Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCTN trong ngành Thanh tra

Thái Hải

Thứ ba, 29/12/2020 - 22:11

(Thanh tra) - Đó là một trong những đề xuất của ThS. Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (PCTN), chủ nhiệm đề tài khoa học “PCTN, tiêu cực trong hoạt động thanh tra” được tổ chức hội nghị nghiệm thu vào chiều ngày 29/12.

Chủ nhiệm đề tài trình bày nội dung. Ảnh: TH

Theo ThS. Ngô Mạnh Hùng, PCTN, lãng phí luôn được Đảng và Nhà nước ta khẳng định là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng PCTN. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác PCTN nói chung.

Hoạt động thanh tra là chức năng thiết yếu của quản lý Nhà nước, có mục đích chủ yếu là phát hiện sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật và phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Hoạt động thanh tra là hoạt động công vụ, sử dụng quyền lực nhà nước. Có quyền lực thì có nguy cơ lạm dụng quyền lực vì vụ lợi. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực và trên thực tế đã xuất hiện những hình thức tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu “xây dựng ngành Thanh tra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế”. Chính vì vậy, việc PCTN tiêu cực trong hoạt động thanh tra trở thành yêu cầu hiện hữu, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Theo chủ nhiệm đề tài, trên phương diện pháp lý, việc PCTN tiêu cực trong hoạt động thanh tra hiện nay chủ yếu dựa trên các quy định chung của pháp luật về PCTN và một số văn bản quy định riêng cho ngành thanh tra. Các quy định này bước đầu đã tạo ra cơ sở pháp lý để PCTN tiêu cực trong hoạt động thanh tra. “Tuy nhiên, các quy định này còn có những hạn chế nhất định liên quan đến công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát xung đột lợi ích và quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động thanh tra; quy định về quy tắc ứng xử trong hoạt động thanh tra còn chung chung, chưa đi vào những tình huống cụ thể dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực…”, ông Ngô Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ của đề tài sẽ nghiên cứu, làm rõ nội hàm “hoạt động thanh tra”; tính chất, đặc điểm, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra; nhận diện các nguy cơ, biểu hiện của hành vi tham nhũng, hành vi tiêu cực trong hoạt động thanh tra; các yếu tố ảnh hưởng đến công tác PCTN tiêu cực trong hoạt động thanh tra; đánh giá thực trạng quy định của pháp luật và thực tiễn công tác PCTN tiêu cực trong hoạt động thanh tra; khái quát thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra; chỉ ra những ưu điểm, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong công tác PCTN tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, kiến nghị và danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương I, những vấn đề lý luận về PCTN tiêu cực trong hoạt động thanh tra; Chương II, thực trạng PCTN trong hoạt động thanh tra; Chương 3, quan điểm, giải pháp PCTN tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Toàn cảnh hội nghị nghiệm thu. Ảnh: TH

Theo kết quả nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài, thực trạng tham nhũng cho thấy từ năm 2013 đến 30/6/2020, trong cơ quan thanh tra Nhà nước đã xảy ra 70 vụ việc tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 2 vụ việc xảy ra tại thanh tra cấp bộ, 16 vụ việc xảy ra tại thanh tra cấp tỉnh; 42 vụ việc tại thanh tra cấp huyện và 9 vụ tại thanh tra sở. Số cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực là 105 người. Thiệt hại do các vụ việc tham nhũng, tiêu cực gây ra tổng cộng là 17,9 tỷ đồng cơ bản được khắc phục.

“Từ kết quả phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan thanh tra Nhà nước và những vụ việc điển hình gần đây cho thấy, đặc trưng của các vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động công vụ của các cơ quan thanh tra Nhà nước là cán bộ thanh tra nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong những vụ việc cụ thể hoặc có những hành vi chủ động dọa nạt, vòi vĩnh, đòi hối lộ để bỏ qua vi phạm, thậm chí một số vụ việc đã có hành vi nhận hối lộ thường kỳ để bảo kê cho hoạt động vi phạm”, ông Hùng nhấn mạnh.

Một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong thời gian gần đây là những vụ việc có tổ chức, có sự bàn bạc, thống nhất, phân công trách nhiệm giữa các cán bộ thanh tra để cùng thực hiện hành vi vi phạm. Đặc điểm này cũng xuất phát từ hoạt động thanh tra do đoàn thanh tra tiến hành. Cá biệt, có vụ việc người đứng đầu cơ quan thanh tra đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cản trở hoạt động thanh tra nhằm bao che cho vi phạm.

Đề tài cũng đã đề xuât hệ thống các nhóm giải pháp và một số kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra thời gian tới.

Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan thanh tra Nhà nước các cấp, các ngành trong thực các biện pháp PCTN trong hoạt động thanh tra, xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCTN trong ngành Thanh tra, đặc biệt là các quy định phòng ngừa, tổ chức tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm; tăng cường tổ chức tập huấn, truyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định về PCTN, tiêu cực trong hoạt động thanh tra cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thanh tẩm thủ trưởng các đơn vị trong cơ quan thanh tra và toàn thể công chức ngành Thanh tra.

Tổ chức các khóa tập huấn chuyên biệt về đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra đối với toàn thể công chức ngành Thanh tra.

Tổ chức thực hiện tốt một số công việc để đảm bảo tính khách quan của việc phân công và thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa các tình huống xung đột lợi ích; tiến hành rà soát tổng thể phát hiện các nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, mở rộng phạm vi rà soát, không chỉ một một cuộc thanh tra mà trong cả quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra và quá trình xử lý sau thanh tra.

Đổi mới việc tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra trong nội bộ các cơ quan thanh tra nhà nước theo hướng có đơn vị chuyên trách hoặc giao chức năng thanh tra, kiểm tra nội bộ cho đơn vị có chức năng giám sát hoặc PCTN để chủ động, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong nội bộ…

Với những kết quả đạt được, hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm