Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người dân được đốt loại pháo hoa như thế nào để không vi phạm pháp luật?

Q. Đông

Thứ ba, 12/01/2021 - 21:12

(Thanh tra) - Trước những quy định mới của Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 thay thế Nghị định số 36/2009 về quản lý, sử dụng pháo, Bộ Công an đã có những hướng dẫn giúp người dân phân biệt rõ giữa "pháo hoa" và "pháo hoa nổ" để tránh vi phạm pháp luật.

Người dân chờ đón xem bắn pháo hoa trong thời khắc giao thừa. Ảnh minh họa: Internet

Phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ

Pháo hoa mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng là loại pháo được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ (điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137 quy định) - Bộ Công an cho hay.

Đối với loại pháo này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại Điều 14 Nghị định 137.

Phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ. Ảnh: PV

Trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Trường hợp đốt pháo tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội "gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là "pháo hoa nổ" (điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137 quy định).

Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 137 cũng đã nghiêm cấm việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Do đó, người dân cần phân biệt rõ giữa "pháo hoa" và "pháo hoa nổ" để tránh vi phạm pháp luật.

Xử phạt hành chính tới xử lý hình sự

Các hành vi vi phạm về pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ. Mức tiền phạt thấp nhất là 500.000 đồng, mức tối đa là 40.000.000 đồng.

Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; sử dụng các loại pháo mà không được phép bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng; sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Hành vi buôn bán pháo nổ sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh: PV

Bên cạnh bị phạt tiền, toàn bộ số pháo là tang vật sẽ bị tịch thu theo quy định. Nếu đốt pháo nổ, pháo hoa nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do hành vi đốt pháo gây ra.

Các hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo có thể sẽ bị xử lý hình sự theo các tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm