00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Chính phủ:

Nhận diện hành vi gây lãng phí hơn 1.200 tỷ tại dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2

Hương Giang

Thứ sáu, 04/04/2025 - 15:37

(Thanh tra) - Thanh tra Chính phủ xác định tại 2 Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 còn giá trị lãng phí do dừng thi công, không sử dụng hết nguồn vốn... lên đến hơn 1.253 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đây là cuộc thanh tra đột xuất thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mà trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm.

Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2

Theo yêu cầu của Tổng Bí thư, các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm phải được chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm theo đúng tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Ông đặc biệt yêu cầu phải nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí và dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm.

Tại công bố kết luận thanh tra 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường khẳng định, kết luận thanh tra đã thể hiện được “5 rõ” (rõ nguyên nhân; rõ sai phạm; rõ trách nhiệm; rõ thiệt hại; rõ lãng phí). 

“Làm rõ giá trị lãng phí là một yêu cầu rất mới trong thanh tra dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, nhưng là một yêu cầu cấp thiết của xã hội đặt ra trong tình hình mới, nhằm phá tan những rào cản phát triển kinh tế - xã hội, để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Phó Tổng Thanh tra nói.

Theo Phó Tổng Thanh tra, hiện tượng lãng phí tại 2 dự án diễn ra rất phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng.

Trong đó, có hệ lụy về vật chất như suy giảm nguồn lực, tăng gánh nặng chi phí do quản lý, sử dụng tài sản công không hiệu quả. Có hệ lụy phi vật chất như việc lãng phí cơ hội khám chữa bệnh của nhân dân; gây nhức nhối trong dự luận xã hội; làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước. 

"Qua thanh tra, chúng tôi nhận thức về bản chất lãng phí là giá trị bị mất đi, không thể lấy lại được; lãng phí là mầm mống của thiệt hại và tình trạng lãng phí sẽ là rào cản của rào cản trong giai đoạn đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới”, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.

Theo kết luận, giá trị lãng phí được phát hiện qua thanh tra tại 2 dự án lên đến hơn 1.253 tỷ đồng. Vậy, Thanh tra Chính phủ căn cứ vào thực tiễn nào, đối chiếu quy định pháp luật gì để nhận diện các dạng thức của lãng phí và xác định giá trị lãng phí?

2 dự án bệnh viện được phê duyệt chủ trương đầu tư vào đầu năm 2014, đến năm 2015 thì khởi công xây dựng, với kỳ vọng đây sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện 2 dự án chậm hơn 7 năm, qua 2 lần gia hạn (hết năm 2020 và hết năm 2024), vẫn không đạt được mục tiêu đã định. 

Quá trình triển khai 2 dự án lại để xảy ra nhiều vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng và các quy định của pháp luật khác có liên quan trên hầu hết các khâu; vi phạm có tính hệ thống, vi phạm sau có nguyên nhân từ vi phạm trước.

Những vi phạm trên trực tiếp dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả, không sử dụng hết nguồn vốn được cấp trong từng năm, gây lãng phí lớn, có dấu hiệu thiệt hại.

Đầu tiên, Thanh tra Chính phủ nêu rõ lãng phí do điều chỉnh thiết kế cơ sở phương án móng cọc. 

Việc điều chỉnh phương án móng cọc khoan nhồi sang ép cọc bê tông không thuộc trường hợp được điều chỉnh thiết kế cơ sở theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014. 

Thực tế, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm đã trình và được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt điều chỉnh là trái quy định. Mặt khác, việc thực hiện thi công kéo dài thời gian, chi phí tăng so với phương án móng cọc khoan nhồi được phê duyệt ban đầu khi chưa điều chỉnh thiết kế cơ sở (theo hợp đồng đã ký), gây lãng phí, có dấu hiệu thiệt hại số tiền tạm tính khoảng hơn 20,7 tỷ đồng.

Thứ hai, lãng phí do dừng thi công từ tháng 1/2021 làm phát sinh chi phí

Hậu quả việc dừng thi công từ tháng 01/2021 đến nay đã làm cho dự án không thể hoàn thành theo đúng tiến độ để bàn giao, đưa vào sử dụng dẫn tới một số hạng mục đã thực hiện bị hư hỏng, xuống cấp do phong hóa theo thời gian.

Việc làm phát sinh chi phí sửa chữa, khắc phục trước khi nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng đã được chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu và các bên có liên quan thống nhất ghi nhận bằng văn bản.

Cạnh đó là chi phí cho công tác bảo hành đối với các hệ thống thiết bị đã vượt quá thời hạn bảo hành và các chi phí khác như chi phí quản lý, chi phí dịch vụ bảo vệ, tiền điện, bảo lãnh ngân hàng...

Tính đến thời điểm 31/12/2024, tổng số tiền tạm tính khoảng 253,6 tỷ đồng.

Thứ ba, lãng phí do chưa trích được khấu hao

Kết luận thanh tra nêu, theo quy định của pháp luật hiện hành, tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập phải trích khấu hao.

Như vậy, việc một số công trình tại Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức đã khánh thành kỹ thuật, trong đó Bệnh viện Bạch Mai đã đưa vào hoạt động một số hạng mục công trình nhưng lại ngừng hoạt động do các vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án có nguy cơ gây lãng phí vốn Nhà nước do không trích được khấu hao và không tính đủ chi phí khấu hao trong giá dịch vụ khám chữa bệnh để trích quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. 

Căn cứ vào quy định tại Thông tư số 45 năm 2018 của Bộ Tài chính và thực trạng triển khai 2 dự án đến thời điểm thanh tra trực tiếp, Thanh tra Chính phủ xác định, nếu thực hiện trích khấu hao 4 năm từ 2021-2024 với khối nhà chính của 2 dự án thì mức trích có giá trị tạm tính khoảng hơn 217 tỷ đồng. (Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai hơn 206,5 tỷ đồng. Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức hơn 64,6 tỷ đồng).

Những vi phạm trong quá trình triển khai 2 dự án trực tiếp dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả, không sử dụng hết nguồn vốn được cấp trong từng năm, gây lãng phí lớn, có dấu hiệu thiệt hại, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Thứ 4, lãng phí do nguồn vốn được cấp nhưng không sử dụng hết

Kết luận thanh tra nêu, giai đoạn 2014 - 2017, Thủ tướng cho phép các dự án được tạm ứng vốn từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp thuộc SCIC mà không phải trả lãi và các khoản phí. 

Giai đoạn 2014-2016, Nhà nước chấp nhận giảm thu ngân sách khi không gửi tiền nhàn rỗi của Quỹ vào ngân hàng thương mại mà dành vốn bố trí cho dự án. Song, 2 dự án không không sử dụng hết nguồn vốn được bố trí.

Số liệu cho thấy, dự án được tạm ứng vốn nhưng không sử dụng năm 2014 là hơn 39,8 tỷ; năm 2015 là hơn 1.912 tỷ; năm 2016 hơn 2.518,6 tỷ; năm 2017 hơn 1.322,4 tỷ đồng. Điều này có nguy cơ gây lãng phí lớn. 

“Nếu sử dụng số tiền nêu trên trong từng năm gửi ngân hàng thương mại với lãi suất bình quân kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của 4 ngân hàng thương mại thì khoản tiền lãi thu được có giá trị tạm tính khoảng hơn 309 tỷ đồng”, theo kết luận thanh tra. 

Cũng để đảm bảo đủ vốn cho chi đầu tư phát triển, Nhà nước phải vay, trả nợ vay (gồm gốc và lãi), trong đó có nguồn vay từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Trong khi, giai đoạn 2017 - 2022, cả 2 dự án đều không sử dụng hết vốn ngân sách được bố trí.

Cụ thể, năm 2017 không sử dụng hết vốn ngân sách hơn 1.038 tỷ đồng; năm 2018 hơn 71 tỷ; năm 2019 gần 1.462 tỷ; năm 2020 gần 3.857 tỷ; năm 2021 hơn 2.568 tỷ; năm 2022: hơn 71 tỷ. 2 dự án không đạt được các mục tiêu đã định mà Nhà nước vẫn phải trả nợ vay, có nguy cơ gây lãng phí lớn. 

Tại kết luận thanh tra nêu, nếu tính theo lãi suất danh nghĩa trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm (tương ứng với số năm bổ trí kế hoạch đầu tư công trung hạn) trong giai đoạn 2017-2022 được căn cứ vào thông báo kết quả phát hành trái phiếu Chính phủ ngày 19/4/2017 của Kho bạc Nhà nước (tương ứng với thời điểm Thủ tướng giao kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách theo Quyết định 547 ngày 20/4/2017) với lãi suất danh nghĩa kỳ hạn 5 năm là 5%/năm, thì khoản tiền lãi vay phải trả cho phần vốn đã bố trí cho 2 dự án không được sử dụng hết có giá trị tạm tính khoảng hơn 453 tỷ đồng.

Hình ảnh dự án bệnh viện được Nhà nước đầu tư để cỏ mọc um tùm vì không sử dụng được gây xót xa

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo hướng làm rõ phương pháp, căn cứ để lượng hóa giá trị thiệt hại của hành vi gây lãng phí hoặc các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về chống lãng phí.

Điều này để có cơ sở làm rõ, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục lãng phí.

Kiến nghị xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại hơn 354 tỷ đồng

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Y tế căn cứ kết luận thanh tra, kết luận của cơ quan có thẩm quyền khác và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách hai dự án theo từng thời kỳ liên quan đến các vi phạm sai phạm được nêu trong kết luận.

Kiểm điểm theo quy định của pháp luật đối với Thứ trưởng có liên quan đến vi phạm khác của Ban Quản lý dự y tế trọng điểm đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra.

Tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (nay là Cục Hạ tầng và Thiết bị y tế), người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị theo từng thời kỳ; Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm gồm Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng...

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Y tế tổ chức xác định thiệt hại và xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại đúng quy định, bảo đảm không thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước. Tổng số tiền này hơn 354 tỷ đồng, gồm: 80 tỷ đồng từ 4 gói thầu tư vấn; 253,6 tỷ đồng chi phí phát sinh thêm ngoài hợp đồng do dự án chậm tiến độ, dừng thi công thi công đến 31/12/2024; hơn 20,7 tỷ đồng do điều chỉnh thiết kế cơ sở.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh tra tỉnh Hoà Bình xử lý sai phạm hơn 800 triệu đồng và trách nhiệm nhiều cán bộ ngành Y tế

Thanh tra tỉnh Hoà Bình xử lý sai phạm hơn 800 triệu đồng và trách nhiệm nhiều cán bộ ngành Y tế

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Hoà Bình làm rõ nhiều tồn tại, hạn chế, sai phạm trong công tác quản lý sử dụng tài chính, ngân sách và các nguồn kinh phí; đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế; quản lý đầu tư xây dựng… tại Sở Y tế tỉnh Hoà Bình và các đơn vị trực thuộc.

Trần Kiên

15:25 12/04/2025
TAND Tối cao yêu cầu các tòa án tại thành phố Hải Phòng khắc phục tồn tại phát hiện qua thanh tra

TAND Tối cao yêu cầu các tòa án tại thành phố Hải Phòng khắc phục tồn tại phát hiện qua thanh tra

(Thanh tra) - Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao đã ban hành kết luận thanh tra tại TAND thành phố Hải Phòng, TAND quận Hải An, TAND huyện Thủy Nguyên và chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ; đồng thời yêu cầu các tòa án chấn chỉnh, khắc phục những về những tồn tại, thiếu sót mà đoàn thanh tra đã chỉ ra.

Bảo Anh

09:09 12/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm
//