00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025

T. Minh

Thứ tư, 02/04/2025 - 09:37

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 1/4/2025 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025. Ảnh: VGP

Theo đó, Chính phủ quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tập trung chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm quy định trong việc xây dựng các dự án Luật, Pháp lệnh, yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, trình bày Tờ trình một cách khoa học, trong đó thuyết minh đầy đủ, súc tích, rõ ràng những nội dung cơ bản làm cơ sở cho cơ quan thẩm định, thẩm tra tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Việc xây dựng Luật cần tập trung nguồn lực, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các công cụ trợ lý ảo, cơ sở dữ liệu hỗ trợ...; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chế độ, chính sách xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm pháp luật để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cả về chất lượng và tiến độ. Chính phủ giao Bộ Tư pháp chuẩn bị trình Chính phủ trong tháng 4/2025 quy định về đảm bảo nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật.

Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với 4 dự án Luật, đề nghị xây dựng Luật

Tại Phiên họp ngày 19/3/2025, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án luật, đề nghị xây dựng Luật: Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Phiên họp, Chính phủ thống nhất chưa xem xét, cho ý kiến đối với các dự án Luật Cấp thoát nước và Luật Quản lý, phát triển đô thị.

Về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Chính phủ đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng:

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát bám sát Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến khoa học và công nghệ, đặc biệt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, kế thừa các chính sách tại Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối chỉ đạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và trực tiếp làm việc với các bộ chuyên ngành để rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách, báo cáo Thường trực Chính phủ; thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

Về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đánh giá cao việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực, chủ động phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc xây dựng dự án Luật. Yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Nội dung dự thảo Luật phải đúng thẩm quyền của Quốc hội, đúng với chủ trương về đổi mới công tác xây dựng pháp luật, phù hợp thực tiễn; bổ sung nội dung về trường hợp có các quy định pháp luật khác nhau về cùng một vấn đề liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử thì ưu tiên áp dụng Luật này để tạo điều kiện triển khai nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam; các quy định phải ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát; bảo đảm tính ổn định, lâu dài, thông thoáng và khả thi trong tổ chức thực hiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm áp dụng.

Giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội để xem xét, thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến của các cơ quan liên quan hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình bày rõ tại Tờ trình Chính phủ về 6 yêu cầu cần làm rõ được nêu tại Nghị quyết này.

Giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp

Chính phủ thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các định hướng, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định của Luật Doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn; thực hiện đúng các cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).

Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện các chính sách của dự án Luật. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ các quy định không còn hợp lý; thiết kế chính sách cần thông thoáng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, bảo đảm tăng về số lượng doanh nghiệp, nâng cao về chất lượng, tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động, tiên phong trong nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Trong công tác quản lý, cần chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chủ động soạn thảo nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/4/2025 để kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm