Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trường hợp nào không được bồi thường về đất?

Thứ sáu, 27/05/2016 - 09:25

(Thanh tra)- Năm 1992, UBND huyện T cấp giấy cho phép 9 hộ gia đình ở xã K được sử dụng 1.600m2 đất tại khu vực ven đầm H để làm nhà ở. Họ đã xây tường bao quanh khu vực, làm một số nhà cấp 4.

Cuối năm 1996, ông Nguyễn Văn A đến chiếm nhà, phá tường, đóng cọc tre xung quanh khu vực này để chiếm đất. Các hộ dân đã gửi đơn đề nghị chính quyền can thiệp.

Ngày 8/11/1996, UBND xã ra thông báo yêu cầu ông Nguyễn Văn A “phải tự dỡ bỏ các cọc tre và hàng rào che chắn, trả lại mặt bằng hiện trạng cho khu vực xong trước ngày 11/11/1996”.

Do chính quyền thiếu kiên quyết, sự việc không được xử lý đến nơi đến chốn, nên đến nay, theo UBND huyện, trên thửa đất của 2 gia đình (hộ ông Đ và hộ bà H), ông A đã xây dựng nhà 36,52m2 và tường rào, tự san lấp, sử dụng sau ngày 22/4/2009.

Nhà nước đã bồi thường toàn bộ phần tài sản trên đất cho gia đình ông A theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, phía gia đình ông A không đồng ý, yêu cầu được bồi thường về đất đối với 36,52m2 nhà ở sử dụng sau ngày 22/4/2009 (nằm trên thửa đất của 2 gia đình ông Đ và bà H đã được UBND huyện cấp giấy cho phép sử dụng đất làm nhà ở từ năm 1992).

Gia đình ông A đòi bồi thường về đất có đúng quy định của pháp luật không? Hiện nay, 2 hộ ông Đ và bà H bị một số cơ quan có thẩm quyền “gây khó” trong việc nhận tiền bồi thường; lý do là “đất đang có tranh chấp” với hộ ông A.

Việc làm ấy có đúng không?

Ý kiến của chúng tôi

Năm 1996, ông Nguyễn Văn A bắt đầu sử dụng đất ven đầm H nên theo luật, thuộc trường hợp “đất sử dụng từ ngày 15/10/1993 trở về sau mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất”.

Theo quy định tại mục a khoản 1 Điều 45 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP: “Trường hợp đất đang sử dụng là đất có nhà ở và không thuộc một trong các trường hợp sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này thì người đang sử dụng đất được bồi thường về đất…”. Tuy nhiên, hành vi của ông A “lấn, chiếm đất” lại thuộc một trong các trường hợp sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 84/2007/NĐ-CP, nên không được bồi thường đất: Lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức, đất chưa sử dụng và các trường hợp vi phạm khác “đã có văn bản ngăn chặn nhưng người sử dụng đất vẫn cố tình vi phạm” (mục đ, khoản 4). Cụ thể, “văn bản ngăn chặn” là Thông báo ngày 8/11/1996 của UBND xã yêu cầu ông Nguyễn Văn A “phải tự dỡ bỏ các cọc tre và hàng rào che chắn, trả lại mặt bằng hiện trạng cho khu vực xong trước ngày 11/11/1996”, nhưng người sử dụng đất vẫn “cố tình vi phạm”, và đáng tiếc hành vi “cố tình vi phạm” tiếp diễn cho đến ngày đất bị thu hồi vào thời điểm Luật Đất đai 2003 có hiệu lực.

Theo UBND huyện: “Ông A đã xây dựng nhà 36,52m2 và tường rào, tự san lấp, sử dụng sau ngày 22/4/2009” trên thửa đất của 2 hộ ông Đ và bà H (năm 1992, hai hộ này đã được UBND huyện cấp giấy cho phép sử dụng đất làm nhà ở). Như vậy ông A đã có hành vi lấn, chiếm đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người khác, mà thời điểm lấn, chiếm là sau ngày 1/7/2004.

Cần lưu ý, đối với hành vi lấn, chiếm đất kể từ ngày 1/7/2004 trở về sau, pháp luật quy định xử lý rất nghiêm. Tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, Chính phủ quy định: “Nhà nước không công nhận quyền sử dụng đất, không cấp giấy chứng nhận và thu hồi toàn bộ diện tích đất do lấn, chiếm và đất được giao, được cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 1/7/2004 trở về sau”.

Một khi Nhà nước “không công nhận quyền sử dụng đất” thì đương nhiên không thể có cơ sở để hộ ông A được “bồi thường về đất”, đồng thời cũng không có cơ sở để nói rằng hộ ông A “tranh chấp” với các hộ đã được UBND cấp huyện cấp giấy cho phép sử dụng đất để làm nhà ở thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường về đất.

Luật gia, nhà báo Nguyễn Chấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm