Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chương “cán đích” ngoạn mục của ngành Thanh tra

Thứ năm, 17/09/2015 - 07:00

(Thanh tra) - Một đồng chí nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ví von, nếu coi dịp 70 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra là cái đích đến thì giai đoạn 2010 - 2015 xứng đáng là một chương cán đích ngoạn mục. Báo Thanh tra xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam như một cái nhìn tổng quát về những thành tựu nổi bật của chương mới nhất trong cuốn sử ngành Thanh tra.

Giai đoạn “vàng” trong xây dựng thể chế

Từ  năm 2010 đến năm 2015, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan soạn thảo, sửa đổi 5 luật quan trọng và đã được Quốc hội thông qua: Luật Thanh tra năm 2010, Luật Khiếu nại (KN) năm 2011, Luật Tố cáo (TC) năm 2011, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2012, Luật Tiếp công dân năm 2013.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu xây dựng cho Chính phủ 18 Nghị định, Đề án, Quyết định, Chỉ thị (trong đó có 14 Nghị định); ban hành 15 Thông tư quan trọng trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết KN, TC và PCTN.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành nhiều quyết định, qui chế cụ thể hóa để hướng dẫn chi tiết về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Đây là hệ thống văn bản qui phạm pháp luật đảm bảo chất lượng, phản ánh đúng xu hướng thay đổi trong các quan hệ thuộc phạm vi quản lý của ngành Thanh tra và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương. Đây cũng là bộ khung pháp lý khá toàn diện, đầy đủ để toàn ngành Thanh tra ngày một nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Phát triển mạnh về lực lượng

Với phương châm “lấy đổi mới làm trọng tâm” nên việc tăng cường xây dựng lực lượng ngành Thanh tra được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là trong lĩnh vực tổ chức cơ cấu bộ máy.

Về cơ cấu tổ chức, các vụ, cục, đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ có 20 đơn vị. Trong thời gian này thành lập thêm 3 đơn vị mới là: Vụ Kế hoạch Tài chính Tổng hợp, Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư, Vụ Giám sát Thẩm định và Xử lý sau thanh tra. Tổ chức thanh tra Nhà nước ngày càng được kiện toàn, đi vào hoạt động ổn định, tạo đà cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Song song với việc củng cố và phát triển của hệ thống tổ chức Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành và các địa phương trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam cũng được chú trọng và tăng cường hơn cả về số lượng và chất lượng

Tính đến tháng 12/2014, toàn ngành Thanh tra có trên 20.000 cán bộ, công chức, viên chức. Riêng Thanh tra Chính phủ có 645 người, khối hành chính là 480 người (415 biên chế và 65 lao động hợp đồng), sự nghiệp là 165 người trong đó trình độ đại học là 430 người, trình độ thạc sĩ là 115 người, tiến sĩ là 25 người; cao cấp lý luận chính trị là 170 người, trung cấp chính trị là 360 người…

Số cán bộ, công chức được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên trong toàn ngành ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Trọng điểm trong thanh tra kinh tế - xã hội

Trong 5 năm qua, toàn ngành Thanh tra đã triển khai trên 37.395 cuộc thanh tra hành chính và trên 783.262 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành phát hiện sai phạm gần 180 nghìn tỷ đồng, 303.068 ha đất; kiến nghị thu hồi 119.383 tỷ đồng và 19.229 ha đất; kiến nghị xử lý khác 59.846 tỷ đồng và 284.380 ha đất; ban hành 945.961 quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền 29.302 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 22.539 cá nhân; 6.460 tập thể, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 297 vụ việc, 355 người.

Công tác thanh tra kinh tế - xã hội được chỉ đạo tập trung, có trọng tâm, trọng điểm và có sự phối hợp giữa các ngành tương đối nhịp nhàng và hiệu quả. Các cuộc thanh tra đã được tiến hành ở các lĩnh vực nóng, được dư luận xã hội quan tâm như: Tài chính, ngân hàng, đất đai, khoáng sản, giáo dục, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên...

Ngành Thanh tra đã phát hiện và kiến nghị sửa đổi được nhiều vi phạm, ngăn ngừa tiêu cực, góp phần thúc đẩy, chấn chỉnh sự phát triển của xã hội.

Hoạt động thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực. Việc triển khai công tác đã cơ bản theo đúng kế hoạch được phê duyệt với số lượng nhiều hơn, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng định hướng. Qua thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, trong ban hành chính sách, pháp luật. Các kết luận của Thanh tra Chính phủ đều được Thủ tướng Chính phủ nhất trí. Kết quả thanh tra đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ trong việc phòng, ngừa vi phạm. Việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra được quan tâm thúc đẩy và đạt được một số kết quả tiến bộ.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành được tăng cường, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà dư luận đang quan tâm. Kết quả hoạt động thanh tra chuyên ngành tăng cao trên nhiều lĩnh vực.

Thanh tra Chính phủ đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, trong đó, đã quan tâm làm việc với các bộ, ngành, địa phương; ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ trong công tác thanh tra.

Có thể nói, hoạt động thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực trong 5 năm qua cho thấy ngành Thanh tra đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng; tạo được sự chuyển biến tích cực, toàn diện.

Tự hào về kết quả giải quyết KN, TC

Giai đoạn 2010 - 2015, hoạt động của ngành Thanh tra diễn ra trong bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều diễn biến tích cực, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn và trở ngại. Ngành Thanh tra tiếp tục được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm, chỉ đạo sát sao. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, ngành Thanh tra đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt công tác.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo sát sao công tác tiếp dân và xử lý đơn thư, tăng cường tổng kết thực tiễn, hướng dẫn, kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cấp để tổ chức thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc ổn định an ninh chính trị, trật tự - xã hội.

Nhằm chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KN, TC, Thanh tra Chính phủ đã giúp Chính phủ tháo gỡ về cơ chế, thể chế liên quan: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân; xây dựng Luật KN, Luật TC và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường cường công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN, TC phục vụ Đại hội Đảng các cấp; Thông tư hướng dẫn qui trình giải quyết TC; Thông tư hướng dẫn xử lý đơn thư KN, TC; phối hợp với nhiều cơ quan, báo, đài và các địa phương tổ chức và hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN, TC tập trung ở cấp cơ sở, phường, xã, thị trấn.

Nhìn lại chặng đường hơn 5 năm qua, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN, TC của Thanh tra Chính phủ nói riêng, của ngành Thanh tra nói chung, đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Hoạt động đó được tiến hành một cách bài bản, theo đúng qui trình được luật pháp, nghị định, thông tư, chỉ thị của Nhà nước và các cơ quan hữu quan, trong đó có Thanh tra Chính phủ, qui định mà trước đó chưa có hoặc chưa hoàn chỉnh. Qui trình được tiến hành một cách khoa học, chi tiết, cụ thể từ nội dung đến hình thức, từ cấp cơ sở đến các bộ, ngành và cơ quan Trung ương, có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành. Hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư đã trở thành diễn đàn đối thoại công khai, dân chủ, thấu tình, đạt lý giữa người dân KN và các cơ quan chức năng; góp phần quan trọng vào sự ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong các thời điểm diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước, hoặc diễn ra các hội nghị quốc tế quan trọng.

Công tác giải quyết KN, TC đã có sự bứt phá đáng được ghi nhận, nhất là trong việc giải quyết các vụ việc KN, TC tồn đọng, phức tạp kéo dài nhiều năm.

Tích cực trong phòng, chống tham nhũng

Trong giai đoạn 2010 - 2015, công tác PCTN được đẩy mạnh, tăng cường và có những chuyển biến tích cực.

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, 5 năm qua, ngành Thanh tra đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, xác minh làm rõ; số vụ chuyển sang năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010, ngành Thanh tra phát hiện 133 vụ, 193 người có hành vi liên quan đến tham nhũng 633,7 tỷ đồng. Năm 2011, ngành Thanh tra phát hiện 150 vụ, 320 người có hành vi liên quan đến tham nhũng 267,4 tỷ đồng, 9,4 ha đất. Năm 2012, là 89 vụ, 107 người với số tài sản 104,59 tỷ đồng…

Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cũng tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý trong lĩnh vực này: Đề cao quyền làm chủ của nhân dân trong cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát, phát hiện và TC những vụ việc tiêu cực, các hành vi tham nhũng, lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Đảng, Nhà nước thật sự có chất lượng cao; tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN…

PGS.TS Đinh Quang Hải
Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam

(Tựa bài và các tít phụ do Báo Thanh tra đặt)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm