Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động giữa kiểm toán Nhà nước khu vực và thanh tra cấp tỉnh

Thái Hải

Thứ năm, 13/10/2022 - 23:00

(Thanh tra) - Hoạt động thanh tra và kiểm toán Nhà nước (KTNN) có những điểm tương đồng là đều nhằm phát hiện và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, hoàn thiện quy định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước. Do đó, hoạt động thanh tra và kiểm toán hiện nay khó tránh khỏi sự trùng lắp.

TS Nguyễn Thị Thu Nga là Chủ nhiệm Đề tài. Ảnh: TH

Việc tăng cường phối hợp trong hoạt động thanh tra và kiểm toán là cần thiết để gia tăng hiệu quả của cả hai hoạt động này. Đó là lý do mà TS Nguyễn Thị Thu Nga, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tiến hành nghiên cứu đề tài với chủ đề “Phối hợp giữa KTNN khu vực và cơ quan thanh tra Nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán” vừa được Hội đồng Thuyết minh thống nhất phê duyệt nghiên cứu năm 2023.

Vấn đề chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đã được quan tâm xử lý, thể hiện trong quy định của Nghị định 49/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 của Chính phủ quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước; Thông tư 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra…

Bên cạnh đó, KTNN và Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có quy chế phối hợp công tác, trong đó có quy định nguyên tắc, nội dung, cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra; phối hợp xử lý trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán; việc cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm toán; việc sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán; phối hợp trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán…

Mặt khác, việc phối hợp trên các khía cạnh như xây dựng kế hoạch, trao đổi thông tin, dữ liệu, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán, phối hợp trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận… giữa KTNN khu vực và thanh tra tỉnh còn hạn chế.

Trước hết là, việc phối hợp chưa đồng đều giữa các địa phương, có địa bàn lãnh đạo hai cơ quan chỉ đạo sát sao, có cách làm tốt thì việc phối hợp diễn ra chặt chẽ, hiệu quả nhưng có những địa phương chưa quan tâm, phối hợp chưa tốt, lúng túng, thiếu trao đổi thông tin dẫn tới chồng chéo và những hệ lụy khác.

Quy trình xây dựng kế hoạch kiểm tra và kế hoạch thanh tra cũng khác nhau, đặc biệt là thời gian xây dựng kế hoạch của kiểm toán sớm hơn thanh tra nên dẫn tới sự bị động của cơ quan thanh tra trong việc phối hợp để xây dựng kế hoạch.

KTNN chỉ cần ban hành quyết định kiểm toán ngân sách Nhà nước ở tỉnh thì phạm vi đối tượng của kiểm toán đã có thể bao trùm lên toàn bộ phạm vi đối tượng thanh tra của cơ quan thanh tra tỉnh.

Một số cuộc kiểm toán trong kế hoạch không nêu chi tiết về đối tượng, nội dung, thời gian được kiểm toán mà chỉ ghi đầu mối được kiểm toán như “kiểm toán ngân sách tỉnh A”, điều này không sai quy định nhưng lại gây khó khăn cho cơ quan thanh tra trong việc lập kế hoạch.

Trên thực tế, chồng chéo giữa hoạt động của kiểm toán khu vực và thanh tra tỉnh ở một số địa bàn diễn ra khá nhiều, chủ yếu là chồng chéo tại các dự án đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước.

Chỉ thị số 20/QĐ-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp cũng đề ra nhiều giải pháp mang tính tình thế để tăng cường phối hợp, khắc phục chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán nói chung và hoạt động của thanh tra Nhà nước cấp tỉnh, kiểm toán khu vực nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, mang tính tình thế, quá trình triển khai các giải pháp này cũng chưa được đánh giá một cách đầy đủ để tìm ra các vướng mắc và nguyên nhân.

Để làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra và đề xuất các giải pháp tổng thể nhằm bảo đảm quan hệ phối hợp giữa KTNN khu vực và cơ quan thanh tra Nhà nước cấp tỉnh, từ đó, góp phần tiếp tục giảm thiểu chồng chéo, trùng lặp, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Để có sự phối hợp tốt, mang tính lâu dài giữa KTNN khu vực và thanh tra tỉnh đòi hỏi những sửa đổi trong quy định mang tính nguyên tắc ở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa hai cơ quan, đảm bảo sự phân định rõ ràng và có quy chế phối hợp cụ thể. Những vấn đề này đòi hỏi phải nghiên cứu để đưa ra các giải pháp cụ thể.

Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: Một số vấn đề chung về mối quan hệ phối hợp giữa KTNN khu vực và cơ quan thanh tra Nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; thực trạng mối quan hệ phối hợp giữa KTNN khu vực và cơ quan thanh tra Nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán;  quan điểm, giải pháp hoàn thiện mối quan hệ phối hợp giữa KTNN khu vực và cơ quan thanh tra Nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Góp ý, Hội đồng Thuyết minh đề nghị tên đề tài được sửa thành “Phối hợp giữa KTNN khu vực và cơ quan thanh tra Nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”.

Về tính cấp thiết, tính cấp thiết của đề tài mới chỉ tập trung vào việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, mà chưa bao quát được hết mối quan hệ phối hợp trong việc xác định đối tượng thanh tra, kiểm toán; chia sẻ, kế thừa thông tin giữa thanh tra và kiểm toán… do đó, đề tài cần luận giải thêm vấn đề này.

Cần nghiên cứu thêm về việc phối hợp thanh tra, kiểm toán trong Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 10/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp Nhà nước"; cần bổ sung nghiên cứu lý thuyết về quan hệ phối hợp, địa vị pháp lý giữa hai cơ quan thanh tra và kiểm toán; phạm vi cần mở rộng thêm về cơ chế chia sẻ thông tin, xác định đối tượng thanh tra, kiểm toán… như đã đề cập ở phần tính cấp thiết; xác định rõ thêm không gian, thời gian nghiên cứu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm