Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của cơ quan kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn

Thái Hải

Thứ ba, 15/12/2020 - 19:18

(Thanh tra) - Ngày 15/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) tổ chức họp Hội đồng đánh giá cấp cơ sở đề tài khoa học cấp bộ 2019-2020 “Nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn” do TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng làm chủ nhiệm.

Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng đánh giá. Ảnh: Thái Hải

Theo TS. Cung Phi Hùng, kê khai tài sản và nói rộng ra là kiểm soát TSTN là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng, góp phần phát hiện các dấu hiệu liên quan đến tham nhũng và bảo đảm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Việc kê khai tài sản ở nước ta đã được thực hiện từ Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 và được quy định ngày càng chi tiết, cụ thể hơn kể từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành

“Có thể nói cho đến nay, việc kê khai tài sản đã đi vào nền nếp ở các cơ quan, đơn vị với đúng trình tự, thủ tục, thời hạn cũng như bảo đảm số lượng người có nghĩa vụ kê khai theo quy định. Theo các báo cáo chính thức của cơ quan có trách nhiệm, tỷ lệ kê khai trên toàn quốc những năm qua luôn đạt mức trên 99%”, TS.Hùng cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay, việc kê khai tài sản và quản lý bản kê khai tài sản rất phân tán, chủ yếu do bộ phận tổ chức cán bộ của các cơ quan đảm nhiệm với nhiệm vụ chủ yếu là đôn đốc việc kê khai cho đúng thời hạn, đúng hình thức, vào sổ quản lý, làm báo cáo… mà không có bất cứ một cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm cũng như tạo điều kiện cho việc kiểm soát tính trung thực của việc kê khai tài sản. Việc tiến hành kiểm tra, xác minh cũng rất phức tạp cả về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và chỉ tiến hành trong những điều kiện khá ngặt nghèo.

“Vì những hạn chế đó mà việc kê khai tài sản chủ yếu dựa vào tính trung thực của bản thân người có nghĩa vụ kê khai tài sản cũng như qua phát giác của công dân và đặc biệt là báo chí”, TS. Cung Phi Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ nhiệm đề tài, cho tới nay, nhiều nghiên cứu về vấn đề kê khai, kiểm soát việc kê khai TSTN trong đó chỉ ra những hạn chế bất cập trong quy định hiện hành của pháp luật cũng như những khó khăn vướng mắc xảy ra trên thực tế trong qua trình thực hiện. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào trực tiếp về vấn đề tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan có tính chất chuyên trách về kiểm soát TSTN của người có chức vụ quyền hạn. Chính vì vậy, ông Hùng khẳng định, việc tổ chức nghiên cứu đề tài “Nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của cơ quan kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn” là hết sức cần thiết.

Ngoài lời mở đầu, kết luận và kiến nghị, tài liệu tham khảo, Đề tài bao gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận về kiểm soát TSTN; Chương 2: Thực trạng kiểm soát TSTN; Chương 3: Giải pháp kiểm soát TSTN.

Nhận xét tại cuộc họp, ông Hoàng Nam Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Ủy viên phản biện cho rằng, đề tài có tính thời sự trong bối cảnh Luật Phòng, chống tham nhũng mới có hiệu lực; phạm vi nghiên cứu phù hợp với tên đề tài; đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp để làm rõ các chủ đề nghiên cứu. Bên cạnh đó, đã làm rõ được những khái niệm cơ bản, nghiên cứu quy định của pháp luật một số nước trên thế giới làm giá trị tham khảo; đánh giá công phu về thực trạng kiểm soát TSTN của người có chức vụ quyền hạn và làm rõ các nhóm giải pháp có tính ứng dụng cao; số liệu sử dụng trong đề tài có mức độ tin cậy cao, nguồn trích dẫn cụ thể, rõ ràng.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Nam Hải, đề tài chưa cập nhật đầy đủ các văn bản có liên quan; chưa đề cập đến kinh nghiệm quốc tế về cơ quan kiểm soát TSTN là nội dung chính của đề tài. Ban chủ nhiệm cần điều chỉnh lại Phụ lục, không nên để 3 con số (ví dụ 1.1.1) là quá dài, khó theo dõi. Bên cạnh đó, một số khái niệm chưa được đề cập như người có chức vụ, quyền hạn.

“Ban chủ nhiệm đánh giá thực trạng trên cơ sở Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 nhưng chưa đánh giá Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã khắc phục được hạn chế của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005”, ông Hải khẳng định. Không chỉ vậy, về dung lượng, đề tài đề cập khá nhiều đến các nội dung khác về kiểm soát TSTN nhưng dung lượng cho nội dung chính là cơ quan, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan kiểm soát TSTN lại khá ít. Vì vậy, ông Hải cho rằng, đề tài cần tính toán để dành dung lượng nhiều hơn cho nội dung chính này.

Cũng tại cuộc họp, ThS. Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đề tài đã đề cập tới những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật, những vướng mắc trong việc tổ chức thi hành các quy định của pháp luật về kiểm soát TSTN; nêu ra được những giải pháp hợp lý, hiệu quả về kiểm soát TSTN; đề tài không có sự trùng lặp với những đề tài đã nghiên cứu trước đó.

Cụ thể, Chương 1, đề tài đã đề cập và làm sáng tỏ nhiều khái niệm cơ bản về cơ quan kiểm soát TSTN; về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát TSTN... Chương 2, đề tài đã nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu về thực trạng kiểm soát TSTN. Theo đó, việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn đã được nhìn nhận, phân tích, đánh giá một cách bao quát, toàn diện; các nhận định, đánh giá về thực trạng kiểm soát TSTN đã chỉ rõ những kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác kiểm soát TSTN của người có chức vụ quyền hạn. Ở Chương 3, đề tài đã xác định rõ nhiều nhóm giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn. Các giải pháp đưa ra cơ bản là phù hợp với yêu cầu thực tế, có giá trị ứng dụng cao trong công tác tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, theo ông Hùng, sẽ là tốt hơn nếu Đề tài hoàn thiện một số vấn đề sau: Phải đánh giá những hạn chế trong các quy định pháp luật ở các quốc gia, trên cơ sở đó, cân nhắc, xem xét để áp dụng cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam; vấn đề thực trạng cần đề cập thêm đến các cơ quan tham gia kiểm soát TSTN như thuế, cơ quan đăng ký bất động sản, tổ chức tín dụng…

Đối với việc giao thẩm quyền kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong phạm vi toàn quốc; quản lý khai thác, sử dụng, phân quyền cơ sở dữ liệu quốc gia trong phạm vi toàn quốc; quản lý, khai thác, sử dụng, phân quyền cơ sở dữ liệu quốc gia về kê khai TSTN cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Hùng cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ, bởi đây là một cơ quan của Đảng, hầu hết các thành viên hội đồng kiêm nhiệm; có chức năng chính là chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp, không có chức năng quản lý Nhà nước…

Kết luận cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, mặc dù còn một số hạn chế nhất định, nhưng đây là công trình khoa học có chất lượng, được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm; công trình nghiên cứu có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn; kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn. TS. Nguyễn Quốc Văn đề nghị Ban chủ nhiệm tiếp thu, chỉnh sửa để đề tài hoàn thiện đưa ra nghiệm thu chính thức.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đề tài “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được xếp loại xuất sắc

Đề tài “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được xếp loại xuất sắc

(Thanh tra) - Đề tài cấp bộ “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” do ThS Dương Văn Huế, Phó Chánh Văn phòng, Thanh tra Chính phủ làm Chủ nhiệm được Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ nghiệm thu với kết quả xuất sắc vào ngày 22/11.

15:37 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm