Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoàng Nam
Thứ sáu, 28/02/2025 - 13:02
(Thanh tra) - Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025 sẽ khắc phục các hạn chế, bất cập của các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũ; đồng thời, kịp thời thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước.
Toàn cảnh buổi công bố Lệnh số 03/2025/L-CTN của Chủ tịch nước về Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025. Ảnh: Hoàng Nam
Phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, uỷ quyền
Luật quy định 1 chương về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, uỷ quyền giữa chính quyền địa phương các cấp trong đó, xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn; phù hợp khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ; được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm kiểm soát quyền lực; trách nhiệm giám sát, kiểm tra; đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số,…
Chính quyền địa phương cũng được chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về việc phân quyền, phân cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Luật quy định rõ việc phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp phải được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội; chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; cơ quan Nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát về tính hợp hiến, hợp pháp trong việc chính quyền địa phương các cấp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
Các quy định về phân cấp cũng quy định rõ chủ thể phân cấp và chủ thể nhận phân cấp; trách nhiệm của cơ quan phân cấp, cơ quan nhận phân cấp; quy định về việc điều chỉnh thủ tục hành chính trong trường hợp thực hiện phân cấp.
So với Luật năm 2015, trong quy định về ủy quyền tại luật năm nay, đã làm rõ và mở rộng phạm vi chủ thể uỷ quyền và chủ thể nhận uỷ quyền quy định rõ yêu cầu của việc uỷ quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong việc uỷ quyền và thực hiện nhiệm vụ uỷ quyền; việc sử dụng con dấu và hình thức văn bản khi thực hiện nhiệm vụ uỷ quyền, việc điều chỉnh thủ tục hành chính trong trường hợp thực hiện uỷ quyền.
Ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cung cấp một số nội dung cơ bản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Hoàng Nam
Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong các hoạt động của HĐND, UBND
Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở mỗi đơn vị hành chính theo hướng phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa HĐND và UBND cùng cấp; phân định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân chủ tịch UBND nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương theo hướng tăng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm cho cá nhân chủ tịch UBND; quy định nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng khái quát, tập trung vào các lĩnh vực về tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy, biên chế, hoạt động kiểm tra, giám sát... bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc phân định thẩm quyền tại Điều 11 của luật và bảo đảm tính ổn định lâu dài của Luật.
Về tổ chức và hoạt động của HĐND, so với luật năm 2015, luật đã quy định theo hướng giữ nguyên nội dung về cơ cấu tổ chức của HĐND; quy định khái quát hoạt động của HĐND, thường trực HĐND, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND; sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật như: Không quy định Chủ tịch UBND đầu nhiệm kỳ là đại biểu HĐND; bổ sung quy định về trường hợp khuyết chủ tịch HĐND, khuyết thường trực HĐND; bổ sung quy định về tạm đình chỉ chức vụ phó chủ tịch HĐND, trưởng, phó ban của HĐND,…
Về tổ chức và hoạt động của UBND, luật đã quy định theo hướng quy định khái quát cơ cấu tổ chức của UBND gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các uỷ viên; giao Chính phủ quy định cụ thể; khái quát các nội dung và hoạt động của UBND; các nội dung UBND phải thảo luận và quyết nghị, những nội dung UBND có thể uỷ quyền cho chủ tịch UBND quyết định.
Luật cũng đã quy định một số nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính, điều kiện thành lập, giải thể, nhập chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Bên cạnh đó, luật đã quy định theo hướng khái quát về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và giao Chính phủ quy định cụ thể về việc xây dựng, lấy ý kiến cử tri, khảo sát, thẩm định đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, bảo đảm tính linh hoạt và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 gồm 7 chương, 50 điều, giảm 1 chương và 93 điều so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019.
Luật có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.
Tags
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều nay (15/4), bà Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên chủ trì hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính của tỉnh.
TL
(Thanh tra) - Ngày 15/4/2025, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Kết luận số 1207-KL/TU về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Quảng Ninh.
Trọng Tài
Hải Hà
Trọng Tài
Trọng Tài
Hải Hà
Hương Giang
Thành Công
Giang Sơn
Trần Kiên
Kim Thành
Kim Thành
Chính Bình
Nam Dũng
Bùi Bình
Thanh Hoa
Bùi Bình