Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 16/06/2017 - 07:08
(Thanh tra)- Chiều 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh, nếu quy định giải quyết đơn tố cáo nặc danh thì không có lực lượng nào đủ để giải quyết. Nhưng đây là thông tin để cấp ủy, chính quyền nghiên cứu đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Phan Việt Cường
Mạo danh email gửi đơn tố cáo gây khó khi xác minh
+ Từ thẩm tra đến thảo luận tại tổ, hình thức tố cáo là vấn đề có nhiều quan điểm trái chiều. Theo ông, dự thảo luật nên quy định theo hướng nào?
Đúng là còn nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp trình bày nội dung tố cáo.
+ Có ý kiến cho rằng, hiện nay chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử. Cho nên, cần bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử…?
Tôi thấy quy định này không khả thi. Bởi có nhiều người mạo danh, lợi dụng để tạo ra những email, chat điện tử để gửi đơn tố cáo gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước khi tiến hành thẩm tra, xác minh. Trong trường hợp nhận thông tin thì đây là cơ sở để thanh tra đột xuất hoặc thường xuyên trong chương trình kế hoạch thanh tra.
+ Còn đơn tố cáo nặc danh, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Đơn nặc danh thì không giải quyết. Anh đã tố cáo, tức là anh đã có trách nhiệm góp ý với chính quyền hoặc anh khẳng định hoặc anh nghi vấn cán bộ, công chức làm trái quy định của Nhà nước. Là một người công dân, anh có quyền tố cáo, anh phải xác định được thông tin cung cấp, dù chuẩn xác hay không chuẩn xác nhưng phải có chính kiến của mình.
Tuy nhiên, từ thực tế làm Chánh Thanh tra tỉnh qua nhiều năm, tôi thấy, đơn tố cáo nặc danh là những thông tin để cấp ủy, chính quyền các cấp nghiên cứu có thể đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo định kỳ hoặc đột xuất. Từ đó, giúp chúng ta củng cố chính quyền, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm.
+ Cơ chế bảo vệ người tố cáo còn có “kẽ hở” khiến nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật vì sợ bị trả thù, bị trù dập. Để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, nên chăng cần quy định giải quyết tố cáo nặc danh?
Chúng ta có hệ thống chính quyền từ TƯ đến địa phương. Sau khi gửi đơn tố cáo, người tố cáo bị trù dập, bị gây khó khăn hoặc bị trả thù thì đã có chính quyền, có lực lượng công an, các cơ quan tổ chức có trách nhiệm bảo vệ.
Nếu luật quy định giải quyết đơn tố cáo nặc danh thì sắp tới các cơ quan thanh tra không thể nào giải quyết được, không lực lượng nào có đủ để giải quyết được và đơn thư tố cáo sẽ tràn lan.
Cần bảo vệ người tố cáo và cả người giải quyết tố cáo
+ Còn cơ chế bảo vệ người tố cáo thì thế nào? Những quy định mới trong dự thảo về vấn đề này đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn chưa, thưa ông?
Cơ bản đã đề ra được những giải pháp, nhưng cần phải bàn để đáp ứng được yêu cầu bảo vệ người tố cáo. Tôi nghĩ, hơn ai hết, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thường xuyên theo dõi, nếu có trường hợp người tố cáo bị trả thù thì phải xử lý nghiêm minh.
+ Có ý kiến đề nghị, nên để cơ quan công an là lực lượng bảo vệ người tố cáo. Ông nghĩ gì về điều này?
Tôi nghĩ khả thi. Vì hơn ai hết cơ quan công an là lực lượng cơ quan bảo vệ sự bình yên của người dân.
Nhưng ở đây, tôi muốn nói thêm rằng, không chỉ bảo vệ người tố cáo mà còn phải có cơ chế để bảo vệ người đi giải quyết tố cáo. Thực tế, có nhiều cán bộ thanh tra đi giải quyết tố cáo đã bị hành dung, đe dọa… Cho nên, dự thảo luật cần bổ sung các quy định để bảo vệ người đi giải quyết tố cáo.
+ Một điểm mới của dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) là đã bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu, đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Về hưu cũng phải xử lý. Trong công tác kiểm tra Đảng, khi anh đương chức có những việc làm, ra những quyết định sai, anh nghỉ hưu, Đảng vẫn xử lý. Gắn với Đảng, chính quyền cũng vậy. Khi phát hiện ra những điều anh làm sai, vi phạm pháp luật, người dân tố cáo thì vẫn xử lý, chứ không phải anh “hạ cánh xuống là an toàn”.
+ Nhưng Chính phủ vẫn chưa trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy Nhà nước?
Trước hết, dự luật cần quy định nguyên tắc. Nếu Luật Tố cáo (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì sau này Chính phủ sẽ xây dựng nghị định, đồng thời sửa đổi các quy định khác về chế độ, trách nhiệm đối với người về hưu.
+ Xin cảm ơn ông!
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Long An công bố, trao quyết định cho các cán bộ được luân chuyển và điều động công tác khác. Các quyết định có hiệu lực kể từ ngày 16/12/2024.
Thu Huyền
20:04 11/12/2024(Thanh tra) - Trong tháng 11/2024, UBND thành phố Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng trong các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước hiệu quả và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công dân.
Chính Bình
15:33 11/12/2024Cảnh Nhật
14:16 11/12/2024Kim Thành
09:56 11/12/2024Phương Anh
20:46 10/12/2024Phương Anh
20:15 10/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà