Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bổ sung 125 hành vi, nâng 2 lần mức phạt

Trần Quý

Thứ ba, 17/08/2021 - 15:27

(Thanh tra) - Sửa đổi, bổ sung 125 hành vi, nâng 2 lần mức phạt và tịch thu phương tiện vi phạm là những nội dung chính tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP đang được Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành.

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh: TQ

Nghị định 139 chưa đủ sức răn đe

 Sau gần 04 năm tổ chức thực hiện, bên cạnh những ưu điểm, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Nghị định 139) đã bộc lộ một số tồn tại phải nghiên cứu thay thế để đảm bảo phù hợp với pháp luật chuyên ngành mới được sửa đổi, bổ sung và một số bất cập từ thực tế như: Một số lĩnh vực chế tài xử lý chưa phủ kín; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, sau 04 tháng được lãnh đạo Bộ giao chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 139, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm với các sở xây dựng để lắng nghe từ thực tiễn; tiếp thu ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… chịu tác động của Nghị định.

“Sau khi Bộ Xây dựng gửi toàn văn dự thảo để xin ý kiến 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số doanh nghiệp chịu tác động của nghị định và công khai đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin Bộ Xây dựng để lấy ý kiến toàn dân, dự thảo đã được Bộ Xây dựng chỉnh sửa và trình Chính phủ ban hành” - ông Tuấn cho biết.

Thanh tra Bộ Xây dựng tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo. Ảnh: TQ

Theo ông tuấn, Dự thảo Nghị định gồm 89 điều, 7 chương, bao gồm 70 nhóm hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, chế tài xử lý đảm bảo tính phòng ngừa, răn đe cao, có tính khả thi trên thực tiễn.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 125 hành vi vi phạm. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Nghị định là điều chỉnh mức phạt theo hướng tăng từ 1,5 đến 02 lần so với mức phạt đã quy định tại Nghị định 139, đặc biệt tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi liên quan vi phạm quy định về điều chỉnh quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng (TTXD), kinh doanh bất động sản (BĐS), quản lý sử dụng nhà chung cư.

Đối với hành vi vi phạm TTXD xử phạt kịch khung 01 tỷ đồng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp tổ chức, cá nhân cố tình tiếp tục vi phạm.

Dự thảo đã điều chỉnh các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập, điều chỉnh quy hoạch, khảo sát xây dựng, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát, lựa chọn nhà thầu cho đến nghiệm thu, bàn giao công trình vào khai thác sử dụng.

Đối với hành vi điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng hoặc điều chỉnh quy hoạch không đúng căn cứ, điều kiện, nguyên tắc, trình tự điều chỉnh, đề xuất mức xử phạt tiền lên đến 250 triệu đồng (mức phạt quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP là 70 triệu đồng), đồng thời buộc tổ chức vi phạm phải lập lại quy hoạch xây dựng.

Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng thi công đối với công trình xây dựng vi phạm về khởi công, công trình chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm xác nhận đã khắc phục xong vi phạm nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả, triệt để ngay từ giai đoạn đầu.

Vi phạm quy định về TTXD (Điều 15 Dự thảo) là một trong những nội dung được rất nhiều địa phương quan tâm, phản ánh được Thanh tra Bộ tập trung nghiên cứu, sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

Phạt tiền đến 300 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình không phép, sai phép, sai thiết kế. Ảnh: TQ

Phạt đến 600 triệu đồng với hành vi tái diễn

 Dự thảo điều chỉnh theo hướng phân tách hành vi theo quy mô công trình để xử phạt cho phù hợp, tăng mức phạt, cụ thể phạt tiền đến 300 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình không phép, sai phép, sai thiết kế, sai quy hoạch xây dựng (đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư), phạt tiền đến 600 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) hoặc sau khi đã ban hành quyết định xử phạt (mức phạt quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP là 350 triệu đồng), đặc biệt tái phạm sẽ bị xử phạt đến 01 tỷ đồng (đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư).

Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, trong nhiều trường hợp còn bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (GPXD), tịch thu tang vật, phương tiện VPHC. Trường hợp tổ chức, cá nhân không khắc phục việc xây dựng sai so với GPXD trong thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt VPHC đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy GPXD theo quy định và thông báo cho chủ đầu tư, UBND cấp xã nơi có công trình xây dựng.

Một điểm nữa đáng lưu ý là Dự thảo Nghị định mới đã quy định chế tài xử phạt đối với hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế và tiến tới chấm dứt đối với việc đầu tư xây dựng có vi phạm tại một số khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, diễn biến phức tạp như hiện nay.

Lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng và quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật: Phạt tiền từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi gây ô nhiễm nước sạch chưa sử dụng, phát tán chất độc hại và các bệnh truyền nhiễm, bệnh dễ lây lan trong mạng lưới cấp nước, đồng thời yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu của hệ thống cung cấp nước sạch.

Điều chỉnh quy hoạch không đúng căn cứ, điều kiện, nguyên tắc, trình tự điều chỉnh, mức xử phạt tiền lên đến 250 triệu đồng. Ảnh: TQ

Bổ sung một số hành vi như: Thiết kế xây lắp, bảo trì, sử dụng và kiểm tra các thiết bị của khách hàng sử dụng nước được đấu nối vào mạng lưới cấp nước không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; không tổ chức gom, vận chuyển, xử lý không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất thải….

Tăng mức phạt gần kịch khung 800 triệu đồng đối với một số hành vi trong kinh doanh BĐS như: thu tiền của bên mua, bên thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng tiến độ thực hiện dự án hoặc thu vượt tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo quy định;

Hành vi vi phạm của chủ đầu tư liên quan việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án vi phạm trình tự thủ tục quy định; bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ trong dự án đã được phê duyệt hoặc đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa đảm bảo kết nối với hạ tầng chung của khu vực...

Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kinh doanh BĐS có thời hạn và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm như buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp, buộc hoàn trả kinh phí, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy định hoặc cam kết… nhằm khắc phục, xử lý triệt để hậu quả của các hành vi vi phạm.

Về lĩnh vực nhà ở, theo ông Tuấn, nhiều hành vi vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư được Thanh tra Bộ đề xuất trong dự thảo nhằm xử lý triệt để vấn đề nóng hiện nay là “om” quỹ bảo trì tại các chung cư.

Thanh tra Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung 23/26 hành vi vi phạm còn thiếu và tăng mức xử phạt hiện áp dụng còn thấp đối với 03/26 hành vi vi phạm về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư với mức xử phạt “kịch khung” số tiền là 300 triệu/hành vi, cùng mức phạt này được áp dụng đối với hành vi tái phạm khi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng…

Ngoài việc xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm hoặc buộc hoàn trả lại chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khoản tiền chênh lệch (nếu có) do tính sai diện tích….

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu

(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Minh Huyền

22:30 22/11/2024
Bộ Công Thương làm rõ các ý kiến liên quan dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương làm rõ các ý kiến liên quan dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu

(Thanh tra) - Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu trong đó có một số nội dung liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu; việc xem xét bỏ quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu.

Lê Phương

21:51 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm