Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghiêm cấm thông đồng, móc nối, bao che để chuyển giá, trốn thuế

Thứ năm, 13/06/2019 - 18:32

(Thanh tra)- Ngày 13/6, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 91,32% tổng số đại biểu (ĐB) tham gia. Một trong những điểm mới là quy định nghiêm cấm "thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế”.

Các ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua dự án luật

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Riêng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực từ ngày 1/7/2022; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của luật này trước ngày 1/7/2022.

Cấm gây phiền hà, sách nhiễu người nộp thuế

Trước khi QH biểu quyết thông qua, có ý kiến ĐB đề nghị bổ sung hành vi nghiêm cấm lợi dụng chuyển giá, tránh thuế và cấm xuất hóa đơn ảo, làm hợp lý hóa chi phí, gây thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo bổ sung hành vi nghiêm cấm trong việc chuyển giá vào những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế (Khoản 1, Điều 6).

“Còn hành vi trốn thuế đã bao hàm nội dung về tránh thuế, do vậy, UBTVQH xin không bổ sung trong dự thảo”, ông Hải nói. Theo đó, Khoản 1, Điều 6, dự thảo luật được QH thông qua quy định rõ, nghiêm cấm “thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế”.

Riêng hành vi cấm xuất hóa đơn ảo, làm hợp lý hóa chi phí, ông Nguyễn Đức Hải cho hay, đã được quy định tại Khoản 7, Điều 6 nên xin cho phép giữ như dự luật đã trình QH cho ý kiến tại kỳ họp. Cụ thể là nghiêm cấm “bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn”.

Ngoài ra, các hành vi gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế; lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ; làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế; sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật cũng bị nghiêm cấm.

Khi người nộp thuế kiến nghị, cơ quan kiểm toán phối hợp với cơ quan thuế xử lý

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Thanh tra Nhà nước (TTNN), trong quá trình thảo luận dự án luật, một số ý kiến cho rằng, quy định cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế người nộp thuế phải nộp khi có khiếu nại, là chưa phù hợp với Hiến pháp và Luật KTNN.

Một số ý kiến khác đề nghị, bỏ quy định này trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vì không thuộc phạm vi điều chỉnh. Nếu có vướng mắc trong hoạt động thanh tra, kiểm toán thì sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật KTNN.

Giải trình vấn đề này, theo UBTVQH, quy định như dự thảo luật khẳng định cơ quan quản lý thuế là đối tượng kiểm toán, thanh tra và phải có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị của cơ quan KTNN và TTNN.

“Quy định nội dung này trong dự thảo luật chỉ tập trung xử lý trường hợp người nộp thuế không đồng ý với số thuế phải nộp khi cơ quan quản lý thuế tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN, TTNN, không xử lý các hành vi khác tại các luật chuyên ngành và cơ bản giải quyết được ngay các vướng mắc trong thực tiễn hiện nay, không phải sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách báo cáo trước khi QH thông qua.

Theo đó, luật quy định, trường hợp cơ quan KTNN không trực tiếp thanh tra đối với người nộp thuế, mà thực hiện thanh tra tại cơ quan quản lý thuế có nội dung kiến nghị nêu trong kết luận thanh tra liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, thì cơ quan KTNN gửi bản trích sao có kết luận liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để thực hiện.

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận của cơ quan KTNN. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp, thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế, cơ quan KTNN xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan KTNN chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế, thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Quy định này cũng được áp dụng tương tự như đối với kiến nghị của cơ quan TTNN liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Ông Hải cho biết thêm, để bảo đảm quyền khởi kiện của người nộp thuế (bên thứ ba), UBTVQH sẽ yêu cầu Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, bổ sung các quy định để bảo đảm quyền khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế đối với kết luận, kiến nghị của cơ quan KTNN, TTNN khi tiến hành sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan.

H.Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm