Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trốn đóng bảo hiểm xã hội trước 0h ngày 1/1/2018 thì xử thế nào?

Chủ nhật, 25/08/2019 - 08:54

(Thanh tr) – Theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 thì không xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự mà tùy từng trường hợp xử lý.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Trường hợp chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính. 

Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 

Trường hợp gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. 

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nêu rõ, không coi việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự. 

Cơ quan BHXH tham gia với tư cách bị hại trong vụ án trốn đóng BHXH

Cũng theo Nghị quyết này, trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 214 của Bộ luật Hình sự, tội gian lận bảo hiểm y tế theo Điều 215 của Bộ luật Hình sự; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. 

Quy định của Bộ Luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Nghị quyết 05 cũng xác định, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Nghị quyết này còn quy định rõ một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự như: Lập hồ sơ giả, lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn thuốc khống, kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh; giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, bị sửa chữa, trốn đóng bảo hiểm xã hội, gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Đồng thời, hướng dẫn rmột số tình tiết liên quan khung hình phạt; truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể…

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tại các Điều 214, 215, 216.

“Việc bổ sung này tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự vẫn còn nhiều quy định mang tính định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau nên cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất”, ông Tuệ nói.

Nghị quyết số 05 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2019.

 Khánh Vân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm