(Thanh tra) - Từ phản ánh của nhà thầu (Công ty Thiên Kỷ) - đơn vị nhận được hồ sơ mời thầu và đã trúng thầu hạng mục đường số 1 và đường số 6 tại KCN Long Hậu, Long An do Công ty CP Long Hậu làm chủ đầu tư, Báo Thanh tra đã có nhiều bài viết phản ánh về vấn đề này. Ngày 04/10/2012, Báo Thanh tra nhận được công văn cung cấp thông tin của Công ty CP tư vấn xây dựng Bách Khoa (BKC) - đơn vị khảo sát thiết kế dự án KCN Long Hậu mở rộng. Theo đó, ngoài việc thông tin thêm về công tác khảo sát, BKC còn có nhận định Báo được ai đó “sử dụng công cụ báo chí” để thông tin sai sự thật. Sau khi rà soát chứng cứ, tài liệu, chúng tôi thấy cần trao đổi lại để rộng đường dư luận.
>>Hậu họa được báo trước! >>“Bị khủng bố” hay đang khủng bố dư luận? >>Lộ diện đường dây rút ruột công trình >>“Hợp đồng trọn gói” và “bẫy” lừa nhà thầu >>Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc >>Vừa gian dối, vừa… la làng! >>“Bán mình” để rút ruột công trình “Vênh”! BKC là đơn vị trúng thầu gói khảo sát thiết kế DA KCN Long Hậu mở rộng. Theo Thuyết minh báo cáo khảo sát địa chất tháng 12/2008 của BKC gửi chủ đầu tư, khu vực khảo sát có “lớp 1: Bùn sét, xám đen, trạng thái chảy” và khuyến cáo đối với công trình có tải trọng nhỏ đã phải có móng nông đặt vào lớp đất có gia cố cừ tràm, chưa kể có tải trọng vừa hay lớn là phải có móng cọc đặt tới lớp đất 3 hay móng cọc sâu hơn. Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi có được, trong hồ sơ mời thầu, thiết kế bản vẽ thi công (là bản vẽ buộc nhà thầu tuân thủ) lại không thể hiện phải có đóng cừ tràm. Độ “vênh” chính là từ “bùn sét, xám đen, trạng thái chảy”, sang thiết kế bản vẽ thi công đã trở thành “đất cấp 2”!
Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hiệp Phú (Công ty Hiệp Phú), đơn vị được nhà thầu mời thẩm định đã có Báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và hạng mục thoát nước mưa đường số 1, đường số 6 đã nhận định, thiết kế bản vẽ thi công trong hồ sơ mời thầu là thực hiện cho một kết quả khảo sát địa chất khu vực có nền đất tốt khác chứ không phải cho khu vực KCN Long Hậu mở rộng vốn đã được khảo sát là địa chất “bùn sét, xám đen, trạng thái chảy” có độ dày từ 12,8 - 25m. Công ty Hiệp Phú kết luận hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã không đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế cần thiết, không bảo đảm mức độ an toàn cho công trình, cần được thiết kế lại. Hồ sơ thiết kế thi công là tài liệu thiết kế chi tiết, đầy đủ và chính xác nhất để nhà thầu theo đó thực hiện việc thi công ngoài hiện trường, là cơ sở lập dự toán thi công. Vì vậy, khi bản vẽ thi công đưa ra các giải pháp sai với địa chất bùn sét chảy, bản tiên lượng lập ra trên cơ sở bản thiết kế này cũng sẽ sai và dự toán đã lập hoàn toàn không thực tế. Điều này cho thấy, nhà thầu đã gặp phải sự cố lớn khi nhận công trình này.
“TS. Vũ Xuân Hòa, Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng Bách Khoa lý giải, do nền đất đã san lấp với chiều dày lớp cát san lấp trung bình 1,3m nên có thể thiết kế mương hở không có chống. Nhưng thực tế thi công, nhà thầu phát hiện bề dày lớp cát san lấp nhiều chỗ chỉ là 0,5 - 0,8m; ngay khi đào cống D600, móng cống đã nằm trong nền bùn chảy.” |
TS. Vũ Xuân Hòa, Giám đốc BKC lý giải, do nền đất đã san lấp với chiều dày lớp cát san lấp trung bình 1,3m nên có thể thiết kế mương hở không có chống. Nhưng thực tế thi công, nhà thầu phát hiện bề dày lớp cát san lấp nhiều chỗ chỉ là 0,5 - 0,8m; ngay khi đào cống D600, móng cống đã nằm trong nền bùn chảy. Tính toán theo bản vẽ thiết kế thì hố đào cho móng cống D1500 có chiều sâu từ 3,204m - 3,334m, cống D1800 có chiều sâu đào móng từ 3,558m - 3,628m. Ví dụ hố móng tại vị trí cạnh GD50 có chiều sâu hố đào là 3,5m, nếu trừ đi 1,3m lớp cát san lấp, phần hố móng nằm trong bùn chảy là 2,2m. Vậy, liệu có thể đào hố móng này với ta-luy 1/3 (dốc đứng đào sâu xuống 3m, chỉ mở rộng 1m) như thiết kế hay không? Nếu thực hiện được, với cống D1800 sẽ có một rãnh sâu trên 3,5m, đáy rộng khoảng 2,2m, người công nhân cao khoảng 1,5 - 1,8m, hố đào không chống chẳng khác gì một cái bẫy, tai nạn sẽ khó mà lường được.
Theo Công ty CP Tư vấn Thiết kế và Thẩm định công trình Xây dựng Quang Huy: “Phương án thi công lắp đặt cống dùng phôi đào mái dốc 1/3 rất mất an toàn gây nguy hiểm cho người trực tiếp thi công. Thực tế, không thể thi công hố đào với ta luy 1/3 trong địa chất bùn sét trạng thái chảy”. Còn Công ty Hiệp Phú đã nhấn mạnh: “Một phương pháp thi công sai nghiêm trọng. Với nền đất yếu bắt buộc phải có giải pháp gia cố hố đào”.
Phủ nhận trách nhiệm của mình, TS. Vũ Xuân Hòa cho rằng BKC chỉ có trách nhiệm khảo sát chứ không có trách nhiệm trong mời thầu. Tuy nhiên, chủ đầu tư khi mời thầu phải sử dụng kết quả khảo sát và thiết kế thi công, nên không thể nói là BKC “vô can”! TS Hòa còn chứng minh thêm, “trong số 08 nhà thầu thi công thì chỉ có Công ty Thiên Kỷ có nêu vấn đề này… Còn 07 nhà thầu thi công còn lại đều không nêu vấn đề này”. Chúng tôi được biết, chỉ có 3 nhà thầu liên quan đến việc phải thi công các rãnh sâu. Trong đó nhà thầu C.H thi công hệ thống nước thải trong dự toán đã được tính chi phí gia cố hố móng bằng cừ larsen. Vậy, chỉ có hai nhà thầu thi công rãnh hở không chống là nhà thầu T.T và Thiên Kỷ. Tại sao Công ty T.T không lên tiếng? Đó là một vấn đề chúng ta có thể phải tính đến. Công ty T.T là đơn vị đã san lấp mặt bằng KCN Long Hậu. Sau khi thực hiện các gói thầu xây dựng hạ tầng tại KCN Long Hậu, Công ty T.T đã bán trạm trộn bê tông, trộn bê tông nhựa, bỏ hẳn nghề xây dựng và hiện họ đang đầu tư phát triển hoa phong lan. Còn Công ty Thiên Kỷ, ngay từ tháng thi công đầu tiên, họ đã có ý kiến về thiết kế và địa chất với chủ đầu tư nhưng không được điều chỉnh mà bị buộc làm theo thiết kế thi công nên không thể nói “không có gì bất ngờ với nhà thầu” và “nhà thầu không có phản ánh gì”.
Tiết kiệm? TS. Vũ Xuân Hòa cho rằng, “để tính dự toán chi phí cho công tác đào đất đặt cống, chúng tôi có đề xuất lấy đơn giá đào đất cấp 2. Lý do chọn loại đất cấp 2 để tính chi phí xuất phát từ việc đào rãnh thi công được tiến hành trên điều kiện đã hoàn thành công tác san lấp cát dày trung bình 1,3m lên nền đất bùn sét tự nhiên, các phương tiện thi công có thể di chuyển dễ dàng”. Nói như vậy, chỉ cần rải một lớp cát mỏng lên mặt bùn mà chính BKC đã khảo sát dày 12,8 - 25m ở trạng thái chảy, có thể dễ dàng coi đó là “đất cấp 2” và thiết kế công trình tương đương cho nền “đất cấp 2”, làm cơ sở lập dự toán cho “ đất cấp 2”?
Nếu lớp cát san lấp dày trung bình 1,3m như TS Vũ Xuân Hòa cung cấp thì ngoại trừ cống D500 và một số vị trí cục bộ, hầu hết móng cống đều rơi vào lớp bùn sét chảy theo Báo cáo khảo sát địa chất của BKC. Khi thẩm định chi tiết móng cống, Công ty CP TVĐT Hiệp Phú đã kết luận: “Tư vấn thiết kế cho đặt móng cống, móng hố ga trực tiếp trên nền bùn chảy là không đảm bảo về mặt kỹ thuật. Lớp đất yếu này bắt buộc phải được xử lý gia cố khi thi công móng cống, móng hố ga”. Công ty Quang Huy qua tính toán đã xác định “ngay với cống D500 nền đất đã không đủ tải”. Chính TS Vũ Xuân Hòa trong giai đoạn khảo sát địa chất cũng đã đưa ra khuyến cáo cho tư vấn thiết kế: Phải gia cố nền đất yếu ít nhất là bằng cọc cừ tràm. Nếu có thể đặt được cống lên nền bùn chảy như hồ sơ thiết kế của BKC, dù nhà thầu đã tích cực xử lý nhưng trong tương lai gần, chất lượng công trình sẽ ra sao khi dưới lớp cát kia là 12,8 - 25m bùn lỏng?
Khảo sát một đằng, thiết kế thi công một nẻo, đây không phải sự nhầm lẫn về kiến thức. Chủ đầu tư có hàng chục kỹ sư dày dạn kinh nghiệm nên phải có lý do khi thông qua hồ sơ thiết kế trên.
Với thiết kế bản vẽ thi công dó, TS Hòa cho rằng, đã làm lợi cho nhà thầu do đơn giá đào đất cấp II cao hơn đất cấp 1 (bùn sét) 28% về nhân công. Nhưng vấn đề ở đây không phải là đơn giá đào đất, mà là biện pháp thi công hố móng. Bằng khái niệm “đất cấp 2”, BKC đã thiết kế rãnh hở không chống khiến nhà thầu gánh chịu một hậu quả khá nặng. Hồ sơ mời thầu tiên lượng đất cấp 2, bản vẽ thiết kế tương ứng với địa chất đất cấp 2, với ta luy 1/3, nhà thầu hoàn toàn tin tưởng đó là một nền đất có địa chất tốt, ổn định. Và với biện pháp thi công rãnh hở không chống, chi phí thi công hố đào móng cống duy nhất họ có, chỉ là chi phí đào đất. Theo định mức (TP. Hồ Chí Minh) cho đất cấp 2 tính ra là 8,850 đ/1m3. Tất cả chi phí thi công hố móng cho hố móng cống D600 chỉ là 11,031 đ/m3, cho cống D1800 chỉ là 108,825 đ/m3. Nhưng nếu thi công hố móng bằng cừ larsen trong trường hợp lý tưởng, chỉ chi phí đóng nhổ 5 cây cừ (tính cho 1m3 hố móng) loại 6m đã là 5.000.000 đ! Vậy tiết kiệm cho ai chưa biết, nhà thầu phải bội chi so với dự toán ban đầu để bảo đảm an toàn cho công trình! Nhà thầu không thể đặt móng cống lên nền đất yếu như thiết kế bản vẽ thi công, mà phải đào bỏ bùn, thay thế lớp bùn dưới móng cống bằng cát, một hình thức xử lý nền đất yếu và sau đó mới lắp đặt cống. Chính vì chi phí phát sinh do xử lý thiết kế đó mà nhà thầu Thiên Kỷ đã yêu cầu Công ty CP Long Hậu thanh toán. Câu trả lời họ nhận được là: Đấy thuộc về trách nhiệm của nhà thầu!
Chưa bàn đến việc tiết kiệm, chỉ biết mọi thiệt hại đã rơi vào nhà thầu. Chúng tôi cũng chưa bình luận ý kiến của một số đơn vị đang sử dụng cơ sở hạ tầng của KCN. Chỉ biết rằng, bên dưới những tấm hình BKC chụp để chứng minh sự đẹp đẽ, khang trang của KCN còn tiềm ẩn nguy cơ và những dấu hỏi!?
Nhóm PV Điều tra