Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 26/04/2023 - 09:55
(Thanh tra) - Chính phủ chốt quy định "bảng giá đất được ban hành hàng năm" để đảm bảo phù hợp nguyên tắc thị trường. Các địa phương tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để có thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất mới.
Chính phủ chốt quy định “bảng giá đất ban hành hàng năm” để sát thị trường. Ảnh minh họa: Hương Giang
Chính phủ vừa có tờ trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Quốc hội. Tờ trình này được xây dựng trên cơ sở tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân.
Sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025
Một trong những vấn đề được nhân dân tập trung cho ý kiến là tài chính đất đai, giá đất.
Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân, Chính phủ chỉnh lý quy định về định giá đất theo hướng “định giá đất phải bảo đảm phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong việc xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất”.
Căn cứ xác định giá đất gồm: Thời hạn sử dụng đất, đối với đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức giao đất nông nghiệp, đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền thì không căn cứ vào thời hạn sử dụng đất; thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất; các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất; quy định của các pháp luật có liên quan tại thời điểm định giá.
Trong đó, thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải đảm bảo: Giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Giá đất còn được xác định dựa trên: thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.
Đáng chú ý, dự thảo luật mới quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.
Theo phân tích của Chính phủ, qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy với việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%, rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Dẫn tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về việc bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, Chính phủ cho biết để bảo đảm quy định này có tính khả thi, dự thảo luật đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025.
Với quy định này, các địa phương có thời gian từ khi luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của luật.
“Việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường”, theo tờ trình Chính phủ.
Quy định rõ thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế
Với nội dung về thu hồi đất, trưng dụng đất nằm ở Chương VI, Chính phủ đã sửa đổi toàn bộ nội dung liên quan đến quy định “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Đây cũng là nội dung nhận được rất nhiều ý kiến khi xin ý kiến nhân dân. Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ tiêu chí thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để các địa phương dễ áp dụng, tránh lạm dụng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Tiếp thu góp ý, dự thảo luật đã quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, gồm:
- Để thực hiện các công trình công cộng như: Giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin...
- Để xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công trình sự nghiệp như trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ sở văn hóa, di tích lịch sử, cơ sở y tế, dịch vụ xã hội…
- Để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác như: Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, dự án lấn biển... và các dự án khác do Nhà nước thu hồi để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi để giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu dự án có sử dụng đất.
Cạnh đó, dự thảo đã bổ sung các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
Cụ thể, người sử dụng đất sẽ bị thu hồi đất đất nêu không thực hiện nghĩa vụ tài chính trong các trường hợp: không nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày có thông báo; chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Đất nông nghiệp không đưa vào sử dụng; vi phạm tiến độ sử dụng đất liên quan đến dự án đầu tư cũng có thể bị thu hồi.
Người thu hồi đất phải có chỗ ở tốt hơn nơi cũ, ưu tiên tái định cư tại chỗ
Chương VII dự thảo luật quy định về “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” đã giảm một điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Theo tờ trình, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng “việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”.
Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; đồng thời được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở.
Lần này, cụ thể hóa việc tái định cư cho người thu hồi đất phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, dự thảo luật quy định các tiêu chí khu tái định cư: về hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông đảm bảo kết nối với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc); hạ tầng xã hội (đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ).
Chính phủ đề xuất ưu tiên tái định cư tại chỗ, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi; tại địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc trung ương nơi có đất thu hồi, địa bàn khác có điều kiện tương tự để bố trí tái định cư.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương, 247 điều, bổ sung mới 24 điều và bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Dự án luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 vào kỳ họp thứ 5 tháng 5 tới.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.
Minh Huyền
22:30 22/11/2024(Thanh tra) - Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu trong đó có một số nội dung liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu; việc xem xét bỏ quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu.
Lê Phương
21:51 22/11/2024Nguyễn Điểm
15:57 22/11/2024Trần Quý
13:17 22/11/2024Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương
Nam Dũng
Hoàng Nam
Lâm Ánh
Phương Hiếu