lịch.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, hiện vật; không tiếp nhận hiện vật không rõ nguồn gốc (linh vật, đồ thờ cúng...) không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích.

Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL quy định mỗi di tích không đặt quá 3 hòm công đức, trước các ban thờ không để quá 1 hòm đựng tiền dầu nhang; quản lý và sử dụng nguồn thu từ di tích theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Hạ Kỳ: Tập hợp hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích đền - chùa Hạ Kỳ theo quy định và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo Hành Thiện, Ban Quản lý di tích quốc gia đền Cây Quế: Rà soát, di dời một số hiện vật không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng ra khỏi di tích.

Ban Quản lý khu di tích phủ Quảng Cung, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa đền, phủ và chùa Lựu Phố: Rà soát, quản lý hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm