Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước - Lý luận và thực tiễn

Thải Hải

Thứ ba, 23/11/2021 - 22:36

(Thanh tra) - Là đề tài khoa học cấp bộ của ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) làm Chủ nhiệm vừa được Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức phê duyệt.

Toàn cảnh họp phê duyệt thuyết minh đề tài khoa học của ThS. Phạm Thị Thu Hiền. Ảnh: TH

Theo ThS. Phạm Thu Hiền, quy định của Luật Thanh tra hiện nay chưa được phân định một cách rành mạch về nhiệm vụ, quyền hạn giữa Thanh tra Chính phủ (TTCP), thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở, dẫn tới chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan này; tổ chức và hoạt động thanh tra của thanh tra bộ, ngành cũng chưa phù hợp với đặc điểm của từng bộ, ngành, chưa phân định rõ giữa thẩm quyền thanh tra theo lĩnh vực quản lý; một số biện pháp xử lý chồng chéo trong hoạt động do việc phân định thẩm quyền chưa rõ ràng giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước được tiến hành nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế; việc phân định thẩm quyền chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng bỏ trống hoặc thiếu quan tâm đến những nội dung thanh tra quan trọng.

Xuất phát từ yêu cầu trên, mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm làm sáng tỏ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý và thực tiễn để đề xuất một số giải pháp, kiến nghị phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra trong thời gian tới.

Ban Chủ nhiệm đề tài dự kiến xây dựng các nội dung nghiên cứu gồm: Cơ sở lý luận về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước; Thực trạng phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước; Quan điểm, giải pháp phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, TS. Trần Đăng Vinh cho rằng, tính cấp thiết của thuyết minh đã làm rõ được về thực trạng việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước hiện nay. Đây là vấn đề cấp thiết phục vụ thiết thực cho tổ chức và hoạt động của TTCP nói riêng và ngành Thanh tra nói chung.

Về phương pháp nghiên cứu, ngoài các phương pháp truyền thống, thuyết minh cần bổ sung phương pháp điều tra xã hội học (lấy ý kiến đối với đối tượng thanh tra để có sự phản biện chính xác đối với một số lĩnh vực thanh tra chuyên ngành: Tài chính, đất đai, đầu tư xây dựng…).

Về triển vọng áp dụng của đề tài, cần bổ sung và nhấn mạnh việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước là một trong những cơ sở làm căn cứ phục vụ việc hoàn thiện chính sách pháp luật về thanh tra (Luật Thanh tra, luật chuyên ngành, các nghị định quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra) nhằm hạn chế sự chồng chéo, bỏ lọt trong hoạt động thanh tra.

Về nguồn lực nghiên cứu, bổ sung huy động lực lượng nghiên cứu từ thanh tra các ngành khác: Tài chính, đầu tư, xây dựng, môi trường… nhằm đảm bảo tính thực tiễn và khách quan của kết quả nghiên cứu.

Đồng ý kiến, ThS. Hoàng Hưng, Vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra nhất trí cao với các ý kiến của ông Trần Đăng Vinh đưa ra. Ngoài ra, để hoàn thiện nội dung thuyết minh, ông Hưng cho rằng, thuyết minh cần bổ sung một số chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước. Đối với triển vọng áp dụng nghiên cứu của đề tài, cần bổ sung nội dung về hoàn thiện pháp luật về thanh tra (sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010).

TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Hành chính, Tổng hợp, Viện CL&KHTT cho rằng, mục tiêu nghiên cứu chung của đề tài cần xác định rõ hơn, tập trung vào việc đề xuất một số giải pháp, kiến nghị để thực hiện phân định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra Nhà nước.

Về đối tượng nghiên cứu, TS. Huệ cho rằng, cần phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước. Tính cấp thiết, bổ sung đánh giá khái quát đối với hai nội dung: Trùng lặp và bỏ sót.

Về các nội dung nghiên cứu: Phần lý luận, Ban Chủ nhiệm đề tài xem xét loại bỏ phần nội dung nghiên cứu của quốc tế và một số cơ quan Nhà nước ở Việt Nam. Nội dung 2, hướng tới mục tiêu phân tích, đánh giá quy định của pháp luật và việc thực hiện pháp luật về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước. Ngoài ra, cần bổ sung đánh giá những tác động của việc phân định thẩm quyền này đối với hiệu quả hoạt động thanh tra và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra Nhà nước.

TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, mục tiêu nghiên cứu của đề tài cần hướng vào ba nội dung chính: Hoàn thiện pháp luật thanh tra về việc phân định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra Nhà nước; đề xuất mô hình tổ chức của cơ quan thanh tra Nhà nước; đề xuất về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan thanh tra Nhà nước.

Tổng hợp ý kiến, TS. Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng TTCP, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, tuyển chọn đề tài cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần có một công trình nghiên cứu cơ bản về việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước.

Ông Thanh đồng ý với ý kiến của các thành viên Hội đồng về góp ý về mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu. Bổ sung thành phần nghiên cứu từ thanh tra bộ, ngành khác ở các lĩnh vực: Đất đai, tài chính, xây dựng, môi trường… là cần thiết nhằm tăng tính thực tiễn của đề tài. Phần lý luận, cần bổ sung một số văn bản của Đảng, Nhà nước và tinh thần mới nhất về tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra. Bỏ nội dung nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra.

Về tên đề tài, với mục tiêu chính nhằm xác định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước, do vậy Hội đồng kiến nghị đổi tên đề tài thành: “Việc xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước - Lý luận và thực tiễn”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm