Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hoàn thiện Đề tài khoa học “Vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản thu nhập nhằm phòng, chống tham nhũng”

Thái Hải

Thứ tư, 22/12/2021 - 18:22

(Thanh tra) - Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) vừa tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện nội dung nghiên cứu Đề tài “Vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản thu nhập nhằm phòng, chống tham nhũng” do ThS. Ngô Thu Trang, Phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm

ThS. Ngô Thu Trang cho rằng, hiện nay, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn ở nước ta đang được đẩy mạnh nhằm phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TH

Theo ThS. Ngô Thu Trang, hiện nay, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn ở nước ta đang được đẩy mạnh nhằm phòng, chống tham nhũng. Liên quan đến nội dung này, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã chủ yếu đề cập đến vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Tuy nhiên, bản thân các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn đặt dưới thẩm quyền của cơ quan Nhà nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa tạo ra một cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.

Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của xã hội được thực hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức Nhà nước nhờ có sự chỉ đạo của Đảng.

Ban Bí thư ban hành Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3-10-2017 hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo điều kiện cho nhân dân cùng tham gia vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần vào việc giám sát cán bộ, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23-5-2017 về “kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” yêu cầu nêu gương đối với cán bộ cấp cao trong công tác kê khai và kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản. Các chỉ đạo này cho thấy sự phát huy tính dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

Gần đây, xã hội đặc biệt là báo chí và người dân thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn nhằm phòng, chống tham nhũng.

Theo ThS. Ngô Thu Trang, đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: Một số vấn đề chung về vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa tham nhũng; Thực trạng vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng, chống tham nhũng; Một số giải pháp nâng cao vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng, chống tham nhũng.

Góp ý tại hội thảo, ThS Lê Đức Trung, Trưởng phòng, Viện CL&KHTT cho rằng, đây là một đề tài khó khi viết về vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản thu nhập, chủ nhiệm đề tài có cách tiếp cận phù hợp. Về phương thức thực hiện vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập mà đề tài đưa ra nên chuyển sang nội dung thực hiện vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nó là vấn đề chính mà chủ nhiệm đề tài đưa vào để đánh giá thực trạng và đưa ra các kiến nghị.

Tại Chương 3 về giải pháp để nâng cao vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập có hai vấn đề: Thứ nhất, nâng cao vai trò xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập phải từ phía Nhà nước phải có thể chế, chính sách. Thứ hai, các chủ thể giám sát cần nâng cao năng lực.

TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài được thể hiện rõ ý tưởng nghiên cứu; nội dung đề tài đã giải quyết được những vấn đề cơ bản của mục tiêu nghiên cứu.

Tuy nhiên, tại Chương 1 nên khái quát việc kiểm soát tài sản thu nhập là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Kiểm soát tài sản, thu nhập thể hiện từ việc kê khai, công khai, xác minh, xử lý công khai, quản lý xử lý kết quả xét xử. Phần 1.2: Đặc điểm, vai trò của xã hội trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập bị động hơn khu vực nhà nước nên đưa vào phần nguyên nhân hạn chế.

Về phương thức thực hiện vai trò của xã hội trong kiểm soát thu nhập, tài sản không nên đưa ví dụ nước ngoài thay vào đó là phân tích quy định pháp luật của Việt Nam điều chỉnh về vấn đề này.

Chương 2, phần 1 thực trạng pháp luật nên tách ra làm hai phần: thứ nhất là pháp luật quy định về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền  hạn; thứ hai là pháp luật về vai trò xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tại mục 2.2.4 công dân và ban thanh tra nhân dân nên tách ra làm hai bởi công dân là một chủ thể riêng, còn Ban Thanh tra nhân dân là một thiết chế xã hội.

Theo ThS. Lê Văn Đức, Phó trưởng Phòng, Viện CL&KHTT đề tài đã giải quyết được rất nhiều vấn đề, thông tin. Tuy nhiên, tại Chương 1: Quan niệm về kiểm soát tài sản, thu nhập mà đề tài đưa ra nhằm để theo dõi, nhận biết, đánh giá thì phần đặc điểm và phương thức phải đồng bộ và thống nhất với nhau. Về đặc điểm của vai trò phần 1.2 nên sửa lại tên; tại các mục 1.2.1 đến 1.2.4 nên phân tích theo hướng chủ thể, nội dung, phương thức kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tại phần các biện pháp bảo đảm Mục 3.4 cần nói rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về cung cấp và chia sẻ thông tin liên quan đến bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức với người dân, báo chí và các tổ chức xã hội khác.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm