Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bài 1: Nhiều điểm “lạ” trong cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp

Trọng Tài

Thứ ba, 08/03/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích và quản lý đất rừng của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Hải Hà, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh phát hiện nhiều điểm “lạ” trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp.

Huyện Hải Hà chỉ căn cứ vào yếu tố kỹ thuật, xây dựng bản đồ trên lý thuyết để chia tách các loại rừng. Ảnh: Trọng Tài

Dựa trên lý thuyết để chia tách các loại rừng

Theo số liệu, diện tích tự nhiên của huyện Hải Hà là 51.155,5ha. Trong đó, đất lâm nghiệp 33.189,03ha (đất rừng sản xuất 17.703,76ha; đất rừng phòng hộ 15.485,27ha).

Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành thanh tra nội dung liên quan đến công tác lập quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng, cấp GCNQSDĐ rừng; công tác quản lý, sử dụng đất (SDĐ) rừng và việc xử lý đối với hộ gia đình, cá nhân khi vi phạm. Thời kỳ thanh tra từ năm 2015 đến 2019.

Đến thời điểm thanh tra, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Hải Hà nói riêng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng, tại 3 thời điểm (năm 2007, 2014 và 2018).

Đoàn thanh tra chỉ rõ, trong công tác lập quy hoạch 3 loại rừng, huyện Hải Hà chưa cập nhật hết ranh giới SDĐ thổ cư của các hộ dân; chưa xét tới nội dung giao đất, giao rừng trước đây cho các hộ dân mà chỉ căn cứ vào yếu tố kỹ thuật, xây dựng bản đồ trên lý thuyết để chia tách các loại rừng.

Chính vì vậy, đất của các hộ gia đình, cá nhân; các lô rừng đã giao cho các chủ thể quản lý, sử dụng được khoanh gộp vào đất rừng phòng hộ. Từ đó, nảy sinh vướng mắc trong quản lý đất đai của cá nhân, hộ gia đình đã bỏ vốn trồng rừng nhưng gặp khó khăn trong việc khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản và cấp GCNQSDĐ cũng như việc SDĐ ở của các hộ dân trong ranh giới chồng lấn với quy hoạch đất rừng.

Ngoài ra, một số vị trí có chức năng phòng hộ rừng đầu nguồn và giáp khu vực biên giới nhưng huyện Hải Hà không đưa vào quy hoạch đất rừng phòng hộ. Cùng với đó, việc quy hoạch đất thổ cư, đất trồng cây lâu năm của các hộ dân đã quản lý, sử dụng từ những năm 1996 vào quy hoạch 3 loại rừng (rừng sản xuất) khi không có chính sách chuyển đổi đã dẫn đến khó khăn trong việc SDĐ của người dân cũng như việc triển khai thực hiện quy hoạch trong thực tế; sự phối hợp giữa các ngành và của UBND huyện trong việc lập, thẩm định và sử dụng số liệu lập quy hoạch 3 loại rừng chưa chặt chẽ, có sự khác nhau.

Chỉ ra nhiều “lỗ hổng”…

Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2015 đến năm 2019, UBND huyện Hải Hà thực hiện cấp 143 GCNQSDĐ lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ có nguồn gốc tự khai phá, được giao đất rừng, cho thuê đất rừng để trồng rừng với diện tích 276,36ha theo hình thức công nhận quyền SDĐ lâm nghiệp.

Kết quả thanh tra cho thấy, trong quá trình UBND huyện Hải Hà cấp GCNQSDĐ có nhiều điểm “lạ”. Điển hình, hồ sơ công nhận quyền SDĐ lâm nghiệp chỉ có thông tin về đất, chưa có hồ sơ về rừng (tài sản trên đất); đơn xin cấp GCNQSDĐ rừng và tài sản trên đất không được ghi đầy đủ thông tin về rừng trồng, rừng tự nhiên, nguồn vốn đầu tư trồng rừng thuộc ngân sách hay của hộ gia đình, cá nhân; hồ sơ công nhận quyền SDĐ đều không có xác nhận của UBND xã về đối tượng được giao đất có trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại Thông tư số 33, ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Hải Hà, Phòng TN&MT huyện không có công văn kèm theo hồ sơ đề nghị Hạt Kiểm lâm cung cấp thông tin về rừng theo quy định; không mời Hạt Kiểm lâm kiểm tra thực địa khi tiến hành giao đất cho các hộ dân. Do đó, hiện nay, tại cơ quan kiểm lâm huyện không có hồ sơ lưu trữ về tài sản trên đất (rừng) đối với các trường hợp đã được UBND huyện cấp GCNQSDĐ rừng.

Đoàn thanh tra còn phát hiện, có trường hợp tên chủ SDĐ ghi trong GCNQSDĐ và tên chủ SDĐ được ghi trên bản đồ địa chính không giống nhau; cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình SDĐ không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng không xác nhận đối tượng được cấp đất có trực tiếp sản xuất nông nghiệp hay không. Ngoài ra, còn cấp GCNQSDĐ rừng sản xuất trong đó có một phần diện tích chồng lấn vào thửa đất lúa mang tên các hộ gia đình khác.

Chưa hết, kiểm tra hiện trạng cho thấy, còn có hộ gia đình được giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ trước thời điểm 2015 vượt hạn mức theo quy định. Một số trường hợp có tên trên GCNQSDĐ đã mất nhiều năm, con hoặc cháu đang quản lý và sử dụng ổn định để trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, các hộ vẫn chưa làm các thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chuyển đổi tên chủ SDĐ theo thực tế sử dụng (xã Quảng Đức 27 trường hợp; xã Quảng Minh 4 trường hợp).

Không chỉ vậy, UBND huyện Hải Hà đã cấp GCNQSDĐ vượt diện tích so với giấy tờ đã cấp ban đầu nhưng không có hồ sơ chứng minh diện tích đã cấp đúng với thực tế sử dụng của người dân. Việc xác nhận nguồn gốc đất, chuyển nhượng quyền SDĐ không đúng quy định, không niêm yết hồ sơ, không tiến hành giao đất tại hiện trường, dẫn đến phát sinh tranh chấp giữa các hộ dân với người được cấp GCNQSDĐ và người nhận chuyển nhượng.

Bài 2: Trách nhiệm thuộc về ai?

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm