Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 11/11/2014 - 11:29
(Thanh tra)- Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và một số đơn vị thành viên thời gian từ năm 2006 - 2011.
Buông lỏng trồng mới cây cao su
Kết luận thanh tra cho thấy, ngoài kết quả về sản xuất kinh doanh, đóng góp cho ngân sách, VRG và các thành viên có nhiều đóng góp tích cực vào chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, VRG tích cực tham gia các hoạt động tại các địa phương và góp phần vào việc ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua công tác thanh tra quản lý, sử dụng vốn, tài sản từ năm 2006 - 2011 của VRG và các đơn vị thành viên đã phát hiện nhiều vi phạm.
Hội đồng thành viên VRG quyết định tăng vốn điều lệ năm 2010 và năm 2011 cho VRG và các đơn vị thành viên trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa đúng quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt tăng vốn điều lệ.
Cty mẹ - VRG đã đầu tư vốn ra bên ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ theo quy định gần 2,5 tỷ đồng, Cty Cổ phần (CTCP) Cao su Phước Hòa vượt hơn 113,3 tỷ đồng, chuyển nhượng cổ phần đã đầu tư không đúng quy định tại CTCP Cao su Tây Ninh, CTCP Cao su Phước Hòa…
Việc quản lý, thực hiện đầu tư các dự án trồng mới cao su tại Campuchia bị buông lỏng cả về cơ chế và công tác quản lý điều hành, dẫn đến xảy ra nhiều sai phạm từ khâu khảo sát, lập, trình duyệt và thực hiện dự án. Hậu quả đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, việc phê duyệt đơn giá tối đa 520 USD/ha làm cơ sở cho các đơn vị thành viên căn cứ thực hiện sang nhượng đất cho các dự án phát triển cao su tại Campuchia thiếu căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế, dẫn đến nhiều đơn vị, dự án ký hợp đồng sang nhượng với nhiều đơn giá khác nhau, làm tăng chi phí đầu tư. Những việc làm này thể hiện sự chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, thiếu chặt chẽ, buông lỏng trong quản lý chi phí đầu tư, dẫn đến rủi ro trong thanh toán, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn với giá trị lớn.
Đáng lưu ý, việc đầu tư góp vốn thành lập CTCP Cao su Phú Riềng - Kratie (PRK) để đầu tư trồng cao su tại Campuchia đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng từ khâu lập, thẩm định, trình duyệt dự án cho đến công tác khảo sát, điều tra thổ nhưỡng sai trình tự, kết quả khảo sát không đúng thực tế dẫn đến chất lượng vườn cây thấp, chết nhiều, khả năng thiệt hại lên tới hơn 483,3 tỷ đồng. Trong khi đó, VRG và chủ đầu tư còn thực hiện vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng và sử dụng vốn sai mục đích gần 2 triệu USD chưa thu hồi được, dẫn đến mất khả năng trả nợ.
VRG cũng như các đơn vị thành viên đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với giá trị rất lớn, tỷ suất lợi nhuận đạt được rất thấp, lỗ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất vốn với giá trị lớn. Trong đó, đáng lưu ý là việc góp vốn và hoạt động kinh doanh của CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Đồng Tháp (DSEC) có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của Cty liên tục lỗ, đến nay đã mất hết vốn điều lệ 144 tỷ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán hơn 253,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều khoản vay đã được DSEC sử dụng sai mục đích, chiếm dụng vốn của CTCP Công nghiệp và Xuất nhập khẩu công nghiệp Cao su bằng việc ký kết hợp đồng nhưng không thực hiện.
Việc đầu tư góp vốn vào CTCP Thương mại dịch vụ và Du lịch Cao su (RUTRATOCO) chủ yếu để đầu tư khách sạn tại Thị xã Móng Cái, Quảng Ninh. Quá trình đầu tư VRG và RUTRATOCO đã có nhiều thiếu sót và vi phạm. không tổ chức thẩm định tổng mức đầu tư khi điều chỉnh, không đánh giá được những yếu tố mang lại hiệu quả đầu tư cho dự án khi thay đổi, hầu hết việc quyết định điều chỉnh dự án khả thi đều thực hiện sau khi hạng mục hoặc công trình đã thi công hoàn, nghiệm thu, thanh toán sai tại một số gói thầu hơn 14,2 tỷ đồng, Hậu quả là Cty hoạt động thua lỗ liên tục, mất vốn hàng trăm tỷ đồng, không còn khả năng trả nợ vay.
Việc quản lý giá mua, bán sản phẩm mủ cao su được VRG căn cứ vào thẩm quyền ban hành cơ chế giá. Tuy nhiên, cơ chế quản lý giá có một số hạn chế như: Không quy định các đơn vị phải thành lập Hội đồng định giá tiêu thụ sản phẩm mà chỉ quy định giá sàn, dẫn đến không đảm bảo tính công khai, khách quan khi ký hợp đồng… dễ nảy sinh tiêu cực do cơ chế “xin, cho”.
Việc quản lý một số khoản chi phí như VRG hỗ trợ quỹ lương cho Công đoàn Cao su Việt Nam vượt quy định được phép hỗ trợ gần 15,4 tỷ đồng, khoản thù lao, kiêm nhiệm của người đại diện VRG tại các doanh nghiệp không được hưởng là chưa phù hợp với quy định, chưa tương xứng giữa trách nhiệm và quyền lợi, lợi nhuận của VRG chưa được phân phối đến 31/12/2011 tại 4 CTCP là hơn 935,7 tỷ đồng.
Việc thanh lý vườn cây cao su, trong đó việc xây dựng giá sàn để bán của các đơn vị trình VRG phê duyệt chưa có cơ sở pháp lý. Tại các đơn vị thành viên, việc thực hiện thanh lý vườn cây cao su có một số thiếu sót, vi phạm, điển hình như bán trực tiếp phòng không qua đấu giá, Cty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng thực hiện xác định vườn cây chưa đủ khi thanh lý tại các Cty cổ phần hơn 179,7 tỷ đồng.
Về đầu tư xây dựng, dự án đầu tư quy hoạch tổng thể thực hiện không đúng theo quy định, nhiều hạng mục đầu tư không dựa trên quy mô dự án để thực hiện việc đấu thầu hay chỉ định đấu thầu theo quy định. Chưa phân định nguồn vốn để đầu tư, việc ban hành định mức kỹ thuật trong trồng cây cao su để xây dựng suất đầu tư áp dụng trong quản lý không có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Về quản lý và sử dụng đất đai, mặc dù được quản lý, sử dụng với số lượng diện tích rất lớn, nhưng diện tích đất cao su của VRG mới chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ 56%, đất có tranh chấp và bị người dân lấn chiếm hơn 3.000ha. Điều này thể hiện sự quản lý chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử đụng đất của các đơn vị thành viên, chưa có quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ngắn và dài hạn. Tại CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên cho thuê lại đất khi chưa có hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh Bình Dương, chưa thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định. CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam chuyển nhượng gần 100ha cho CTCP Đầu tư Bất động sản Thành Đông với giá gần 222,8 tỷ đồng, được VRG chấp thuận khi chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp, vi phạm Luật Đất đai năm 2003, cho thuê, mượn đất không đúng quy định tại Cty TNHH MTV Cao su Chư Sê và CTCP Cao su Phước Hòa.
VRG xử lý theo thẩm quyền hơn 5,6 nghìn tỷ đồng
Căn cứ vào những sai phạm trên, Tổng TTCP kiến nghị xử lý kinh tế hơn 8,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì đề xuất, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý số tiền hơn 2,6 nghìn tỷ đồng. VRG chủ trì đề xuất giải pháp xử lý theo thẩm quyền hơn 5,6 nghìn tỷ đồng. TTCP đề nghị VRG nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý nợ khó đòi do hoạt động tín dụng và Repo theo đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, khẩn trương thực hiện thu hồi vốn gốc, giảm, miễn lãi theo quy định.
Tổng Thanh tra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT thẩm định và đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề án tổ chức sắp xếp lại mô hình hoạt động của VRG, ban hành, điều chỉnh cơ chế nhất là đối với các cơ chế quản lý vốn, tài sản, giá bán sản phẩm. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bằng việc phân cấp quản lý cụ thể, chặt chẽ hơn về quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước cho VRG và Bộ NN&PTNT.
Bộ NN&PTNT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ sự cần thiết hình thành sàn giao dịch thị trường cao su ở nước ta như các nước đang thực hiện. Bộ Tài chính chủ trì đề xuất và xử lý các khoản doanh thu, chi phí, vốn và tài sản đối với VRG theo kết luận thanh tra. Đồng thời, phối hợp với Bộ NN&PTNT chỉ đạo VRG rà soát, điều chỉnh và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nội dung liên quan đã phát hiện qua thanh tra, nhất là cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị đầu tư ra nước ngoài.
Đối với VRG cần tập trung thực hiện chức năng tham mưu về thị trường, xây dựng ban hành giá… phân bổ thị trường cho các Cty thành viên để hạn chế tăng chi phí, phát sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó, VRG cần chủ động tổng kiểm tra, rà soát, xử lý những thiếu sót, bất cập và sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Trong đó, xử lý dứt điểm các sai phạm, tránh lãng phí về đất đai tại CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Nami, Cty TNHH MTV Cao su Chư Sê và CTCP Cao su Phước Hòa trong việc thực hiện cho thuê đất không đúng quy định.
TTCP đề nghị VRG xử lý và chỉ đạo thực hiện xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc VRG và đơn vị thành viên liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản.
Đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý trách nhiệm theo pháp luật về những sai phạm có tính chất phức tạp, nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế đã được phát hiện qua thanh tra.
Nguyễn Nhuần
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định thu hồi tiền cho thuê đất chưa được Ban Quản lý các khu công nghiệp (QLCKCN) tỉnh thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định với số tiền 594,4 triệu đồng và xác định là trách nhiệm của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban QLCKCN tỉnh.
Nam Dũng
16:00 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 29/11, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kết luận thanh tra số 268/Kl-TTr việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động tại Công ty Cổ phần Cấp nước Đồng Nai. Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, vi phạm tại đơn vị này.
Phương Anh
22:22 12/12/2024Trần Quý
10:00 12/12/2024Phương Anh
08:44 12/12/2024Văn Thanh
19:00 11/12/2024Hương Trà
18:24 11/12/2024Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình
Phương Anh