Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài

Thái Hải

Thứ tư, 22/11/2023 - 11:11

(Thanh tra) - Là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý đơn thư vượt cấp, chuyển tiếp, kéo dài được bà Trần Lan Hương, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) đưa ra tại hội thảo hoàn thiện nội dung đề tài khoa học cấp cơ sở “Xử lý đơn thư vượt cấp, chuyển tiếp, kéo dài” diễn ra ngày 22/11.

Bà Trần Lan Hương trình bày nội dung nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo bà Trần Lan Hương, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xử lý đơn thư vượt cấp, chuyển tiếp, kéo dài của cơ quan hành chính Nhà nước tại Ban Tiếp công dân Trung ương hiện nay.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu, đề tài gồm 3 chương, cụ thể: Chương1: Một số vấn đề chung về xử lý đơn thư vượt cấp, chuyển tiếp, kéo dài của cơ quan hành chính Nhà nước tại Ban Tiếp công dân Trung ương; Chương 2: Thực trạng xử lý đơn thư vượt cấp, chuyển tiếp, kéo dài của cơ quan hành chính Nhà nước tại Ban Tiếp công dân Trung ương; Chương 3: Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xử lý đơn thư vượt cấp, chuyển tiếp, kéo dài của cơ quan hành chính Nhà nước tại Ban Tiếp công dân Trung ương.

Trong những năm qua, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ rất quan tâm tới công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Đây chính là một trong những thuận lợi giúp cho công tác tiếp dân, xử lý đơn thư tại Ban Tiếp công dân Trung ương ngày càng hoàn thiện và đạt được một số kết quả nhất định. Qua đó khẳng định vai trò của Ban Tiếp công dân Trung ương trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh trong phạm vi cả nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương, hầu hết các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài mà người dân tiếp khiếu tại Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương tồn tại từ nhiều năm, qua nhiều cấp giải quyết, trong đó nhiều vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương, có quyết định giải quyết cuối cùng hoặc đã được giải quyết hết thẩm quyền nên khi rà soát, đề xuất phương án giải quyết còn lúng túng, sợ trách nhiệm, sợ dắt dây…

Nhiều trường hợp người KNTC thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc ý thức chấp hành không nghiêm, thậm chí cố chấp được thua, cố tình đeo bám cơ quan Nhà nước để khiếu kiện mặc dù đã được các cấp, các ngành giải quyết đúng pháp luật, đảm bảo có lý, có tình…

Theo chủ nhiệm đề tài, xử lý tốt đơn thư vượt cấp, chuyển tiếp, kéo dài trong chu trình giải quyết KNTC, phản ánh, kiến nghị góp phần ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, nhằm kiểm soát tốt đơn thư vượt cấp, chuyển tiếp, kéo dài có trạng thái phức tạp hơn so với đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh thông thường và nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác lãnh đạo, quản lý của cơ quan Nhà nước.

Trên cơ sở đó, chủ nhiệm đề tài đã đưa ra giải pháp cho việc xử lý đơn thư vượt cấp, chuyển tiếp, kéo dài. Trong đó, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết KNTC, nhất là tại cấp cơ sở. Tăng cường hoạt động giám sát các vụ việc khiếu KNTC tồn đọng, bức xúc, kéo dài, những vụ việc được xem xét, giải quyết lại.

Đặc biệt, các cơ quan thanh tra cần tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác giải quyết KNTC; ban hành kế hoạch rà soát nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc KN tồn đọng, phức tạp, kéo dài; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về pháp luật KN và chính sách, pháp luật về các lĩnh vực thường phát sinh KN; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Góp ý vào đề tài, các đại biểu cho rằng, đề tài cấu trúc đề tài phù hợp, hợp lý, nội dung đầy đủ, đa dạng, thực trạng đã cập nhật được số liệu gần đây nhất.

Theo TS Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT, chủ nhiệm đề tài cần trình bày gọn lại phần mục lục; việc xử lý đơn thư vượt cấp, chuyển tiếp, kéo dài còn phụ thuộc vào hiệu quả việc xử lý đơn thư ở cấp cơ sở. Do vậy, cần đưa nội dung này vào nội dung nghiên cứu.

TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, chủ nhiệm đề tài cần thể hiện rõ các vấn đề về nội dung, thẩm quyền, điều kiện xử lý đơn. Tên Chương I xóa chữ “một số vấn đề chung”; bổ sung thêm phần đánh giá thực trạng. Phần số liệu phải chắt lọc là số liệu của đơn vượt cấp, chuyển tiếp, kéo dài chứ không phải số liệu giải quyết.

ThS Lê Văn Đức, Viện CL&KHTT cho rằng, tên chương phải chỉnh sửa lại theo tên đề tài. Chương III, bổ sung quan điểm: đảm bảo ổn định chính trị, an toàn xã hội; Phần giải pháp cần bổ sung thêm một số giải pháp về công tác dân vận ở địa phương, nhất là ở những địa bàn có nhiều điểm nóng, các địa bàn có nhiều dự án; bổ sung giải pháp kiểm tra…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm