Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 24/06/2015 - 06:31
(Thanh tra)- Doanh nghiệp (DN) giải quyết khâu “đầu ra” cho các trường đại học (ĐH), thế nhưng, bài toán đưa các trường về trực thuộc DN lại không dễ thực hiện.
Khó… “sống”
Thời gian qua dư luận xôn xao việc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có nguy cơ bị “bê" nguyên trạng sang Tập đoàn Viettel để xây dựng thành Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ cao, viễn thông, công nghệ thông tin và vũ khí quân sự. Đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các chuyên gia giáo dục ĐH và nội tại nhà trường.
Thực tế ở Việt Nam đã và đang tồn tại mô hình trường ĐH thuộc DN lớn như ĐH Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực, ĐH Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ĐH FPT thuộc Tập đoàn FPT... Khi mới được thành lập, các trường ĐH này được tập đoàn đầu tư rất tốt từ cơ sở vật chất tới đội ngũ giảng viên nên có điều kiện “sống khỏe”. Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, kinh doanh gặp khó khăn, nguồn vốn đầu tư rót về ít nên nhiều trường rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở”. Điển hình như Trường ĐH Dầu khí đã thất bại vì chỉ đào tạo ngành Dầu khí và hiện đang tạm dừng tuyển sinh để chuyển đổi mô hình. Hay ĐH Điện lực cũng rơi vào tình cảnh tương tự sau thời gian sống “lay lắt”, cho đến nay cũng đã chuyển về Bộ Công thương quản lý.
Nhìn lại bức tranh trường ĐH trực thuộc DN hiện nay, chỉ có duy nhất ĐH FPT vẫn đang phát triển. Tuy nhiên, làm được như vậy không hề đơn giản vì đây là tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, các ngành đào tạo của trường thực sự là hoạt động kinh doanh của tập đoàn này .
Chưa phù hợp
Cho ý kiến về mô hình này, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, trường ĐH thuộc về DN là một mô hình đáng để suy ngẫm, song vẫn cho rằng chưa thích hợp ở thời điểm này.
GS.TS Trịnh Minh Thụ - Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho rằng: Về việc gắn kết mô hình nhà trường và DN hiện nay Trường ĐH Thủy lợi đã và đang làm. Còn về vấn đề nhà trường thuộc DN theo tôi là rất khó vì đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội là cả quá trình. Nhiều khi việc đào tạo là vì nhiệm vụ chính trị, xã hội, nhưng DN thì phải tính tới yếu tố lợi nhuận, phải nhìn thấy lợi nhuận họ mới làm. Còn mỗi trường có mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo riêng, cho nên nhiều ngành biết lỗ vẫn phải tuyển sinh. Vì vậy, tôi cho rằng trong thời gian hiện nay và ngay cả trong tương lai gần, mô hình trường ĐH thuộc DN là chưa phù hợp.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: Khi thành lập, Học viện trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, để thực hiện mô hình gắn kết giữa nghiên cứu đào tạo và sản xuất. Lúc mới thành lập, Học viện chỉ tuyển 200 chỉ tiêu khu vực miền Bắc nên điểm trúng tuyển lên tới 28,5 điểm (tức là 9,5 điểm/môn). Nhưng để tồn tại mô hình này không hề đơn giản vì khi tuyển sinh trường phải đầu tư nguồn vốn rất lớn về nhà xưởng, cơ sở sản xuất, trang thiết bị… nhưng kết quả thu về lại không là bao, rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp, ra nước ngoài du học, rồi định cư và làm việc ở bên đó; có em khi về nước thì lại làm việc cho DN đối thủ cạnh tranh của cơ quan chủ quản… Từ khi chuyển đổi đơn vị chủ quản từ Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Bộ Thông tin và Truyền thông, trường liên tục phát triển, khẳng định được “thương hiệu” là một trong những trường ĐH kỹ thuật chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu cả nước.
Từ thực tế của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ông Lập chia sẻ thẳng thắn: Trên thế giới, thực tế Việt Nam và các mô hình nghiên cứu, giáo dục ĐH đã chứng minh không có DN lớn nào trực tiếp quản trị để chi phối, điều hành trường ĐH. DN thường chỉ tham gia đóng góp, tài trợ và hỗ trợ các trường ĐH và cơ sở nghiên cứu. Còn nếu trường chỉ đào tạo phục vụ cho DN thì lượng chỉ tiêu hàng năm rất ít. Quy mô trường khó phát triển. Hơn nữa, có thể khi DN làm ăn tốt thì nhà trường được đầu tư nhiều, làm ăn thất bại thì trường bị “bỏ rơi”.
Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra không đồng tình với mô hình trường ĐH thuộc DN bởi theo các chuyên gia này nếu trường ĐH thuộc DN khi ấy hoạt động của nhà trường giống như kinh doanh, không may DN phá sản, lúc đó sinh viên đi đâu? Ngoài ra, khi thuộc DN hoạt động của trường luôn bị chi phối bởi một ban lãnh đạo phía DN, nhà trường không có sự chủ động khi đề ra phương hướng phát triển giáo dục đào tạo như vậy sẽ rất khó phát triển.
Hải Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.
Trần Kiên
12:26 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Lê Phương
20:16 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà