Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Người khiếu nại, tố cáo không được mang chất độc, hung khí vào nơi TCD

Thứ ba, 21/04/2020 - 06:00

(Thanh tra)- Ngày 14/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký quyết định ban hành Quy chế Tiếp công dân (TCD) tại Trụ sở TCD tỉnh.

Ban Nội chính Tỉnh uỷ Sóc Trăng tổ chức họp giao ban công tác tiếp công dân và xử lý đơn. Ảnh Thanh Phương/https://portal.soctrang.gov.vn

Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì TCD định kỳ vào 20 hàng tháng

Công tác TCD thường xuyên được quy định: Ban TCD tỉnh làm nhiệm vụ thường trực TCD, bố trí người TCD thường xuyên vào các ngày làm việc tại Trụ sở TCD tỉnh. Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cử đại diện phối hợp cùng Ban TCD tỉnh thực hiện việc TCD thường xuyên tại Trụ sở TCD tỉnh. Phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại (KN), tố cáo (TC), kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở TCD tỉnh được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Luật TCD và Quyết định số 868/QĐ-UBND ngày 29/5/2015 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế Phối hợp TCD tại Trụ sở TCD tỉnh.

Đối với nhiệm vụ TCD định kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì TCD định kỳ tại Trụ sở TCD tỉnh vào ngày 20 hàng tháng, nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết hoặc do bận công việc đột xuất thì tổ chức tiếp vào ngày gần nhất. Trường hợp không tiếp được những ngày trên, Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp. Ban TCD tỉnh có trách nhiệm làm đầu mối liên hệ, thông báo mời, phối hợp với các cơ quan tham gia TCD; làm thư ký, ban hành thông báo kết luận các buổi TCD của lãnh đạo tỉnh; theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện kết luận các buổi TCD.

Việc TCD đột xuất thực hiện trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật TCD và theo yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội. Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì TCD đột xuất. Trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh bận công việc thì ủy quyền Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tiếp. Thành phần tham gia TCD đột xuất do người chủ trì quyết định. Ban TCD tỉnh chuẩn bị để lãnh đạo UBND tỉnh TCD trong trường hợp đột xuất, thông báo mời các thành phần tham gia theo chỉ đạo của người chủ trì; tổ chức, làm thư ký và ban hành thông báo kết luận các buổi TCD đột xuất của lãnh đạo tỉnh; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận các buổi TCD.

Người KN, TC phải trình bày trung thực sự việc

Khi đến nơi TCD, người KN, TC, kiến nghị, phản ánh có các quyền sau: Trình bày về nội dung KN, TC, kiến nghị, phản ánh; được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến KN, TC, kiến nghị, phản ánh của mình; nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý KN, TC, kiến nghị, phản ánh; trường hợp người KN, TC, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch; KN, TC về hành vi vi phạm pháp luật của người TCD; các quyền khác theo quy định của pháp luật về KN, TC.

Người KN, TC, kiến nghị, phản ánh có nghĩa vụ nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy TCD và hướng dẫn của người TCD; có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người TCD; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung KN, TC, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người TCD ghi chép lại; không can thiệp vào việc KN, TC của người khác; trường hợp nhiều người cùng KN, TC, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày; không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người TCD; không được mang các vật dễ cháy, nổ, chất độc hại, hung khí, động vật vào nơi TCD. Và, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung KN, TC của mình.

Người TCD phải lắng nghe, tiếp nhận KN, TC, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung công dân trình bày. Tận tình giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền KN, TC, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; động viên công dân chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý KN, TC, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý KN, TC, kiến nghị, phản ánh cho công dân. Yêu cầu người vi phạm nội quy TCD chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cố tình vi phạm phối hợp cơ quan công an lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp được từ chối TCD gồm: Người uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình. Người KN, TC vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình KN, TC kéo dài. Người vi phạm Nội quy TCD; người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, người TCD, người thi hành công vụ hoặc cản trở các hoạt động bình thường của Trụ sở TCD. Người lợi dụng quyền KN, TC, kiến nghị, phản ánh để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác gây rối, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Cơ quan công an phải bảo đảm an ninh trong các buổi TCD

Quy chế cũng quy định cụ thể việc tiếp nhận và xử lý bước đầu KN, TC, kiến nghị, phản ánh (điều 11); công tác phân loại, xử lý nội dung KN, TC, kiến nghị, phản ánh trong quá trình TCD (điều 12).

Việc thông báo kết quả xử lý KN, TC, kiến nghị, phản ánh được nêu rõ: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung KN, TC, kiến nghị, phản ánh, người TCD có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến KN, TC, kiến nghị, phản ánh về một trong các nội dung sau đây: KN, TC, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý để giải quyết; việc xem xét KN, TC để thụ lý cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm theo quy định của Luật KN, Luật TC; từ chối thụ lý đối với KN, TC không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý; nội dung KN, TC, kiến nghị, phản ánh đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết KN, TC có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho người KN, TC, Ban TCD và cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chuyển đơn theo quy định của pháp luật.

Ban TCD tỉnh có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin về việc TCD của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban TCD tỉnh và các cơ quan phối hợp TCD tại Trụ sở TCD tỉnh và công bố trên trang thông tin điện tử TCD.

Lịch TCD định kỳ được niêm yết chậm nhất là 05 ngày làm việc, trước ngày TCD. Trường hợp không thể thực hiện việc TCD theo lịch đã công bố thì lùi lịch TCD và thông báo sang thời gian khác.

Cơ quan công an trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn trong các buổi TCD định kỳ và đột xuất của lãnh đạo Tỉnh và người TCD thường xuyên tại Trụ sở TCD tỉnh khi có yêu cầu; có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Các đơn vị y tế phối hợp Ban TCD tỉnh đảm bảo kịp thời công tác sơ cứu y tế tại Trụ sở TCD khi có yêu cầu.

Quỳnh Vy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm