Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bình yên ở chốn địa đầu

Ngọc Minh

Thứ tư, 26/10/2022 - 11:34

(Thanh tra) - Hà Giang được coi là tỉnh địa đầu của đất nước. Thời gian qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên nhiều địa bàn của tỉnh đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả. Các mô hình dòng họ đã tự giải quyết và hòa giải thành công nhiều vụ việc, mâu thuẫn trong dòng họ; không có vụ việc nào phải chuyển lên cấp trên, rất ít thành viên của dòng họ vi phạm pháp luật, hoặc vi phạm quy định của địa phương.

Công an huyện Quang Bình thường xuyên xuống cơ sở phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"

Mô hình hay, cách làm tốt

Là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang hiện có 19 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 90%. So với trước đây, đời sống của đồng bào đã được cải thiện nhiều nhưng điều kiện vật chất cũng như trình độ hiểu biết vẫn còn khá khiêm tốn.

Những năm qua, Hà Giang luôn là địa bàn “nóng” của nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm phát luật, như người dân sử dụng, buôn bán ma túy; duy trì nhiều hủ tục lạc hậu; đặc biệt người dân trở thành nạn mua bán người từ chính người trong thôn, bản.

Ngoài những biện pháp từ chính quyền địa phương để nâng cao hiểu biết xã hội, pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật cho người dân thì những năm gần đây, việc cho ra đời những mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT) đã được nhiều địa phương của tỉnh Hà Giang thực hiện, được người dân hưởng ứng, mang lại hiệu quả cao. Một trong những mô hình đó là “Dòng họ tự quản về ANTT”.

Dòng họ, rồi đến thôn có chung họ và làng chung họ vốn là mô hình tạo ra sự bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng cao, trong đó có Hà Giang. Bằng việc động viên và khích lệ phát huy tự quản của các dòng họ mà nhiều cộng đồng dân cư đã có một thế trận an ninh vững chắc để duy trì bình yên cho xóm làng mình.

Theo thống kê, tại huyện Quang Bình hiện có 7 mô hình dòng họ tự quản về ANTT như: Dòng họ Nguyễn Bảo Quang, Hoàng Thân, dòng họ Lương tại xã Bằng Lang; mô hình dòng họ Phan Văn tại xã Hương Sơn; mô hình dòng họ Hoàng tại thôn Yên Lập, xã Yên Thành; mô hình dòng họ Hoàng Văn tại thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên; mô hình dòng họ Hoàng tại thôn Bản Rịa, xã Bản Rịa…

Các mô hình có khẩu hiệu, tên gọi khác nhau tùy theo đặc điểm riêng của từng thôn, từng xã nhưng mục đích chung là làm tốt công tác đảm bảo ANTT và phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới.

Các mô hình đều xây dựng quy ước làm cẩm nang thực hiện, quan trọng hơn là đã xây dựng được các tổ tự quản, tổ hòa giải là hạt nhân nòng cốt để duy trì, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở. Từ khi đi vào hoạt động, tổ tự quản luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tổ chức, phân công tuần tra, kiểm soát địa bàn đảm bảo giữ vững ANTT ở địa phương; tạo điều kiện để nhân dân yên tâm lao động sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương.

Để tổ tự quản hoạt động hiệu quả, các thành viên trong tổ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn; đảm bảo giữ vững ANTT ở cơ sở. Qua công tác tuần tra, kiểm soát tổ đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra liên quan đến ANTT như: Những thanh niên trong thôn thường tổ chức tụ tập đông người vào ban đêm, tổ tuần tra đã kịp thời nhắc nhở, cho giải tán để tránh xảy ra tình trạng gây rối ANTT.

Tổ tự phối hợp với ban quản lý thôn, tổ hòa giải để hòa giải thành công nhiều vụ liên quan đến mâu thuẫn gia đình. Từ khi kiện toàn mô hình dòng họ đến nay, các vụ việc đã giảm rõ rệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững, ổn định. Trưởng dòng họ luôn động viên các thành viên trong dòng họ yên tâm lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, không để tái nghèo; tích cực tham gia các cuộc vận động và phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", vận động các gia đình trong dòng họ, tích cực quản lý, giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật, cùng giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn.

Hàng tháng, hàng quý, tổ tự quản sinh hoạt theo quy chế, có mời công an xã, ban quản lý thôn cùng dự. Các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng được lồng ghép với các buổi họp họ, tổ chức tuyên truyền, vận động mọi người chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; những quy định của xã, thôn, xóm…

Những mô hình tiêu biểu

Thôn Bành Văn 1 cách trung tâm xã Bản Luốc 4 km, địa hình đồi núi hiểm trở, dân cư sống thưa thớt, chủ yếu là dân tộc Dao sinh sống. Với khẩu hiệu “tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn”, khi có vụ việc xảy ra, người dân sẽ sử dụng tiếng mõ để báo hiệu cho các gia đình trong thôn được biết và cùng nhau xử lý các phức tạp, bất ổn xảy ra. Với những yếu tố tích cực được phát huy, chỉ một thời gian ngắn mô hình đã thu hút 37 gia đình họ Đặng trong thôn ký cam kết đảm bảo ANTT.

Một buổi họp dòng họ tự quản về ANTT

Từ khi mô hình “Họ Đặng tự quản” được thành lập đến nay, các thành viên của mô hình đã chủ động nắm tình hình, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp  trong nội bộ nhân dân, vi phạm hành chính, vi phạm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, kịp thời phản ánh đến cơ quan công an và UBND xã. Tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở thôn làm tốt công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; vận động nhân dân tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Sau một thời gian hoạt động, mô hình “Họ Đặng tự quản” tại thôn đã tham gia tích cực trong việc giữ gìn ANTT. Các thành viên đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, vận động người dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời giải quyết các vụ việc ngay tại cơ sở.

Đặc biệt, trong các cuộc họp của dòng họ, các thành viên luôn giáo dục, nhắc nhở con cháu chấp hành tốt các quy định về hộ tịch, hộ khẩu, tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Bên cạnh đó các thành viên còn đẩy mạnh công tác tham gia giữ gìn trật tự công cộng, trật tự giao thông, phòng cháy, chữa cháy...

Dòng họ Hoàng vốn tồn tại lâu đời và đông người nhất với 83 hộ 369 nhân khẩu sống tập trung tại 3 thôn: Cáo, Kiều, Trao.

Từ năm 2016, dòng họ Hoàng được chính quyền chọn thực hiện mô hình dòng họ tự quản, để duy trì hoạt động, dòng họ đã soạn thảo bản quy ước và lấy ý kiến tham gia của thành viên. Theo đó, mỗi năm dòng họ tổ chức họp ba lần, tại cuộc họp, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như quy định của địa phương được triển khai đến toàn thể các thành viên cùng nắm được. Đồng thời, giáo dục, nhắc nhở con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tham gia giữ gìn trật tự công cộng; phòng chống các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm…

Từ năm 2017, dòng họ Vi bắt đầu thực hiện mô hình dòng họ tự quản với 42 hộ chia làm 6 chi. Ông Vi Đức Phương, phó ban quản lý dòng họ cho biết, dòng họ đã tổ chức kí cam kết nâng cao ý thức trách nhiệm của các gia đình, thành viên. Từ khi thành lập, những khúc mắc, tranh chấp hay bất hòa vốn xuất phát từ con gà, con trâu hay lời ăn tiếng nói… giữa các thành viên trong gia đình, hay giữa các hộ với nhau đều được giải quyết trong dòng họ thay vì phải nhờ đến lãnh đạo chính quyền địa phương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm