Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đẩy mạnh thanh tra, giám sát về y tế dự phòng và an toàn thực phẩm tại Lâm Đồng

Phương Anh

Thứ năm, 04/04/2024 - 06:36

(Thanh tra)- Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm để sớm phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm và xử lý vi phạm theo quy định.

Cơ quan chức năng giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối. Ảnh minh hoạ: Internet

Ngày 06/03/2024, Thanh tra Bộ Y tế ban hành Kết luận thanh tra số 5/KL-TTrB công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế dự phòng và an toàn thực phẩm của Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng.

Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, kiểm tra, xác minh tại các đơn vị liên quan bao gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng; Phòng khám Đa khoa Sài Gòn - Bảo Lộc; Trung tâm Tiêm chủng VNVC - Bảo Lộc; Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt.

Kết quả thanh tra cho thấy, tại thời điểm thanh tra, đối với lĩnh vực y tế dự phòng, việc triển khai tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của tỉnh Lâm Đồng chưa đạt kết quả (năm 2022 có 5/12 chỉ tiêu không đạt; 11 tháng năm 2023 có 3/12 chỉ tiêu không đạt).

Ngoài việc Trung ương phân bổ vắc xin chưa đáp ứng vẫn còn một số người dân có tâm lý e ngại, lo sợ phản ứng sau tiêm, chưa thấy tầm quan trọng của vắc xin trong phòng bệnh; một số khu căn cứ do điều kiện đi lại khó khăn nên không cho con đi tiêm.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo, khai báo bệnh truyền nhiễm tại một số đơn vị chưa thực hiện đúng thời hạn theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế. Phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm tại đơn vị còn bất cập, lỗi hệ thống dẫn đến chưa kịp thời trong việc khai báo bệnh truyền nhiễm.

Đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, kết luận thanh tra nêu rõ, số người nhiễm HIV được phát hiện mới năm năm 2023 chỉ đạt 78% so với chỉ tiêu; số lượng điều trị nghiện năm 2023 chỉ đạt 77,2% so với chỉ tiêu; số người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV được xét nghiệm tải lượng vi rút thường quy thấp so với hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (năm 2022 đạt 28,3%; 2023: đạt 46,1%); Năm 2022, 2023 chưa triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Đáng lưu ý, trong thời kỳ thanh tra, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng chưa triển khai thanh tra về y tế dự phòng, một số đoàn kiểm tra chưa có sự theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo khắc phục các tồn tại của đơn vị sau kiểm tra, giám sát.

Kết quả thanh tra lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng chỉ rõ, các ca, vụ ngộ độc thực phẩm tại địa phương còn nhiều. Việc giám sát mối nguy và phòng chống ngộ độc thực phẩm còn chưa hoàn toàn chủ động; chưa kiểm soát hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm của Sở Y tế tỉnh Lâm đồng còn gặp một số khó khăn, như: Chưa quản lý được hoạt động kinh doanh thực phẩm trên mạng, đặc biệt tại các tài khoản cá nhân (zalo, facebook, tiktok...).

Về các sản phẩm thực phẩm, theo kết luận thanh tra, mặc dù được công bố/tự công bố sản phẩm theo đúng quy định nhưng nguy cơ sản phẩm giả, sản phẩm không đảm bảo chất lượng luôn tiềm ẩn do không có quy định về xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, định tính sản phẩm thực phẩm, các nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, dụng cụ) để quản lý còn hạn chế.

Việc triển khai thực hiện Quyết định 1246/QĐ-BYT ngày 31/3/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống còn nhiều bất cập.

Từ những khó khăn, tồn tại trên, Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị chức năng duy trì thực hiện đầy đủ, theo đúng các quy định của pháp luật về y tế dự phòng và an toàn thực phẩm, đồng thời khắc phục những nội dung còn tồn tại đã được chỉ ra tại kết luận thanh tra.

Theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm để sớm phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm và xử lý vi phạm theo quy định (nếu có). Theo dõi, đôn đốc việc khắc phục tồn tại của cơ sở nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành.

Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức của người dân về phòng chống bệnh dịch, về lợi ích công tác tiêm chủng phòng dịch bệnh, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo độ bao phủ trong công tác tiêm chủng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm