Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xem xét khôi phục thanh tra chuyên ngành cho Phòng Giáo dục và Đào tạo

Thứ ba, 15/08/2017 - 09:18

(Thanh tra)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra. Tại đây, ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đề xuất xem xét khôi phục chức năng thanh tra chuyên ngành cho phòng GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra tại Thanh Hóa. Ảnh: HH

Thu hồi nộp ngân sách hơn 3 tỷ đồng

Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT: Thực hiện Luật Thanh tra 2010, trong những năm qua, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác để đạt được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động thanh tra.

Từ 1/7/2011 - 30/6/2017, Bộ GD&ĐT đã tiến hành 32 cuộc thanh tra hành chính (26 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 6 cuộc thanh tra đột xuất); 86 cuộc thanh tra chuyên ngành.

Năm học 2012 - 2013, các Sở GD&ĐT tiến hành 897 cuộc thanh tra toàn diện, 4.944 cuộc thanh tra chuyên đề, thanh tra hoạt động sư phạm của 21.951 giáo viên; trong 3 năm đổi mới gần đây, các Sở tiến hành thanh tra hành chính 3.130 cuộc, thanh tra chuyên ngành 3.967 cuộc.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã chủ trì một số cuộc thanh tra liên ngành như: Năm 2012 phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an (A83) thanh tra liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài; 2013 tiếp tục phối hợp với A83 thanh tra công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, liên kết đào tạo đối với Trường Cao đẳng ASEAN; 2014, phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế thanh tra tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo của Trường ĐH Y Dược Hải Phòng...

Kết quả, thanh tra hành chính ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Qua thanh tra đã phát hiện các sai phạm, thiếu sót của các đơn vị tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, tài chính... kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đã phát hiện nhiều bất cập trong cơ chế chính sách, kiến nghị Bộ trưởng trình Chính phủ và trực tiếp sửa đổi quy định, văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục ĐH theo thẩm quyền. Đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 68 đối tượng với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.

Hàng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức thanh tra dạy thêm, học thêm, thu chi đầu năm. Sau cuộc thanh tra, Bộ đã yêu cầu chấm dứt sai phạm, khắc phục hậu quả kịp thời, ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm trái quy định.

Trong 3 năm học gần đây, Bộ đã thực hiện đổi mới về kỳ thi THPT Quốc gia, Thanh tra Bộ đã xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thanh tra tại các hội đồng thi, điểm thi ở các địa phương từ khâu chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, xét tuyển. Công tác thanh tra thi chú ý tại các điểm nóng, có thông tin phản ánh tiêu cực và các nơi có địa hình khó khăn, phức tạp. Các đoàn thanh tra một mặt góp ý giúp các hội đồng làm đúng chức trách của mình, một mặt phát hiện thiếu sót, tiêu cực để kịp thời phối hợp xử lý góp phần bảo đảm cho việc thi, tuyển sinh an toàn, nghiêm túc.

Thực hiện Nghị định 42, các Sở GD&ĐT đã chuyển hoạt động thanh tra theo đúng Luật Thanh tra. Chuyển hoạt động thanh tra chủ yếu về chuyên môn sang thanh tra quản lý. Theo đó, thanh tra tập trung vào việc thanh tra hành chính đối với các đơn vị trực thuộc, thanh tra chuyên ngành Giáo dục đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Việc thanh tra không chỉ diễn ra trong trường mà cả ngoài trường.

Việc phối hợp với thanh tra tỉnh, thanh tra huyện trong công tác thanh tra được tiến hành thường xuyên. Nhiều Sở GD&ĐT đã đề nghị thanh tra tỉnh, UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra huyện phối hợp với phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch và thực hiện thanh tra hành chính các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý Nhà nước của huyện.

Trong các năm qua, Thanh tra Bộ tiến hành các cuộc thanh tra bảo đảm tiến độ, trình tự, thủ tục theo quy định. Thực hiện thanh tra theo kế hoạch thường đạt khoảng 70% do phải thanh tra đột xuất. Một số cuộc thanh tra ban hành kết luận còn chậm (chủ yếu là thanh tra hành chính). Việc công khai kết luận thanh tra cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật.

6 năm thi hành Luật Thanh tra, Bộ GD&ĐT không có trường hợp nào khiếu nại, tố cáo về hoạt động của đoàn thanh tra tại địa phương cũng như không có trường hợp nào bị xử lý vì hành vi vi phạm trong hoạt động thanh tra.

Nhiều bất cập cần sửa đổi

Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra một số điểm chưa phù hợp của Luật Thanh tra 2010 như: Chưa phân định rõ thẩm quyền hành chính với thẩm quyền thực thi pháp luật; khái niệm về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành chưa rõ ràng dẫn đến một số lĩnh vực hiểu lẫn lộn với nhau; hệ thống các văn bản pháp luật về thanh tra chưa hoàn chỉnh, quyền hạn và hiệu lực thanh tra còn hạn chế; các cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị cho nên tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao…

“Cơ quan thanh tra còn phụ thuộc quá nhiều vào cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp cả về về tổ chức, nhân sự, kinh phí, trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, trong quá trình tiến hành thanh tra cũng như giai đoạn kết thúc, kết luận và kiến nghị xử lý. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tính chủ động và độc lập trong hoạt động thanh tra”, ông Hiến nhấn mạnh.

Đối với thanh tra trong các cơ sở giáo dục ĐH, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở pháp lý của hoạt động này đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH, tuy nhiên, lại chưa được luật hóa trong Luật Thanh tra, do đó, hoạt động thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục ĐH còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để tiếp tục hoàn thiện Luật Thanh tra, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra cả nước nói chung, thanh tra giáo dục nói riêng, lãnh đạo Thanh tra Bộ GD&ĐT đề xuất nghiên cứu hoàn thiện Luật Thanh tra theo hướng: Rà soát lại hệ thống các Luật có quy định về nội dung thanh tra, xác định rõ nguyên tắc áp dụng văn bản để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Thanh tra và luật chuyên ngành trong từng lĩnh vực. Tăng vị thế và tính độc lập tương đối của cơ quan thanh tra; bảo đảm hoạt động thanh tra thực quyền hơn.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế giao quyền thanh tra một số cơ quan gồm các tổng cục, cục. Đối với giáo dục, cần xem xét khôi phục chức năng thanh tra chuyên ngành cho phòng GD&ĐT. Quy định rõ ràng hơn về thanh tra nội bộ trong đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục)…

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm