Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Chính phủ đề xuất đổi tên Cục Phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ năm, 11/05/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa gửi Bộ Tư pháp tờ trình Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTCP, trong đó, đề xuất đổi tên “Cục Phòng, chống tham nhũng” thành “Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” và chuyển đổi “Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra” thành “Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra”.

Trụ sở Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Thái Hải

Giữ nguyên 19 đơn vị, xóa 11 phòng

Trong văn bản gửi tới Bộ Tư pháp, Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm đề xuất số lượng đơn vị thuộc TTCP giữ nguyên 19 đơn vị như hiện nay.

Đồng thời, đề xuất chuyển đổi Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra thành Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra.

Theo giải trình của TTCP, hiện nay, Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra là đơn vị có chức năng giúp Tổng TTCP giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận thanh tra; kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của TTCP và Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, hoạt động của Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra đã tăng cường ý thức trách nhiệm của các thành viên đoàn thanh tra; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các kết luận thanh tra.

Tuy nhiên, do là đơn vị tham mưu, không có tư cách pháp lý độc lập nên hoạt động của Vụ này thiếu tính chủ động, gây khó khăn, hạn chế trong công tác tổ chức, thực hiện nhiệm vụ.

Nhằm tăng cường hiệu quả giám sát đối với hoạt động thanh tra, nâng cao hiệu quả thẩm định kết quả thanh tra, xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản vi phạm phát hiện được, TTCP đề xuất chuyển đổi Vụ này thành Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra

Bên cạnh đó, TTCP đề xuất đổi tên Cục Phòng, chống tham nhũng thành Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để thống nhất với quy định tại Luật Thanh tra năm 2022.

Nếu các đề xuất trên được chấp thuận, 19 đơn vị thuộc TTCP sẽ bao gồm: Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; Văn phòng; Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I); Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II); Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 (Cục III); Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV); Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra; Ban Tiếp công dân Trung ương; Báo Thanh tra; Tạp chí Thanh tra; Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra; Trường Cán bộ thanh tra; Trung tâm Thông tin.

TTCP khẳng định sẽ không tổ chức cấp phòng trong các vụ: Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Kế hoạch - Tổng hợp để đảm bảo thống nhất với các quy định của Nghị định 101/2020 của Chính phủ.

"Sau khi sắp xếp lại, TTCP sẽ xóa bỏ 11 phòng trong các Vụ hiện nay", tờ trình nêu rõ.

TTCP cho ý kiến về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, luân chuyển các Chánh Thanh tra

Dự thảo nghị định cho thấy, TTCP có thẩm quyền tổ chức thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo thẩm quyền; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của thanh tra bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra tỉnh và quyết định xử lý sau thanh tra của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh khi cần thiết.

TTCP cũng có thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của thanh tra bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ hoặc thanh tra tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thanh tra đối với vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh không thực hiện thì ra quyết định thanh tra hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực; thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc việc xử lý người có hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng và Chính phủ.

Ngoài ra, TTCP cũng có thẩm quyền kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý đối với cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Thủ tướng, của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Khi phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.

Xem xét việc giải quyết tố cáo mà bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết…

Cùng với đó, TTCP có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thanh tra; thực hiện việc quản lý, bổ nhiệm các ngạch công chức thanh tra theo quy định của pháp luật; cấp thẻ thanh tra viên cho công chức được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Cho ý kiến về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái chánh thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ và chánh thanh tra tỉnh...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm