Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cấp “sổ đỏ” cho đất không giấy tờ và nhiều điểm mới của Luật Đất đai 2024

Hương Giang

Thứ năm, 18/01/2024 - 14:41

(Thanh tra) - Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, với nhiều điểm mới nổi bật, được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Luật Đất đai sửa đổi có nhiều điểm mới nổi bật. Ảnh minh họa: Internet

“Chốt” 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội

Theo quy định của Điều 79, Nhà nước thu hồi đất trong 31 trường hợp “thật cần thiết” để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Nhà nước có thể thu hồi đất để xây dựng công trình giao thông; thủy lợi; cấp nước; xử lý chất thải; năng lượng, chiếu sáng công cộng; dầu khí; hạ tầng bưu chính, viễn thông; chợ dân sinh, chợ đầu mối; tín ngưỡng, tôn giáo; khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng; trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trụ sở hoặc văn phòng đại diện của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Nhà nước cũng thu hồi đất để xây dựng cơ sở văn hóa, di tích lịch sử; cơ sở y tế, dịch vụ xã hội; giáo dục, đào tạo; cơ sở thể dục, thể thao; khoa học và công nghệ; ngoại giao; xử lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, khí tượng, thủy văn, đăng kiểm, kiểm dịch động vật, thực vật; dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ cao; khu sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung; hoạt động lấn biển; khai thác khoáng sản; dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông.

Các trường hợp còn lại được thu hồi đất là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, dự án khu dân cư nông thôn; nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác, sử dụng công trình ngầm; dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng chưa được quy định, Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung Điều này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Luật quy định rõ các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn; đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất….

Các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu

Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu và các trường hợp phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, quy định thể các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian  thuê theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Luật quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh.

Trong đó, quy định rõ hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

Thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong Luật Đất đai sửa đổi đó là về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Tại điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua quy định: Được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; được sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác.

Trường hợp cần thiết, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật.

Đổi mới quy hoạch sử dụng đất, giảm trung gian trong giao đất

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy định của Luật Đất đai sửa đổi đã được hoàn thiện theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trong đó, tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch.

Điểm mới nữa, Luật Đất đai sửa đổi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực.

Cạnh đó, giảm đấu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất tại khu kinh tế, khu công nghệ cao, cảng hàng không sân bay. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành để người dân thuận tiện trong quá trình thực hiện thủ tục.

Cấp “sổ đỏ” cho đất không giấy tờ mà không vi phạm pháp luật

Luật Đất đai sửa đổi quy định cụ thể việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (còn gọi là sổ đỏ) đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước 18/12/1980, được xã xác nhận không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:

Với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất bằng hoặc lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất đó và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Với thửa đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ thì công nhận đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp theo diện tích thực tế đã sử dụng; hình thức sử dụng đất được công nhận như hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài...

Hạn mức công nhận đất ở, luật quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện, tập quán tại địa phương quy định cụ thể với trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993.

“Liệt kê chi li thì hàng trăm điểm mới”

Tại cuộc họp báo về kết quả kỳ họp sáng 18/1, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, thống kê sơ bộ có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và Chính phủ phải ban hành nghị định hướng dẫn.

“Chúng tôi mong Chính phủ ngay sau đây sớm có kế hoạch cụ thể triển khai thi hành Luật Đất đai sửa đổi, nên xác định chính xác số nghị định phải ban hành, cơ quan nào chủ trì, tham mưu soạn thảo”, ông Hiếu nói.

Trước câu hỏi luật lần này có bao nhiêu điểm mới, mang tính đột phá để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trên thực tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nói: “Nếu liệt kê chi li thì hàng trăm điểm mới”. Trong đó, nổi bật là nhiều quy định mới nhằm bảo vệ tốt hơn  uyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai lần này đã thể chế các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 18 của Trung ương, giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ tập trung để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo đảm sau khi luật có hiệu lực thi hành thì hệ thống đã bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Minh Huyền

22:30 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm