Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Thúc” cải cách thủ tục hành chính: Giảm “nguy cơ” tham nhũng

Thứ tư, 08/04/2015 - 07:38

(Thanh tra)- Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, thêm bao nhiêu thủ tục hành chính (TTHC) là thêm bấy nhiêu “nguy cơ nhũng nhiễu, phong bì”. Vì vậy, cắt giảm các TTHC rườm rà không chỉ giảm bớt gánh nặng chi phí về thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp (DN), người dân mà còn để chủ động phòng, chống “quốc nạn” tham nhũng.

Cộng đồng DN và người dân kỳ vọng, việc thúc đẩy mạnh cải cách TTHC trong các lĩnh vực thuế, ngân hàng…. sẽ cắt giảm chi phí về thời gian, tiền bạc và nạn “nhũng nhiễu, vòi vĩnh”. Ảnh: Thảo Nguyên

Rào cản… vẫn lớn

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, người đứng đầu Chính phủ đã “phát pháo lệnh” gấp rút triển khai những nhiệm vụ cải cách thể chế, cải cách hành chính, trong đó TTHC là một khâu đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam đang xếp thứ hạng gần “đội sổ” so với các nước trong khu vực.

Bằng nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác cải cách TTHC đã đạt được những kết quả tích cực. Các bộ, cơ quan đã hoàn thành việc đơn giản hoá thêm 358 TTHC được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề, đưa tổng số thủ tục đã hoàn thành đơn giản hoá lên 4.383 TTHC, đạt tỷ lệ 92,8%. Trong một số lĩnh vực “nhạy cảm” với người dân, DN, như thuế đã giảm số giờ tuân thủ gần được 370 giờ/năm; lĩnh vực hải quan đã bãi bỏ 14 thủ tục và chính thức triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại 12 cảng biển quốc tế….

Theo đánh giá của Chính phủ, điều này đã góp phần thiết thực vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của xã hội, của người dân, DN, tăng cường, củng cố lòng tin của người dân, DN đối với các cơ chế, chính sách, đối với bộ máy công quyền cũng như giúp công tác phòng, chống nhũng nhiễu, tiêu cực ngày càng hiệu quả.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, thủ tục thanh toán tiền thuế, hải quan được cải thiện, người lao động chi trả bảo hiểm xã hội thuận lợi hơn cho thấy Việt Nam đang đi theo một định hướng đúng đắn và Nghị quyết số 19/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành có tính hỗ trợ tốt cho môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, không ít DN vẫn phản ánh “phải cõng” nhiều chi phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thì thừa nhận, số lượng TTHC vẫn quá lớn. Trong lĩnh vực thuế dù đã loại bỏ 53 TTHC, đơn giản hóa 262 thủ tục, song tính đến cuối năm 2014 vẫn còn tới 432 thủ tục.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, việc thực thi TTHC tại một số cơ quan hành chính Nhà nước chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức “nhũng nhiễu”, “vòi vĩnh” khi giải quyết TTHC chưa được cải thiện đáng kể, nhiều trường hợp bị dư luận xã hội, báo chí phản ánh. Việc thẩm định quy định TTHC còn chưa chặt chẽ dẫn đến TTHC trên một số lĩnh vực còn phức tạp, tiếp tục là “rào cản” trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Trong khi đó, tham nhũng trong khu vực công vẫn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân hàng và đầu tư công.

Chờ “khâu” thực hiện

Theo các chuyên gia, để cải cách TTHC, góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả, bên cạnh việc sửa luật, các bộ, ngành, mà trực tiếp là “tư lệnh” ngành trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình phải có hành động cụ thể, việc làm cụ thể, không nói theo kiểu chung chung như “đã tiến lên một bước”, “có cải thiện hơn”, “được đẩy mạnh”, “được tăng cường”…

Quan trọng, phải rà soát để sửa đổi, bãi bỏ theo tinh thần tạo thuận lợi nhất, thông thoáng nhất, dễ dàng nhất cho người dân và DN, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như thuế, hải quan, ngân hàng, tiếp cận đất đai, cấp phép xây dựng, thành lập DN. “Cải cách là vì sự thông thoáng, vì số đông DN làm ăn chân chính, vì nền kinh tế đất nước chứ không chỉ vì 5 - 10% số DN vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại mà siết tất cả lại”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn phát biểu.

Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, cho phép người dân, DN và báo chí giám sát nỗ lực, kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế trong cải cách TTHC. “Nếu DN vẫn phải “bôi trơn” như vậy thì họ cạnh tranh sao nổi. Đó là tham nhũng. Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật đó để điều chỉnh, nếu không thì những nỗ lực cải cách sẽ đụng đến giới hạn và không tiến lên được”, chuyên gia Lê Đăng Doanh lưu ý và đánh giá rất cao quyết tâm cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ được thể hiện trong Nghị quyết 19.

Trong bối cảnh cả Nhà nước, cộng đồng DN và người dân đã rất sẵn sàng, chúng ta kỳ vọng vào sự chỉ đạo cương quyết, cụ thể của Chính phủ đối với các ngành, các lĩnh vực, yêu cầu phải cắt giảm thủ tục, giảm thời gian nộp thuế, thông quan, cấp phép... với những chỉ tiêu định lượng cụ thể“môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ được cải thiện - luật sư Trần Hữu Huỳnh tin tưởng.

Ở đây, phải nhấn mạnh rằng, còn có không ít DN chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật mà kinh doanh chủ yếu dựa trên các mối “quan hệ” để “bảo kê” cho các hoạt động phi pháp của mình. Người dân hoàn toàn ủng hộ, thậm chí đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi nghiêm các chức năng, nhiệm vụ được giao để bảo vệ lợi ích của toàn xã hội, nhưng các hành vi sách nhiễu trong quá trình “thực thi” cũng cần điều tra, xử lý nghiêm minh để răn đe.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm