Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người giữ bảo kiếm

Thứ hai, 21/09/2015 - 06:33

(Thanh tra)- “Thanh tra là người giữ bảo kiếm. Thanh tra là công cụ rất quan quan trọng để quản lý Nhà nước. Bất kỳ một Nhà nước nào không có thanh tra rõ ràng không thể đem lại hiệu quả quản lý cao nhất. 70 năm, một chặng đường dài, ngành Thanh tra đã góp phần rất quan trọng vào tiến trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát hiện, xử lý vi phạm trong xã hội”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Báo Thanh tra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “70 năm, một chặng đường dài, ngành Thanh tra đã góp phần rất quan trọng vào tiến trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát hiện, xử lý vi phạm trong xã hội”. Ảnh: Thảo Nguyên.

Xử lý tiêu cực, tạo niềm tin trong nhân dân

+ Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của ngành Thành tra, nhất là những năm gần đây, điều gì làm ông ấn tượng?

- Nói về ngành Thanh tra tôi thấy ấn tượng ở cả hai mặt. Đó là sự trưởng thành của hệ thống tổ chức bộ máy và việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động ngành. Đội ngũ cán bộ thanh tra đều qua đào tạo, thi cử, chuyển ngạch rồi mới bổ nhiệm. Công tác này ngày càng đi vào nền nếp, đánh giá sự trưởng thành, phát triển của lực lượng thanh  tra.

Hệ thống pháp luật của ngành Thanh tra (Luật Thanh tra; Phòng, chống tham nhũng (PCTN); rồi Khiếu nại (KN); Tố cáo (KN), mới đây nhất là Luật Tiếp công dân) đã được Quốc hội ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC và PCTN đạt hiệu quả.

Tôi vẫn nói rằng, suốt bao nhiêu thập kỷ phát triển đất nước, thanh tra xử lý các hiện tượng tiêu cực trong xã hội là chủ yếu. Đặc biệt những năm gần đây, ngành Thanh tra nói chung, Thanh tra Chính phủ nói riêng hoạt động đã thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện xử lý nhiều vụ tiêu cực lớn, chỉ rõ những vi phạm, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước số tiền rất lớn đã thất thoát, đáp ứng ngày càng tốt hơn phòng, ngừa vi phạm pháp luật, PCTN, lãng phí. Công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC cũng vậy, ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả.

Cũng phải nói thêm một điều, sự trưởng thành, phát triển, hiệu quả của ngành Thanh tra không tách rời dư luận xã hội thông qua hệ thống báo chí, trong đó có Báo Thanh tra. Báo chí đã đóng một vai trò hết sức quan trọng để hệ thống thanh tra đi đúng định hướng, thực hiện đúng nhiệm vụ, chức năng của mình.

- Với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, công tác giải quyết KN, TC gắn với việc tiếp dân đã tạo được niềm tin của người dân và các cấp chính quyền, góp phần ổn định chính trị - xã hội, phát triển đất nước. Ông đánh giá gì về điều này?

+ Quá trình triển khai đưa luật vào cuộc sống, trách nhiệm của các cấp, các ngành đã được nâng lên. Quan trọng, thanh tra đã giải quyết được rất nhiều các vụ việc, trong đó có cả những vụ việc rất bức xúc, kéo dài đến 20 - 30 năm, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân và được các Đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao.

Hoạt động tiếp dân, giải quyết KN,TC đã có những kế quả và chuyển biến tích cực, nhờ vậy, cơ bản các vụ đông người, phức tạp đã giảm, điều này hết sức quan trọng. Tôi nhấn mạnh một lần nữa, chính nhờ có thanh tra đã làm tăng thêm niềm tin của người dân đối với các cơ quan Nhà nước và giải quyết KN,TC là một điểm sáng.

Thanh tra là người giữ bảo kiếm

- Bên cạnh những đóng góp rất lớn như vậy, có ý kiến cho rằng, ngành Thanh tra vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng “là những người gác cổng, phát hiện, chỉ ra, vạch ra những vi phạm, tham nhũng của cơ quan công quyền, cơ quan hành pháp, bảo vệ lợi ích của người dân”?

+ Như tôi đã nhận định, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, kịp thời kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong công tác quản lý, trong ban hành chính sách, pháp luật. Đội ngũ cán bộ thanh tra cơ bản giữ gìn được phẩm chất đạo đức, giữ được thanh liêm.

Tất nhiên, cũng thẳng thắn thấy rằng, trong quá trình thực hiện thanh tra, giải quyết KN, TC vẫn có nơi này, nơi khác làm chưa tốt. Điều này, do năng lực cán bộ thanh tra chưa nắm bắt được hết chính sách, pháp luật của Nhà nước nên giải quyết, xử lý chưa đúng. Cũng có khi, cán bộ thanh tra am hiểu luật, nhưng vì lợi ích nhóm hoặc lợi ích cá nhân mà làm “méo mó” sự thật, không bảo đảm được công bằng khiến tiếng nói, uy tín của thanh tra giảm đi. Vấn đề này không có cách gì khác là ngành Thanh tra phải tự mình vươn lên để loại trừ những đối tượng không đủ phẩm chất, đạo đức, không có tâm, có tầm.

 - Để hoạt động thanh tra đạt được hiệu lực, hiệu quả, không chỉ dựa vào “nội lực” loại bỏ những “con sâu” mà còn cần những cơ chế để thanh tra có quyền năng xử lý chứ không chỉ dừng ở kiến nghị, thưa ông?

+ Đúng vậy. Thanh tra là người giữ bảo kiếm, lẽ ra phải được xử lý. Nếu hạn chế quyền được xử lý trực tiếp của thanh tra sẽ hạn chế hiệu lực, hiệu quả của thanh tra. Tôi cho rằng, thẩm quyền thanh tra đến đâu thì được xử lý đến đó và dứt khoát phải trao cho thanh tra quyền xử lý trực tiếp. Những bất cập cần được rà soát, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Điều này không có gì khó vì thanh tra là công cụ quản lý Nhà nước.

Lâu nay một số cơ quan quản lý Nhà nước hơi đi lệch hướng, thường đi vào hướng dẫn, giám sát những vấn đề cụ thể mà không tập trung lực lượng cho công tác thanh tra, kiểm tra. Trong khi, đây mới là công cụ làm tăng hiệu quả quản lý Nhà nước. Chỉ có thanh tra, kiểm tra mới phát hiện những điều không hợp lý về cơ chế chính sách, không hợp lý trong quá trình tổ chức điều hành và vi phạm chính sách pháp luật, qua đó phát hiện, kiến nghị xử lý làm cho công tác quản lý Nhà nước tốt hơn.

- Là Đại biểu Quốc hội, nói lên tiếng nói của cử tri, ông kỳ vọng gì vào ngành Thanh tra trong thời gian tới?

+ Cử tri và cá nhân tôi đều mong mỏi, đội ngũ cán bộ thanh tra liêm khiết, công bằng và trung thực.

Tôi tin, sau chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, với những gì đã đạt được, ngành Thanh tra sẽ ngày càng vững mạnh, cán bộ thanh tra luôn là “cái gương” để người ta soi.

Thảo Nguyên (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm