Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

66 công chức thanh tra “quản” 3.000km đường sắt

Thứ tư, 16/08/2017 - 11:00

(Thanh tra) - Thanh tra chuyên ngành (TTCN) đường sắt chỉ có 66 công chức thanh tra quản lý trên 3.000 km đường sắt là trở ngại lớn.

Cần có thêm những cơ chế, chính sách để Thanh tra Đường sắt hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: O.H

Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Thanh tra ngành Đường sắt.

Theo thống kê của Cục ĐSVN, tính từ 1/7/2011 đến nay, Cục này đã triển khai 33 cuộc thanh tra theo đoàn và phân công công chức thanh tra tiến hành 90 cuộc thanh tra độc lập. Hoạt động thanh tra chủ yếu tập trung vào 5 lĩnh vực: Kết cấu hạ tầng đường sắt; đầu máy; toa xe; vận tải và thông tin tín hiệu đường sắt.

Kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý, bảo trì và tổ chức chạy tàu. Đồng thời, tất cả số cuộc thanh tra do Cục ĐSVN đều thực hiện đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch thanh tra.

Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, theo Cục ĐSVN, lực lượng làm công tác thanh tra đường sắt đã và đang gặp phải không ít khó khăn như không quy định biên chế tối thiểu cho lực lượng TTCN. Hiện, bộ phận tham mưu về công tác TTCN đường sắt gồm: 4 phòng và 10 Đội Thanh tra - an toàn, với 66 công chức làm nhiệm vụ thanh tra. Tuy nhiên, địa bàn được giao quản lý rộng với trên 3.000 km đường sắt trải dài từ Bắc vào Nam, một số Đội Thanh tra - an toàn chỉ có từ 2-3 công chức thanh tra dẫn tới nhiều khó khăn trong hoạt động...

Theo hướng dẫn thanh tra thường xuyên, Điều 37 Luật Thanh tra 2010 quy định hình thức thanh tra thường xuyên của cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN. Tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục triển khai hoạt động thanh tra thường xuyên, nên đến nay hoạt động này chưa được triển khai thực hiện.

Một trở ngại nữa mà lực lượng Thanh tra Đường sắt gặp phải đó là việc thành lập bộ phận tham mưu ở cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN chưa có sự thống nhất. Trong khi đường sắt cũng đặc thù tương tự như Hàng không và Hàng hải đòi hỏi phải có một số cơ quan đáp ứng các điều kiện quốc tế mà Việt Nam tham gia vẫn duy trì tổ chức thanh tra độc lập...

Cục ĐSVN kiến nghị Chính phủ cần có quy định về bộ phận tham mưu về công tác TTCN Giao thông vận tải trong đó có đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa được tổ chức như thanh tra Cục Hàng không, Cục Hàng hải theo mô hình tổ chức là cơ quan thanh tra độc lập trực thuộc Cục Quản lý chuyên ngành. Vì trong tương lai, hoạt động đường sắt không chỉ trong nước mà còn kết nối quốc tế, khi đó cần có tổ chức TTCN đường sắt để phù hợp khi hội nhập quốc tế như: Tổ chức Hợp tác đường sắt quốc tế OSJD, Hiệp hội Đường sắt tiểu vùng Mê Công GMRA mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, quy định, hướng dẫn chi tiết việc sử dụng con dấu của đoàn thanh tra; hướng dẫn trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thường xuyên của các cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN và cụ thể hóa chế độ, chính sách với công chức được giao thực hiện TTCN giống như chế độ, chính sách áp dụng với thanh tra viên. 

Thêm nữa, cần sửa đổi, bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho các chức danh thuộc bộ phận tham mưu về công tác TTCN tại các cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN.

Đại diện Cục ĐSVN cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung thêm nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp trụ sở của Cục ĐSVN, mua sắm trang thiết bị chuyên dùng, cân tải trọng phương tiện để phục vụ cho công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường sắt.

Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm