Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đề nghị Thanh tra Ủy ban Dân tộc không thu hồi 13 tỷ đồng

Nam Dũng

Thứ sáu, 30/12/2022 - 06:35

(Thanh tra) - UBND tỉnh Phú Thọ đề cập nội dung này trong văn bản gửi Ủy ban Dân tộc vì số tiền đã được tỉnh đầu tư xây dựng công trình nằm ở những khu đặc biệt khó khăn, giúp giao thông thuận tiện, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, đầu tư hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Trung Sơn là một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập. Ảnh: ND

Mới đây, Thanh tra Ủy ban Dân tộc có Kết luận số 369/KL-TTr về việc thực hiện một số chính sách dân tộc tại tỉnh Phú Thọ. Kết luận này nêu rõ, các hộ dân được giao đất, đang sinh sống tại điểm định canh, định cư (ĐCĐC) khu Đồng Măng (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập) không phải là hộ đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư thuộc đối tượng thụ hưởng của chính sách theo quy định.

Cụ thể, huyện Yên Lập đã đưa một số hộ dân vào các điểm ĐCĐC không đúng đối tượng; điều chỉnh, phê duyệt đề án đường giao thông tại các điểm ĐCĐC không đúng hạng mục đầu tư.

Thanh tra Ủy ban Dân tộc kiến nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, yêu cầu UBND huyện Yên Lập hoàn trả ngân sách Trung ương số tiền hơn 13 tỷ đồng. Yêu cầu UBND huyện Yên Lập nghiêm túc kiểm điểm với cá nhân và tập thể trực tiếp tham mưu, ký văn bản trong việc thực hiện Đề án 2085 như: Điều chỉnh phê duyệt đề án đường giao thông tại các điểm ĐCĐC không đúng hạng mục đầu tư.

Sau khi Thanh tra Ủy ban Dân tộc có Kết luận số 369, ngày 12/9/2022, UBND huyện Yên Lập đã có Văn bản số 1502 gửi UBND tỉnh Phú Thọ và Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ đề nghị xin không hoàn trả ngân sách Trung ương số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Lý do xin không hoàn trả số tiền trên là vì công trình nằm ở những khu đặc biệt khó khăn, công trình đưa vào sử dụng giúp giao thông thuận tiện, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, đầu tư hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân, cùng với sự khó khăn của ngân sách địa phương khi chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn phân bổ của cấp trên…

Đến ngày 20/9/2022, UBND tỉnh Phú Thọ ra Văn bản số 3657/UBND-KGVX gửi Thanh tra Ủy ban Dân tộc về việc đề nghị không thu hồi kinh phí xây dựng đường giao thông khu ĐCĐC Đồng Măng, xã Trung Sơn.

Lý giải về nguyên nhân này, ông Bùi Xuân Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Yên Lập nêu: Về chính sách, Ủy ban Dân tộc kết luận không phù hợp là đúng, nhưng về nguyện vọng chính đáng của người dân thì rất phù hợp bởi toàn bộ tuyến đường là kết nối khu vực sản xuất đất rừng và dẫn vào khu dân cư hiện hữu nên chỉ mong được Ủy ban Dân tộc xem xét lại và hỗ trợ cho địa phương.

Trước đó, ngày 12/9/2019, UBND huyện Yên Lập có Quyết định số 2141 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Đường đấu nối điểm ĐCĐC Đồng Măng đến điểm ĐCĐC Khe Bằng, xã Trung Sơn với chiều dài gần 6,9km, tổng mức đầu tư dự kiến 14,9 tỷ đồng. Đến ngày 17/6/2020, huyện Yên Lập có quyết định điều chỉnh dự toán và giá các gói thầu công trình trên xuống còn gần 13 tỷ đồng.

Ông Phùng Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: Trung Sơn là xã miền núi đặc biệt khó khăn chiếm tới một phần tư diện tích huyện Yên Lập, Trung Sơn gần như không có mặt bằng tự nhiên, chủ yếu là núi cao, vực sâu, và 97% dân số là đồng bào Mường, Dao, Tày. Hàng trăm hộ dựng nhà cheo leo bờ vực, và tất cả đường liên bản đều là đường đất. Ai cũng ngại đến Trung Sơn. Chỉ một cơn mưa rào nhỏ đã khiến cả xã bị cô lập. Giao thương tắc nghẽn, cuộc sống gần như tự cung tự cấp.

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết thêm là: Khu ĐCĐC Đồng Măng được hoàn thành từ năm 2013 tổng cộng có 15 hộ dân. Trong đó, có 2 hộ ở khu Khe Gầy chuyển sang, còn lại là các hộ ở khu Đồng Măng, ngoài được cấp đất, mỗi hộ còn được hỗ trợ 20 triệu đồng. Hiện chỉ có 1 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại thì chưa. Lý do là bởi khi thực hiện dự án đã không thu hồi đất. Việc cấp đất là do dân ở khu họp, lựa chọn, sau đó chuyển danh sách lên xã kiểm tra, xã chuyển lên huyện. Còn con đường dẫn vào khu Khe Bằng và khu Khe Gầy, xã chỉ là đơn vị thụ hưởng, huyện Yên Lập mới là chủ đầu tư.

“Trung Sơn lấy kinh tế đồi rừng làm mũi nhọn tuy nhiên từ xã ra trung tâm huyện là 28km, từ trung tâm xã về các khu xa nhất là 18km đường đất đá, khiến nông sản bà con sản xuất ra giá trị rất thấp. Ngược lại bà con lại phải mua vật tư nông nghiệp chở vào với giá cao nên gây trở ngại lớn cho việc phát triển kinh tế. Theo tiêu chuẩn nông thôn mới với toàn bộ đường, cầu cống bằng bê-tông thì mức đầu tư sẽ rơi vào 3-5 tỷ đồng/km. Do sức đầu tư lớn nên mục tiêu đưa xã Trung Sơn trở thành xã nông thôn mới vẫn là chương trình dài hạn” - ông Liên chia sẻ về những khó khăn của địa phương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm