Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra (kỳ cuối)

Thứ sáu, 07/07/2023 - 21:00

(Thanh tra) - Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung trong kết luận thanh tra.

Sáng ngày 5/6, Thanh tra Bộ Nội vụ đã công bố quyết định thanh tra công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TT/Báo Thanh tra

Chương VII

GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA; GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ VỀ NỘI DUNG TRONG KẾT LUẬN THANH TRA

Mục 1. GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Điều 60. Thẩm quyền giải quyết kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra

1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, phản ánh về thời gian, nội dung, phương pháp làm việc của Đoàn thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra.

2. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của đoàn thanh tra.

Điều 61. Trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra

1. Đối với kiến nghị, phản ánh về thời gian, nội dung, phương pháp làm việc của Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến nghị, phản ánh.

2. Đối với kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của đoàn thanh tra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân kiến nghị, phản ánh đến người ra quyết định thanh tra hoặc người thực hiện giám sát. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến nghị, phản ánh. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra giao người giám sát hoặc đơn vị, cá nhân xác minh nội dung kiến nghị, phản ánh và thông báo kết quả giải quyết cho người có kiến nghị, phản ánh.

3. Thời hạn giải quyết kiến nghị, phản ánh quy định tại khoản 1 Điều này là 05 ngày làm việc. Thời hạn giải quyết kiến nghị, phản ánh quy định tại khoản 2 Điều này là 15 ngày.

Mục 2. GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ VỀ NỘI DUNG TRONG KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 62. Thẩm quyền giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung trong kết luận thanh tra.

2. Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Thanh tra trong quá trình xử lý kết luận thanh tra.

3. Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý kiến nghị của cơ quan tiến hành thanh tra trong quá trình xử lý kết luận thanh tra.

Điều 63. Trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra

1. Trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định này như sau:

a) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết luận thanh tra được công bố, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền gửi kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra đến người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra;

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân có kiến nghị.

2. Trường hợp yêu cầu, kiến nghị quy định tại Điều 62 Nghị định này có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 56 của Luật Thanh tra và Điều 19 Nghị định này thì xử lý như sau:

a) Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan thanh tra có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh tra hoặc thanh tra lại;

b) Thủ trưởng cơ quan đã tiến hành thanh tra kiến nghị cơ quan thanh tra cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh tra lại.

Chương VIII

XỬ LÝ VI PHẠM TRONG VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 64. Xử lý hành vi vi phạm của người thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; người thuộc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm phải bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm đối với cán bộ; khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với công chức; khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với viên chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật khi có hành vi sau:

a) Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra;

b) Không kiến nghị biện pháp xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra;

c) Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được ghi trong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Người có hành vi vi phạm quy định tại một trong các điểm a, b hoặc c khoản 1 Điều này không phải là cán bộ, công chức, viên chức thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 65. Xử lý hành vi vi phạm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra là cán bộ, công chức, viên chức mà có hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

1. Bị kỷ luật khiển trách khi có một trong các hành vi sau:

a) Không chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

b) Không yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý sai phạm hoặc thực hiện quyết định, yêu cầu, kiến nghị của người ban hành kết luận thanh tra;

c) Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Người có hành vi vi phạm quy định tại một trong các điểm a, b hoặc c khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm đối với cán bộ; cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với công chức; cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với viên chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người có hành vi vi phạm quy định tại một trong các điểm a, b hoặc c của khoản 1 Điều này không phải là cán bộ, công chức, viên chức thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương IX

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA NỘI BỘ

Điều 66. Tổ chức thanh tra nội bộ

1. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc thanh tra nội bộ để tăng cường công tác quản lý, bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với cơ quan tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan thuộc Chính phủ và đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu quản lý của mình, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập có thể thành lập tổ chức thanh tra hoặc giao cho bộ phận, đơn vị hoặc bố trí người làm công tác thanh tra nội bộ.

Điều 67. Hoạt động thanh tra nội bộ

Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành quy định về quy trình thanh tra nội bộ, kế hoạch thanh tra hàng năm khi xét thấy cần thiết, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 68. Điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra nội bộ

1. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về thời gian, phương tiện làm việc cho hoạt động thanh tra nội bộ.

2. Người làm công tác thanh tra nội bộ được hưởng các chế độ, chính sách của viên chức và các khoản phụ cấp khác khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra do Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập quyết định theo cơ chế tài chính của cơ quan, đơn vị mình.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 69. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

Điều 70. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm