Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về y tế tại Sơn La

Phương Anh

Thứ năm, 23/02/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Sở Y tế tỉnh Sơn La cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về lĩnh vực y tế dự phòng, môi trường y tế, phòng, chống HIV/AIDS và an toàn thực phẩm (ATTP). Theo dõi, đôn đốc việc khắc phục tồn tại của cơ sở nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát.

Thanh tra Bộ Y tế kiến nghị Sở Y tế tỉnh Sơn La đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về lĩnh vực y tế dự phòng, môi trường y tế, phòng, chống HIV/AIDS và ATTP. Ảnh minh hoạ: Internet

Đó là đề nghị của Thanh tra Bộ Y tế trong kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế dự phòng, môi trường y tế, phòng, chống HIV/AIDS và ATTP tại Sở Y tế tỉnh Sơn La.

Kết luận thanh tra cho thấy, tại thời điểm thanh tra, công tác quản lý Nhà nước về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS, việc triển khai tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của tỉnh chưa đạt kết quả, ngoài việc Trung ương phân bổ vắc xin chưa đáp ứng vẫn còn một số đồng bào, dân tộc vùng sâu, vùng xa không cho con đi tiêm chủng, hoặc tiêm chủng trễ lịch tiêm chủng.

Việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo, khai báo bệnh truyền nhiễm tại một số đơn vị chưa đầy đủ, chưa kịp thời theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế.

Phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm tại đơn vị bất cập, lỗi hệ thống.

Việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế trong an toàn sinh học chưa theo đúng quy định, trang thiết bị chưa thực hiện đầy đủ việc bảo dưỡng, hiệu chuẩn định kỳ. Một số nhân viên trực tiếp làm việc tại khoa xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) chưa khám sức khỏe định kỳ đầy đủ; chưa triển khai việc đánh giá năng lực nhân viên phòng xét nghiệm định kỳ hàng năm, chưa có đánh giá sau tập huấn/đào tạo theo quy định.

Tại thời điểm thanh tra, công tác tập huấn cho nhân viên về an toàn vệ sinh lao động tại một số đơn vị (CDC Sơn La, Bệnh viện Đa khoa Cuộc sống) chưa đầy đủ.

Trong thời kỳ thanh tra, công tác y tế trường học đã có sự phối hợp tích cực giữa Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn, nhiều cơ sở giáo dục chưa có phòng y tế, một số cơ sở giáo dục chưa lập sổ theo dõi sức khỏe; điều kiện về phòng học, nhà tiêu hợp vệ sinh chưa đạt yêu cầu.

Đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, số lượng bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế chưa đạt, tỷ lệ thấp (dưới 70%) so với chỉ tiêu của UBND tỉnh giao.

Đáng lưu ý, trong thời kỳ thanh tra, Sở Y tế tỉnh Sơn La mới triển khai 1 cuộc thanh tra chuyên ngành việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng, điều trị đối với các đơn vị, đối với các lĩnh vực khác thuộc y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS chưa được triển khai hàng năm.

Kết luận thanh tra của Bộ Y tế cũng nêu rõ, tại thời điểm thanh tra, Sở Y tế Sơn La chưa có sự theo dõi, đôn đốc việc khắc phục các tồn tại của đơn vị sau kiểm tra, giám sát. Công tác quản lý Nhà nước về ATTP: Nguồn lực triển khai công tác quản lý Nhà nước về ATTP còn hạn chế, hệ thống quản lý của 3 ngành (Y tế, Nông nghiệp, Công Thương) tại cơ sở chưa được đồng bộ (chỉ ngành Y tế có mạng lưới đến tuyến xã; việc quản lý của ngành Công Thương tại tuyến huyện giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng, nhiều nơi chỉ có kỹ sư xây dựng, kỹ sư cầu đường).

Mặt khác, tại cấp xã do kiêm nhiệm, cán bộ được phân công không có chuyên môn sâu về ATTP, đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên ATTP không được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tại địa phương, dẫn đến việc tham mưu và triển khai quản lý về ATTP theo phân cấp gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được hiệu quả so với yêu cầu quản lý tại địa phương.

Liên quan đến việc quản lý hoạt động tự công bố sản phẩm thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế cho biết còn có tồn tại, hạn chế từ phía tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hồ sơ tự công bố sản phẩm có nội dung không phù hợp, song công tác hậu kiểm còn hạn chế nên những tồn tại chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với các sản phẩm thực phẩm sử dụng các phụ gia thực phẩm ngoài danh mục của Bộ Y tế, chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật... khó kiểm soát.

Trong quá trình kiểm tra, hậu kiểm, việc lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm đánh giá chất lượng thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các mối nguy về ATTP chưa được quan tâm và chú trọng…

Theo Thanh tra Bộ Y tế, việc sử dụng kiểm tra test nhanh để đánh giá một chỉ tiêu trong ATTP, rút ngắn thời gian (kết quả trong 3 - 60 phút) so với phương pháp kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm, tiện lợi, gọn nhẹ, dễ sử dụng, thao tác đơn giản. Tuy nhiên, bộ kiểm tra test nhanh vẫn còn hạn chế do lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật... đa dạng và liên tục cập nhật mới nên các test chưa đáp ứng kịp.

Thanh tra Bộ Y tế kiến nghị Sở Y tế tỉnh Sơn La tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị chức năng và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, theo đúng các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS và ATTP.

Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS và ATTP.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về lĩnh vực y tế dự phòng, môi trường y tế, phòng, chống HIV/AIDS và ATTP. Theo dõi, đôn đốc việc khắc phục tồn tại của cơ sở nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm