Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

John Sevilla - Chiến binh chống tham nhũng trong ngành Hải quan Philippines

Thứ bảy, 06/09/2014 - 07:29

(Thanh tra)- Ở tuổi 45, John Sevilla bất ngờ rời bỏ vị trí “béo bở” tại một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, để quyết định về nước và khoác lên mình bộ đồng phục của ngành Hải quan, với mục tiêu: “Rửa sạch” tình trạng tham nhũng trong hệ thống hải quan Philippines.

Ông John Sevilla cam kết sẽ loại bỏ tham nhũng trong ngành Hải quan Philippines. Ảnh: INQUIRER

Không chỉ nhân viên hải quan, mà ngay cả các quan chức hải quan cũng dính líu tới tham nhũng. Đó là lý do mà John Sevilla, tốt nghiệp xuất sắc Trường Đại học Princeton (TP Princeton, bang New Jersey, Hoa Kỳ), từng giữ vị trí lãnh đạo tại Tập đoàn Goldman Sachs ở Hong Kong và Tập đoàn Standard & Poor's ở New York, vừa được Tổng thống Philippines Benigno Aquino III mời về nước và được chỉ định làm lãnh đạo cao nhất của ngành Hải quan Philippines, thay thế 1 cựu quan chức vừa bị thải hồi vì hành vi tham nhũng, biển thủ công quỹ.

Ngành Hải quan Philippines từ lâu nay liên tiếp để xảy ra những vụ bê bối tham nhũng. Các nhân viên, quan chức hải quan, đặc biệt là lực lượng hải quan ở TP Manila, vẫn thường nhắm mắt làm ngơ cho thông quan các lô hàng buôn lậu, trong đó có nhiều lô hàng quốc cấm như vũ khí, ma túy… Để rồi hàng tháng, những công chức hải quan biến chất này được nhận đều đặn những khoản tiền ngoài lương do những tổ chức tội phạm gửi để “cảm ơn”.

Ngành Hải quan Philippines, với quân số hiện nay lên tới hơn 3.600 người, hàng năm đã ngốn rất nhiều tiền ngân sách của Chính phủ. Thế nhưng, từ quan đến quân, đâu đâu cũng để xảy ra những vụ việc liên quan đến tham nhũng, nhận hối lộ, biển thủ công quỹ. Họ làm việc công, lĩnh lương Chính phủ, nhưng lại móc ngoặc với các băng nhóm tội phạm, tiếp tay cho tội phạm buôn lậu bất kể thứ hàng hóa gì, kể cả hàng quốc cấm. Với những công chức hải quan biến chất, tiền vào túi họ là trên hết, không cần biết nguồn hàng buôn lậu có nguy hiểm không, có ảnh hưởng đến cộng đồng hay không. Chính họ đã khiến ngành Hải quan Philippines bị bao phủ bởi tệ nạn tham nhũng, và khiến ngân sách Philippines mỗi năm bị “bay hơi” ít nhất 200 tỷ peso (khoảng 4,6 tỷ USD), bằng khoảng 2% GDP nước này.

Phát biểu trong buổi lễ nhậm chức, John Sevilla khẳng định: “Tôi chưa có sự chuẩn bị nào đối với cương vị này. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong ngành Hải quan Philippines. Nhưng từ lâu nay, tôi vẫn rất cương quyết phản đối mọi hành vi tham nhũng, biển thủ, nhận hối lộ. Tôi đảm bảo, sẽ làm mọi việc cần thiết để rửa sạch tình trạng tham nhũng trong ngành Hải quan, lấy lại niềm tin của người dân đối với ngành Hải quan Philippines”.

Ông John Sevilla cũng bày tỏ bất ngờ khi được báo cáo rằng, chỉ có khoảng 0,1% lượng hàng hóa được kiểm tra tại các cảng trên khắp Philippines. Lãnh đạo cao nhất của ngành Hải quan Philippines cho rằng, không thể lấy lý do thiếu nhân lực để bỏ qua, không kiểm tra các kiện hàng. Đây chỉ là những lý do không thể chấp nhận nhằm bao biện cho hành vi nhận hối lộ của các công chức hải quan. “Họ lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ của các băng nhóm tội phạm. Họ lợi dụng chức vụ để chèn ép những đơn vị nhập khẩu chân chính. Những việc làm này là không thể chấp nhận trong ngành Hải quan”, ông John Sevilla nhấn mạnh.

Theo một kết quả điều tra, một công chức hải quan biến chất nhận được trung bình mỗi tháng từ 1.140 - 1.600 USD do các băng nhóm buôn lậu gửi “cảm ơn”. Nếu so sánh với mức thu nhập bình quân 1USD/ngày của khoảng 25% người lao động Philippines hiện nay, thì những công chức hải quan biến chất này có mức thu nhập quá “khủng”.

Theo ông John Sevilla, việc “lọc” hệ thống hải quan là đương nhiên, và được áp dụng với nhiều phương thức. Áp dụng luật pháp nói chung, áp dụng những biện pháp trừng phạt nội bộ nói riêng, hay luân chuyển các bộ phận và luân chuyển cán bộ. Nhưng điều quan trọng, là cần phải có chiến lược thay đổi toàn diện ngành Hải quan, mọi cán bộ, nhân viên hải quan đều phải làm việc trong một môi trường công khai, minh bạch.

“Ngành Hải quan sẽ chẳng có gì phải che giấu. Các nhân vien hải quan chắc chắn sẽ làm việc hiệu quả hơn. Và tham nhũng sẽ bị loại bỏ”, ông John Sevilla cam kết.

Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm