Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Chính phủ cần tăng cường vai trò quản lý về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết tại cơ sở

Thái Hải

Thứ sáu, 22/12/2023 - 22:01

(Thanh tra)- Để nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động thanh tra, tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) ở cấp huyện, Thanh tra Chính phủ cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với công tác thanh tra, TCD, giải quyết KNTC tại cơ sở.

TS Phạm Thị Huệ trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ “Tổ chức hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp huyện" tại hội nghị nghiệm thu ngày 22/12, TS Phạm Thị Huệ cho biết, hoạt động thanh tra, tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) cấp huyện còn nhiều hạn chế.

Thực tế cho thấy các cơ quan thanh tra nói chung và thanh tra cấp huyện nói riêng gần như chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo hoàn toàn vào cơ quan quản lý cùng cấp trong tổ chức và hoạt động; sự chỉ đạo của cơ quan thanh tra nhà nước cấp tỉnh đối với cấp huyện còn hình thức và không bao quát được tổ chức và hoạt động của ngành. Sự gắn kết giữa cơ quan thanh tra cấp tỉnh, của chánh thanh tra tỉnh với cơ quan thanh tra cấp huyện chủ yếu thông qua việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm, qua sơ kết, tổng kết và hướng dẫn về nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức thi nâng ngạch...

Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhìn chung chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao.Việc quan tâm chỉ đạo trong công tác tiếp công dân từ phía lãnh đạo còn hạn chế.

Sự phối hợp giữa các cơ quan trong TCD, giải quyết KNTC còn hạn chế; việc thành lập Ban tiếp công dân tại các tỉnh, huyện chưa hiệu quả; chưa kiểm tra, thanh tra thường xuyên hoạt động TCD tại các địa phương.

Việc tiếp dân định kỳ tại một số địa phương còn chưa đảm bảo đúng quy định của luật. Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc TCD, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết KNTC, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp.

Ở một số huyện, ngay cả Ban TCD cũng chưa duy trì được việc TCD thường tại Trụ sở TCD (mặc dù có phân công làm công tác TCD)...

Thời hạn giải quyết đơn khiếu nại của một số vụ việc ở cấp huyện nhất là những địa phương phát sinh nhiều đơn thư chưa đảm bảo thời gian; thực hiện quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết KNTC chưa đảm bảo. Phần lớn các vụ việc vi phạm quy định về thời hạn giải quyết. Hồ sơ giải quyết KNTC không được sắp xếp, đánh số trang theo quy định.

Việc thực hiện các quyết đinh, kết luận sau giải quyết KNTC còn khá nhiều hạn chế như thiếu sát sao trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện hiện kết luận, quyết định giải quyết KNTC. Nhiều vụ việc, mặc dù công dân liên tục gửi đơn. Công tác tuyên truyền, vận động trong quá trình giải quyết KNTC có nơi, có địa phương chưa coi trọng nhiều, giải quyết chưa triệt để, chưa hết trách nhiệm.

Toàn cảnh hội nghị nghiệm thu. Ảnh: TH

Chủ nhiệm đề tài cũng đã đưa ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế như: nhận thức về tầm quan trọng của công tác thanh tra, TCD, giải quyết KNTC chưa tương xứng với vai trò của công tác này trong hiệu quả quản lý Nhà nước tại địa phương dẫn đến việc thiếu quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong giao biên chế, bố trí các nguồn lực đảo đảm hiệu quả hoạt động cho cơ quan thanh tra. Quá trình tổ chức thi hành pháp luật về thanh tra, TCD, giải quyết KNTC chưa có nhiều giải pháp thực sự hiệu quả…

Ý thức trách nhiệm của một địa phương chưa đúng mức, chưa thực sự coi công tác TCD là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết KNTC, góp phần ổn định chính trị, xã hội.

Cơ chế giải quyết KNTC hiện nay là cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, cơ chế vẫn còn mang tính khép kín, phụ thuộc vào người đứng đầu, thiếu tính chuyên nghiệp…

Để khắc phục những hạn chế trên, chủ nhiệm đề tài đã đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật về tổ chức hoạt động thanh tra, TCD, giải quyết KNTC ở cấp huyện, trong đó nhấn mạnh việc kiên trì thực hiện mục tiêu Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra giai đoạn 2023-2030; tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động thanh tra, TCD, giải quyết KNTC ở cấp huyện.

Quy định mô hình thống nhất cơ quan TCD từ Trung ương đến địa phương. Quy định cụ thể mối quan hệ giữa Ban TCD các cấp trong việc hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng báo cáo, nắm bắt thông tin, đôn đốc, kiểm tra...

Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức ngành thanh tra và ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức và cá nhân; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về TCD, giải quyết KNTC.

Đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương, cần tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm dân cư, phân chia đơn vị hành chính - lãnh thổ và đặc thù quản lý hành chính nhà nước giữa nông thôn và thành phố mà Đảng ta đã đề ra nhiều năm nay để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương. Tăng cường công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động của chính quyền địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trong đó có cấp huyện….

Phát huy vai trò quản lý của cơ quan thanh tra tỉnh nói chung và chánh thanh tra cấp tỉnh nói riêng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động thanh tra tại địa phương nói chung và của cấp huyện nói chung.

Mặt khác, Thanh tra Chính phủ cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với công tác thanh tra, TCD, giải quyết KNTC tại cơ sở bằng việc tích cực triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về TT, TCD, giải quyết KNTC ở địa phương trong đó cấp huyện. Trước mắt là thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra trong xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra theo quy định mới của Luật Thanh tra 2022.

Nhận xét tại hội nghị, các thành viên Hội đồng cho rằng, đề tài có tính mới, tập trung vào tổ chức hoạt động thanh tra, TCD, giải quyết KNTC ở cấp huyện, là một trong số ít đề tài nghiên cứu về vấn đề này; đề tài đã có những khảo sát, đánh giá số liệu minh chứng cụ thể đối với thanh tra cấp huyện; việc nghiên cứu tổ chức thanh tra huyện rất cần thiết nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước của cơ quan thanh tra. Kết quả nghiên cứu của đề tài đạt được mục tiêu đề ra.

Đề tài cần bổ sung đánh giá quy định pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật tổ chức hoạt động thanh tra, TCD, giải quyết KNTC ở cấp huyện; đề tài cân nhắc giải pháp xây dựng Nghị định về hướng dẫn xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra; bổ sung kiểm tra công tác thi hành pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền về các lĩnh vực hoạt động của ngành.

Hội đồng đề nghị chủ nhiệm đề tài rà soát lại một số kiến nghị trong đề tài để đảm bảo tính logic, kiến nghị phải xuất phát từ tồn tại, hạn chế, gắn với giải pháp đề ra và mang tính khả thi.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Minh Huyền

22:30 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm