Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều sai phạm trong đầu tư công tại tỉnh Lạng Sơn

Nguyễn Điểm

Chủ nhật, 29/05/2022 - 09:02

(Thanh tra) - Qua thanh tra 31 dự án, trong đó có 18 dự án đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chỉ rõ nhiều sai phạm trong việc chấp hành đầu tư công giai đoạn 2016 - 2019 của tỉnh Lạng Sơn.

Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: mpi.gov.vn

 Chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định

Theo Nghị quyết số 42/NQ-CP điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất cuối kỳ (2016 - 2020), tỉnh Lạng Sơn được phép chuyển đổi 890 ha đất trồng lúa, trong đó có 334 ha đất trồng lúa nước; chuyển đổi 182 ha đất rừng phòng hộ và 12 ha đất rừng đặc dụng.

Qua thanh tra cho thấy, UBND tỉnh Lạng Sơn tự ý phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, cho phép chuyển 668,96 ha đất trồng lúa, trong đó có 219,88 ha đất trồng lúa nước; 65,6 ha đất rừng phòng hộ của 10 huyện và 1 thành phố; từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp sai lệch với Nghị quyết số 42/NQ-CP là không phù hợp.

Mặc dù hàng năm, HĐND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt danh mục dự án phải thu hồi đất, danh mục các dự án sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ… nhưng qua thanh tra phát hiện có 160 dự án không trong danh mục đất phải thu hồi. 39 dự án nằm trong danh mục phải thu hồi đất nhưng không có trong quy hoạch sử dụng đất được duyệt. Việc phê duyệt còn chung chung, chưa ghi rõ diện tích trồng lúa nước bị chuyển đổi.

Thanh tra việc chấp hành pháp luật đầu tư công của tỉnh Lạng Sơn, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: Qua rà soát 13 dự án chuyển tiếp, khởi công mới, tỉnh Lạng Sơn không bố trí đủ ngân sách địa phương như cam kết, chỉ bố trí được 406 tỷ 498 triệu đồng/807 tỷ 500 triệu đồng, đạt 50,34%.

Đặc biệt, dự án bãi xử lý rác thải huyện Đình Lập được chuyển tiếp sang giai đoạn 2016 - 2020 nhưng UBND tỉnh chưa tập trung bố trí vốn để hoàn thành (tổng luỹ kế bố trí vốn và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 là 32 tỷ 350 triệu đồng, đạt 27,9% giá trị tổng mức đầu tư, là chưa phù hợp với quy định tại khoản 4, Điều 54 Luật Đầu tư công năm 2014.

Tỉnh bố trí vốn cho 30 dự án nhóm B, 120 dự án nhóm C vượt quá thời gian quy định tại khoản 1, Điều 1 Nghị định số 83/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng.

Việc phân bổ vốn cho 10 dự án mới khởi công  (trong đó có 8 dự án có quyết định đầu tư sau ngày 31/3/2016; 2 dự án có quyết định đầu tư sau ngày 31/10) còn chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Giao doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư 

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn có 5 dự án, gồm đường Bản Nằm - Bình Độ - Đào Viên  (phân bổ 180 tỷ đồng); đường Hữu Nghị - Bảo Lâm (phân bổ 100 tỷ); đường giao thông khu phi thuế quan, giai đoạn 1 (phân bổ 20 tỷ đồng); cầu Kỳ Cùng (phân bổ 120 tỷ đồng); đường Lũng Vài - Bản Pẻn (phân bổ 50 tỷ đồng); được phân bổ vốn tín dụng ưu đãi không thuộc đối tượng được vay ưu đãi là chưa phù hợp với quy định về cơ chế vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tại Thông tư số 156/209/TT-BTC. Thực tế triển khai, tỉnh Lạng Sơn rà soát, điều chỉnh giảm 290 tỷ đồng của 5 dự án trên. Tính đến thời điểm thanh tra, có 2 dự án được giải ngân vốn tín dụng ưu đãi không đúng đối tượng nhưng chưa kiến nghị xử lý là đường Bản Nằm - Bình Độ - Đào Viên (đã giải ngân 113 triệu đồng); đường Hữu Nghị - Bảo Lâm (đã giải ngân 70 tỷ đồng).

Nghiêm trọng hơn, qua thanh tra cho thấy, HĐND, UBND tỉnh giao dự toán ngân sách Nhà nước cho Công ty TNHH Huy Hoàng (doanh nghiệp tư nhân) để quản lý và làm chủ đầu tư 4 dự án có tổng vốn đầu tư 197,025 tỷ đồng, trong đó 3 dự án sử dụng 100% vốn ngân sách Nhà nước (gồm dự án cải tạo nâng cấp đường Na Sầm - Tân Lang; hệ thống xử lý nước rỉ rác bãi rác Tân Lang giai đoạn II; bãi xử lý rác thải huyện Đình Lập), và dự án mở rộng nâng cấp bãi xử lý rác thải Tân Lang sử dụng đến 76,7% vốn ngân sách Nhà nước và chỉ có 3,3% vốn của doanh nghiệp.

Qua thanh tra 18 dự án, về cơ bản việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, bản vẽ thi công và quản lý chi phí đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn sai sót, có 6 dự án xác định quy mô đầu tư chưa chính xác nên phải bổ sung hạng mục, thay đổ quy mô và điều chỉnh dự án từ 2 đến 5 lần; có 2 dự án phê duyệt chi phí dự phòng vượt 3 lần, làm tăng tổng mức đầu tư.

Một dự án, 2 bộ hồ sơ 

Thanh tra phát hiện có dự án bổ sung hạng mục, thay đổi quy mô đầu tư nhưng “quên” không điều chỉnh theo quy định như dự án nhà giảng đường Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ; có dự án chưa thống nhất tổng mức đầu tư như dự án đường đến trung tâm xã Tân Yên (huyện Tràng Định), trong quyết định điều chỉnh của UBND tỉnh thì tổng mức đầu tư là 414 tỷ 410 triệu đồng; nhưng trong bảng chi tiết tổng mức đầu tư lên đến 432 tỷ 100 triệu đồng; tăng 17 tỷ 690 triệu đồng.

Dự án xây dựng trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường tỉnh Lạng Sơn không khảo sát địa chất nên phương án thi công móng cọc không phù hợp địa chất công trình, phải điều chỉnh phương án móng, kéo dài thời gian thực hiện…

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công: Phải điều chỉnh bổ sung thiết kế bản vẽ thi công nhiều lần khi thi công, chưa thực hiện tốt quản lý, lưu trữ hồ sơ; cùng 1 dự án nhưng có 2 bộ hồ sơ có bản vẽ thiết kế, dự toán khác nhau như dự án di dân thành lập bản mới, giáp biên Pò Lục, xã Thuỵ Hùng, huyện Văn Lãng; tại dự án đường giao thông khu công nghiệp Đồng Bành giai đoạn 2, một số vật liệu không có trong thông báo giá hàng tháng của liên Sở Tài chính - Xây dựng…

Một số chủ đầu tư chưa báo cáo đầy đủ, kịp thời về công tác đấu thầu; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, áp dụng chỉ định thầu là không phù hợp như gói thầu cấp nước thuộc dự án di dân thành lập bản mới, giáp biên Pò Lục; gói thầu xây dựng công trình (giá gói thầu 22,69 tỷ đồng) và gói thầu xây dựng công trình khu E (giá gói thầu 8,64 tỷ đồng) thuộc dự án mở rộng khu tái định cư Hoàng Văn Thụ (huyện Cao Lộc)… Phát hành hồ sơ mời thầu nhưng không bàn giao mặt bằng thi công theo tiến độ; không thẩm định phê duyệt hồ sơ yêu cầu hoặc phê duyệt hồ sơ yêu cầu xây lắp không đúng mẫu…

Cần chấn chỉnh, xử lý dứt điểm

Trong 18 dự án thanh tra, có 4 gói thầu đã hết thời gian thực hiện hợp đồng, công trình chưa hoàn thành và nhà thầu đang tiếp tục thi công nhưng chủ đầu tư không thực hiện gia hạn hợp đồng; 9 gói thầu thi công chậm tiến độ, trong đó dự án mở rộng khu tái định cư Hoàng Văn Thụ chậm 3 năm, dự án di dân thành lập bản mới, giáp biên Pò Lục chậm đến 5 năm…

Công tác nghiệm thu, thanh toán còn một số sai phạm như: Dự án xây dựng công trình phòng thủ trong sở chỉ huy thời chiến tỉnh giai đoạn 2013 - 2020, dự toán công tác đào nền đường, khuôn đường đá tính cấp 4 nhưng thi công, thanh toán đá cấp 3; dự án mở rộng khu tái định cư Hoàng Văn Thụ (thị trấn Đồng Đăng), tại cùng lớp địa chất số 5,6 nhưng kết quả của tư vấn thiết kế khi lập dự án sai khác với kết quả nhà thầu cung cấp, dẫn tới chênh lệch gần 6,2 tỷ đồng khi thanh toán.

Theo Bộ KH&ĐT, công tác quản lý Nhà nước về giám sát và đánh giá đầu tư chưa tốt, 3 dự án chưa báo cáo trước khi khởi công dự án; 5 dự án chưa báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư…

Căn cứ vào kết quả thanh tra, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT kiến nghị HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn chấn chỉnh, khắc phục sau sót trong ban hành văn bản liên quan đến quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các dự án đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, việc điều chỉnh dự án đưa vào danh mục hàng năm và trung hạn; phân bổ nguồn vốn tín dụng ưu đãi không đúng đối tượng, xử lý dứt điểm số tiền đã giải ngân là 70 tỷ 113 triệu đồng của 2 dự án đường Bản Nằm - Bình Độ - Đào Viên và đường Hữu Nghị - Bảo Lâm…

Bộ KH&ĐT kiến nghị thu hồi 332 triệu đồng; giảm trừ hơn 6 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn, các chủ đầu tư dự án, nhà thầu… nghiêm túc thực hiện quy định về công tác khảo sát lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; công tác lựa chọn nhà thầu; ký kết, thực hiện hợp đồng và quản lý chất lượng công trình; chấn chỉnh, khắc phục sai sót trong việc chấp hành pháp luật đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền; xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Thanh tra chỉ ra những tồn tại, hạn chế ở Phòng khám Đa khoa 123

Thanh Hóa: Thanh tra chỉ ra những tồn tại, hạn chế ở Phòng khám Đa khoa 123

(Thanh tra) - Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa vừa ban hành kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với Phòng khám Đa khoa (PKĐK) 123. Qua thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện quy trình khám chữa bệnh (KCB).

Văn Thanh

19:39 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm