Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Góp phần chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách

Thứ sáu, 18/09/2015 - 07:00

(Thanh tra)- Trải qua chặng đường lịch sử 70 năm, các thế hệ cán bộ Thanh tra Tài chính đã không ngừng phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu tài chính cho hai cuộc kháng chiến thắng lợi, góp phần quan trọng xây dựng Nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Lãnh đạo Thanh tra Bộ chỉ đạo, lãnh đạo toàn thể cán bộ, đảng viên của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tiến hành 353 cuộc thanh tra, kiểm tra. Ảnh: Minh họa

Lớn mạnh cả về chất và lượng

Sau những ngày đầu thành lập, Thanh tra Tài chính tuy còn non trẻ nhưng đã từng bước được củng cố về tổ chức, kiện toàn nội dung và phương thức hoạt động, góp phần tích cực trong việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các chính sách tài chính Nhà nước.

Từ năm 1954 - 1989, hệ thống tổ chức của Thanh tra Tài chính được thực hiện theo Nghị định số 1077-TTg ngày 12/10/1956 của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, ngày 10/9/1970, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 174/CP ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài chính xác định rõ tính chất hệ thống thống nhất và tính độc lập của Thanh tra Tài chính gồm: Ban Thanh tra Tài chính Trung ương và Ban Thanh tra Tài chính địa phương, có điều lệ hoạt động thống nhất...

Ngày 20/11/1945, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 56/TC cử ông Lê Trần Đức làm Tổng Thanh tra Tài chính. Ngày 20/11 hàng năm đã được ngành chính thức chọn làm Ngày Truyền thống của Thanh tra Tài chính Việt Nam.

Ngày 8/2/1992, Bộ Tài chính có Quyết định số 62-TC/QĐ/TCCB sắp xếp lại tổ chức các phòng thanh tra của cơ quan Thanh tra Bộ Tài chính thành lập 7 phòng, gồm: Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Phòng Thanh tra nội bộ và xét giải quyết khiếu tố, Phòng Thanh tra ngân sách Nhà nước, Phòng Thanh tra Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Phòng Thanh tra tài chính các đơn vị hành chính sự nghiệp, Phòng Thanh tra Doanh nghiệp. Đến thời điểm này, Thanh tra Bộ Tài chính có 11 phòng và 1 Văn phòng Đại diện tại TP Hồ Chí Minh, với tổng số hơn 140 cán bộ, công chức, viên chức.

Trong thập niên 90, đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, nên công tác Thanh tra Tài chính cũng thường xuyên đổi mới, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nền kinh tế, tài chính trong giai đoạn mới. Nội dung thanh tra trên các lĩnh vực luôn được đổi mới và hoàn thiện. Công tác xây dựng quy trình thanh tra đối với từng lĩnh vực luôn được chú trọng, thường xuyên đổi mới cho phù hợp với từng giai đoạn, vì thế chất lượng công tác thanh tra đã được nâng cao rõ rệt, kiến nghị thanh tra được các đơn vị chấp nhận và thực hiện đầy đủ.

Do kịp thời đổi mới, phương thức hoạt động lấy mục tiêu ngăn chặn phòng ngừa sai phạm là chủ  yếu, đề cao quy chế, nguyên tắc, lề lối làm việc và được tăng cường thêm lực lượng cán bộ, Thanh tra Bộ Tài chính đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý tài chính và ngân sách Nhà nước.

Kiến nghị chấn chỉnh nhiều cơ chế, chính sách

Chia sẻ về những điểm nhấn, kết quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng cho biết, từ khi được thành lập đến nay, Thanh tra Bộ luôn hoàn thành tốt và xuất sắc các mặt công tác. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2015 đã có những dấu ấn đặc biệt.

Lãnh đạo Thanh tra Bộ chỉ đạo, lãnh đạo toàn thể cán bộ, đảng viên của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tiến hành 353 cuộc thanh tra, kiểm tra; trong đó triển khai nhiều đoàn thanh tra chuyên đề trên diện rộng; đã hoàn thành 100% kế hoạch được phê duyệt và đột xuất được giao.

Cuộc họp giao ban hàng tháng của Thanh tra Bộ Tài chính. Ảnh: Tuấn Anh

Qua thanh tra, đã có nhiều kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm trong quản lý, điều hành ngân sách địa phương, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, lĩnh vực giá...; việc chấp hành pháp luật về thuế, các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá, cũng như việc chấp hành quy trình, nghiệp vụ của các đơn vị trong nội bộ ngành... Phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 10.160 tỷ đồng và 6.241.443 USD (tăng thu ngân sách Nhà nước 3.325 tỷ đồng và 6.241.443 USD; giảm chi ngân sách: 3.959 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 2.967 tỷ đồng)...

Đồng thời, cũng có nhiều đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các chế độ, chính sách về quản lý tài chính, tài sản Nhà nước, các dịch vụ, các định mức kinh tế kỹ thuật đối với các Bộ như: Giao thông Vận tải, Y tế, Lao động  - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ, Công thương; Thông tấn xã Việt Nam...

Đối với một số tỉnh, TP thuộc Trung ương được thanh tra cũng có nhiều kiến nghị việc xây dựng và ban hành các loại phí có phát sinh trên địa bàn tỉnh theo quy định về phí, lệ phí; việc ban hành hoặc sửa đổi quy chế đấu giá đất tại địa phương, quy định hướng dẫn về phương pháp xác định giá cho thuê đất đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp phù hợp với thực tế tại từng địa bàn, từng vị trí; quy định thu ứng trước tiền hạ tầng đối với các chủ đầu tư; điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên...

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng quản lý của Bộ Tài chính.

Công tác xử lý sau thanh tra được thực hiện đúng quy định tại Quy trình Xử lý sau thanh tra từ khâu tiếp nhận hồ sơ, theo dõi đôn đốc, xử lý giải trình kiến nghị của đối tượng thanh tra, đến việc kiểm tra thực hiện kiến nghị thanh tra. Năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã đánh giá công tác xử lý sau thanh tra của Bộ Tài chính nề nếp, thực hiện đúng quy trình thủ tục, giải quyết thấu tình đạt lý các kiến nghị của đơn vị, từ đó tăng tính thuyết phục của kết luận thanh tra... Mặt khác, Thanh tra Bộ đã xây dựng kế hoạch tự kiểm tra công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị thuộc Bộ (được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 2316/QĐ-BTC ngày 9/9/2014).

Trong 5 năm qua, Thanh tra Bộ đã tiếp 184 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tiếp nhận 3.686 đơn thư, đã xử lý dứt điểm không để tồn đọng. Nghiên cứu tham mưu với lãnh đạo Bộ xử lý dứt điểm mỗi năm từ 60 - 70 lượt đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền Bộ trưởng; tham gia ý kiến xử lý đơn với các đơn vị thuộc Bộ mỗi năm từ 70 - 80 lượt đơn…

Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng phát sinh nhiều công việc đột xuất. Lãnh đạo Thanh tra Bộ làm tốt vai trò đầu mối, tham mưu giúp Bộ triển khai, thực hiện tốt các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí; Luật Phòng, chống tham nhũng…

Nhiều cá nhân, tập thể tiên tiến làm theo lời Bác

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc “học  tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ Thanh tra Bộ đã ban hành Quyết định 38 QĐ/ĐU-TTr ngày 8/10/2010, thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đảng ủy Thanh tra Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan; kịp thời phổ biến, quán triệt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 1/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương (khóa XI), Hướng dẫn số 12-HD/TW ngày 27/7/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Kế hoạch số 24-KH/ĐUK ngày 5/10/2011 của Đảng uỷ Khối các Cơ quan Trung ương, Kế hoạch số 223-KH/ĐUTC ngày 25/11/2011 của Đảng uỷ Bộ Tài chính về việc “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...

Qua các đợt nghiên cứu học tập các chủ đề: “Sửa đổi lề lối làm việc, xây dựng và thực hành đạo đức công vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên, cán bộ công chức viên chức trong Đảng bộ”; “Phòng chống tiêu cực, tham ô, lãng phí, phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phòng chống diễn biến hòa bình “tự diễn biến, “tự chuyển hóa”; “Ngành Tài chính học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực hiện: Cần kiệm, Liêm chính, Chí công, Vô tư”... Toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Đảng bộ Thanh tra Bộ đã chủ động đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, nỗ lực phấn đấu rèn luyện trở thành người công chức gương mẫu, người công bộc tận tụy, trung thành, đời sống trong sáng, cuộc sống riêng giản dị; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm. Chấp hành nghiêm các quy định, quy chế làm việc nơi công sở; thực hành tiết kiệm trong sử dụng tài sản chung tại công sở; đoàn kết, gắn bó cùng nhau chỉnh đốn tác phong, rèn luyện phẩm chất của người cán bộ Thanh tra Tài chính.

Kết quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Thanh tra Bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiên tiến làm theo lời Bác được Ban Thường vụ Đảng bộ Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ tặng Bằng khen.

Tuấn Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành phố Lạng Sơn: Hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thành phố Lạng Sơn: Hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

(Thanh tra) - Trong tháng 11/2024, UBND thành phố Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng trong các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước hiệu quả và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công dân.

Chính Bình

15:33 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm