Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bài 1: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý tài chính còn tồn tại, hạn chế

Hoàng Nam

Thứ tư, 10/01/2024 - 22:20

(Thanh tra) - Theo Kết luận 896/KL-TTCP ngày 17/08/2023 của Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chấp hành chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý tài chính, tài sản và một số chương trình, dự án đầu tư của Ủy ban Dân tộc (UBDT) còn một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm.

Kết luận 896/KL-TTCP ngày 17/08/2023 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý tài chính tại UBDT và các đơn vị trực thuộc. Ảnh: Hoàng Nam

Ban hành tiêu chuẩn, định mức chi tiêu nội bộ chưa đúng

Việc ban hành Quy chế Chính trị phí tại Quyết định số 199/QĐ-UBDT ngày 18/4/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT căn cứ vào Quyết định số 76/2013/QĐ-TTg ngày 12/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện (không áp dụng cho UBDT) là chưa đúng quy định. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số tiền 37.138 triệu đồng đã chi chưa có trong chế độ chi theo quy định của Nhà nước.

Quy chế Chi tiêu nội bộ theo Quyết định số 562/QĐ-UBDT ngày 23/12/2014 và số 288/QĐ-UBDT ngày 31/5/2017 của UBDT còn nội dung chi tiền họp không phù hợp với quy định; Quy chế Chi tiêu nội bộ của Học viện Dân tộc (HVDT) chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời những nhiệm vụ mới hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi chế độ, tiêu chuẩn, định mức.

Tại Văn phòng UBDT còn một số khoản chi chưa đúng chế độ quy định; việc công khai trên cổng thông tin điện tử và công khai bảng tin tại cơ quan dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) hàng năm tại Văn phòng UBDT còn chậm; chưa công khai dự toán NSNN các lần điều chỉnh, bổ sung trong năm, thuyết minh tình hình, số liệu thực hiện dự toán NSNN (quý, 6 tháng) được phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Tại UBDT, việc lập dự toán còn chưa sát với kết quả thực hiện năm trước; đối với kinh phí không giao tự chủ để thực hiện nhiệm vụ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBDT không có dự toán chi tiết, nhiều nhiệm vụ không nêu cơ sở tính toán dẫn tới dự toán xây dựng cao, không đảm bảo quy định tại Điều 41, Điều 42 Luật NSNN.

Việc phân bổ dự toán kinh phí được giao bổ sung có năm còn chậm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 50 Luật NSNN; giao dự toán lần đầu cho một số đơn vị còn chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hoặc giao dự toán nhưng chưa có nhiệm vụ cụ thể nên phải điều chỉnh, bổ sung dự toán nhiều lần.

UBDT giao dự toán cho Văn phòng UBDT và HVDT vượt quỹ tiền lương theo biên chế định trong giai đoạn 2016-2020 (trừ năm 2019) là 7.684 triệu đồng

UBDT chậm quyết toán một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng theo quy định; một số dự án triển khai chậm, giải ngân rất thấp so với dự toán giao...

Kết luận thanh tra đưa ra kiến nghị UBDT sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chế độ chi cho các đối tượng trong Quy chế Chính trị phí của UBDT (ngoài người có uy tín đã có chính sách) và chấp thuận cho việc UBDT đã thực hiện chi chính trị phí trong giai đoạn 2016-2020; rà soát, chấm dứt việc cung cấp báo, tạp chí cho các đối tượng không có trong quy định được cấp ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; chỉ đạo các đơn vị chức năng tổng hợp, đánh giá kết quả ứng dụng vào thực tiễn đối với các nhiệm vụ đã chuyển giao của Chương trình CTDT/16-20; yêu cầu tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ rà soát, hiệu đính sản phẩm khoa học có thiếu sót về việc trích nguồn theo đúng quy định.

Chấn chỉnh ngay việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án

Tại Dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Dự án 5), việc phê duyệt dự toán, nhiệm vụ năm 2017 chưa sát, không chi tiết hoạt động kiểm tra, giám sát; duyệt dự toán, quyết toán nguồn kinh phí của dự án để chi hội thảo xây dựng nghị định về đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, tạo nguồn và phát huy sử dụng cán bộ người DTTS với số tiền 297 triệu đồng không phù hợp với nội dung chi của Dự án 5...

Tại Đề án 02, số tiền 251,2 triệu đồng chi cho đại biểu tham dự và chủ trì, thư ký hội thảo áp dụng Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN; tại Đề án 489, số tiền 51,7 triệu đồng chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu hưởng lương từ ngân sách (là cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số của xã vùng DTTS và miền núi đặc biệt khó khăn) là chưa đúng chế độ quy định...

Đề án Thí điểm cấp radio cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới triển khai thực hiện chậm, nhiều lúng túng, bất cập trong việc chuẩn bị và tổ chức đấu thầu. Đề án không triển khai được phải hủy dự toán đã giao, dù đã thực hiện quyết toán 73 triệu đồng kinh phí thẩm định giá.

Chương trình “Những vấn đề cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” (CTDT/16-20) có một số đề tài chưa đưa ra kiến nghị đích danh cơ quan cần chuyển giao kết quả nghiên cứu, ảnh hưởng đến việc thực hiện và nhân rộng kết quả nghiên cứu; báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của một số đề tài chưa thực hiện đầy đủ việc trích nguồn tài liệu tham khảo theo quy định. UBDT chưa bố trí kinh phí, tổ chức đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện các đề tài.

Nhiệm vụ “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về các DTTS và chính sách dân tộc phục vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc” còn 04/05 nhiệm vụ thành phần không tiếp tục triển khai do không kịp bố trí kinh phí, ảnh hưởng đến mục tiêu chung... của chương trình.

Việc quản lý tài chính của chương trình còn thiếu sót về thủ tục tiếp nhận, điều chuyển tài sản; việc áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn thuê trụ sở làm việc của Văn phòng Chương trình, giá trị 376 triệu đồng, không đúng quy định...

HVDT thực hiện một số chương trình, dự án còn thiếu sót về thủ tục, tờ trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT), thông báo kết quả LCNT chưa đúng mẫu quy định; bảo đảm thực hiện hợp đồng chưa phù hợp với quy định; thỏa thuận về nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng chưa chặt chẽ so với hồ sơ yêu cầu.

Đề án Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Quyết định 771/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 771), trong giai đoạn 2018-2020, HVDT đã tổ chức 147 lớp bồi dưỡng cho 4.544 học viên, 164 lớp tập huấn cho 1.430 giảng viên, báo cáo viên và 13 hội thảo, tổng kinh phí là 30,050 tỷ đồng. Việc xây dựng chương trình giảng dạy cho giảng viên thuê ngoài các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc (năm 2018) chưa phù hợp với số chuyên đề theo hợp đồng giữa HVDT với giảng viên, kéo dài thời gian lưu trú, phát sinh thêm chi phí ăn, ở, công tác phí cho giảng viên là chưa thực hành tiết kiệm.

Việc đào tạo đại học theo Đề án Thành lập HVDT năm 2015, UBDT giao cho HVDT đào tạo hệ đại học, chỉ tiêu tuyển sinh từ 200 đến 250 sinh viên/năm với 02 mã ngành là Quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và Quản lý văn hóa các DTTS.

Thực tế, trong giai đoạn 2016-2020, HVDT chưa tuyển được sinh viên để đào tạo đại học.

Ngày 14/08/2018, Bộ GD&ĐT có quyết định số 2928/QĐ-BGDĐT cho phép HVDT tổ chức hoạt động đào tạo.

Ngày 15/01/2020, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 134/QĐ-BGDĐT giao cho HVDT đào tạo trình độ đại học chính quy, cho phép đào tạo thí điểm 01 ngành Kinh tế giáo dục vùng dân tộc thiểu số và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2021.

Bài 2: Tiếp nhận, quản lý một số khoản viện trợ sai quy định

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm